Nhiều công ty lớn phương Tây âm thầm rút cam kết rời khỏi Nga

Hơn 1.000 công ty lớn đã cam kết rời khỏi Nga sau khi xung đột ở Ukraine bùng phát, nhưng nhiều công ty nổi tiếng đang bị cáo buộc không giữ lời.

Bia Heineken bày bán trên kệ siêu thị ở Nga. Ảnh: Bloomberg

Bia Heineken bày bán trên kệ siêu thị ở Nga. Ảnh: Bloomberg

Cuộc tháo chạy chưa từng có của các công ty phương Tây khỏi Nga được cho là đã tác động nghiêm trọng về mặt tài chính cũng như có ý nghĩa biểu tượng đối với nền kinh tế Nga.

Giờ đây, khi cuộc xung đột đã vượt qua mốc 500 ngày, Giáo sư Sonnenfeld, tại Đại học Yale và nhóm cộng sự của ông đã công bố kết quả cuộc điều tra, nêu tên hàng loạt công ty mà họ cáo buộc đã không rời Nga như cam kết, hoặc ít nhất là giảm mạnh sự hiện diện ở Nga. Trong số này có nhiều công ty nổi tiếng như Heineken, Unilever, Philip Morris hay nhà sản xuất bánh Oreo Mondelez.

Nghiên cứu của Đại học Yale, được chia sẻ độc quyền với CNN, dựa trên những người tố giác, các chuyên gia thực địa, sinh viên đang sống ở Nga, các tài liệu của công ty và báo cáo của các phương tiện truyền thông đại chúng.

“Những công ty này đang thất hứa. Họ đang hoạt động như những kẻ trục lợi thời chiến. Thật đáng thất vọng", Giáo sư Sonnenfeld nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn.

Sonnenfeld, người đã làm chứng trước Quốc hội Mỹ về việc các công ty rời khỏi Nga, không cáo buộc các tập đoàn này vi phạm pháp luật. Thay vào đó, ông lập luận rằng bằng cách ở lại Nga, họ đang vi phạm quy tắc đạo đức và đồng thời “tự đốt bỏ thương hiệu của mình”.

Giáo sư Sonnenfeld cho biết công ty điển hình cho vấn đề thất hứa là người khổng lồ sản xuất bia của Hà Lan, Heineken.

Vào tháng 3/2022, chỉ một tháng sau khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine, Heineken đã giành được lời khen ngợi từ các nước phương Tây khi hứa sẽ rời khỏi Nga. Yale thậm chí còn trao cho Heineken điểm cao nhất là “A”.

Tuy nhiên, 16 tháng sau, Heineken vẫn có 7 nhà máy bia và 1.800 nhân viên ở Nga, theo Yale. Không chỉ vậy, kể từ đó, Heineken đã tung ra một loạt nhãn hiệu mới ở Nga, chiếm lĩnh thị phần nhờ tranh thủ sự ra đi của các nhãn hiệu bia lớn khác. “Họ không rút lui", Steven Tian, giám đốc nghiên cứu tại Viện Lãnh đạo Giám đốc điều hành Yale cho biết.

Yale hiện đã hạ cấp Heineken xuống mức “D”, nhận thấy rằng công ty “tiếp tục trì hoãn việc thực sự rút lui, dưới chiêu bài rằng họ đang chờ sự chấp thuận theo quy định của Nga để việc chuyển nhượng của mình được thông qua”.

Ngược lại, các công ty lớn khác - bao gồm cả BP và ExxonMobil - đã phải chấp nhận thiệt hại lớn để thực hiện cam kết rời khỏi Nga.

Trong một tuyên bố với CNN, người phát ngôn của Heineken gọi cuộc xung đột ở Ukraine là một “thảm kịch khủng khiếp của con người” và cho biết công ty “cam kết rời khỏi Nga”. Công ty nói rằng họ đã ngừng bán thương hiệu Heineken tại Nga và đã tìm được một người mua tiềm năng cho hoạt động kinh doanh của hãng tại Nga. Tuy nhiên, thỏa thuận tiềm năng đó, được đệ trình lên chính quyền Nga vào tháng 4/2023, hiện vẫn đang chờ phê duyệt theo quy định.

“Chúng tôi cho rằng công ty Heineken sẽ bị tổn thất tài chính đáng kể. Hoạt động tại địa phương vẫn đang tiếp tục để tổ chức có thể bảo vệ sinh kế của nhân viên chúng tôi bằng cách tránh phá sản hoặc bị quốc hữu hóa", Heineken cho biết.

Vào tháng 3/2022, "gã khổng lồ" kẹo và đồ ăn nhẹ Mondelez hứa sẽ thu hẹp quy mô “tất cả các hoạt động không thiết yếu ở Nga đồng thời giúp duy trì nguồn cung thực phẩm liên tục”. Mondelez cho biết họ sẽ tập trung hoạt động vào “các dịch vụ cơ bản”.

Tuy nhiên, Mondelez – công ty sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như bánh quy Oreo, bánh quy giòn Triscuit và đồ ăn nhẹ Nabisco, cho biết họ vẫn sử dụng 3.000 nhân công ở Nga. Nghiên cứu của Yale cho biết Mondelez “không có dấu hiệu rõ ràng nào về việc rút lui” và vẫn tiếp tục kinh doanh tại Nga. Điều đó diễn ra bất chấp những cuộc tẩy chay đã tấn công Mondelez từ các cửa hàng tạp hóa châu Âu trong khi các công ty khác từ chối đặt hàng.

Dây chuyền sản xuất bánh Oreo.

Dây chuyền sản xuất bánh Oreo.

Mondelez đã không trả lời yêu cầu bình luận của CNN nhưng trong một tuyên bố vào tháng trước, công ty cho biết họ đã giảm quy mô hoạt động và tạm dừng ra mắt sản phẩm cũng như chi tiêu quảng cáo ở Nga.

Unilever, công ty sở hữu các thương hiệu xà phòng Dove, kem Ben & Jerry's và trà Lipton, cam kết chỉ bán những mặt hàng "thiết yếu" cho Nga. Tuy nhiên, theo điều tra của Giáo sư Sonnenfeld, Unilever vẫn đang bán kem Cornetto và các mặt hàng tiêu dùng khác ở Nga.

Unilever từ chối bình luận nhưng hồi tháng hai họ từng giải thích rằng việc rời khỏi Nga là “không đơn giản” nếu không muốn giao tài sản cho chính phủ hoặc làm tổn thương nhân viên ở đó.

Trường Kinh tế Kiev và Cơ quan Đánh giá Đạo đức, một tổ chức theo dõi cam kết của rời khỏi Nga các công ty, ước tính rằng sự hỗ trợ của Unilever cho nền kinh tế Nga tương đương khoảng 712 triệu USD mỗi năm.

Giống như Unilever và Mondelez, Nestle năm ngoái cũng cam kết chỉ bán các sản phẩm “thiết yếu” như sữa bột trẻ em ở Nga. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của Yale đã phát hiện nhà sản xuất thanh kẹo Kit Kat, cà phê hòa tan Nescafe và Purina vẫn đang bán thức ăn cho vật nuôi, thanh sô cô la và những mặt hàng không thiết yếu khác ở Nga. Nestle đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Bất chấp cam kết rời khỏi Nga vào tháng 3 năm 2022, gã khổng lồ không gian làm việc chung WeWork vẫn cho phép người dùng đặt chỗ làm việc ở Moskva.

Trong một tuyên bố với CNN, một phát ngôn viên của WeWork cho biết công ty vẫn có “ý định hoàn toàn ngừng hoạt động ở Nga”, đồng thời nói thêm rằng đó là “giai đoạn cuối cùng trong kế hoạch thoái vốn của chúng tôi”.

Năm ngoái, "gã khổng lồ" thuốc lá Philip Morris cho biết họ đang nỗ lực để rời Nga. Nhưng hiện tại, Philip Morris là một trong những công ty đa quốc gia lớn nhất còn lại ở Nga, với tài sản ước tính trị giá 2,5 tỷ USD bao gồm một số nhà máy ở đó - theo nghiên cứu của Đại học Yale.

Trong một tuyên bố với CNN, một phát ngôn viên của Philip Morris cho biết “tình hình rất phức tạp” và công ty “bị hạn chế bởi những quy định sửa đổi gần đây ở Nga, bao gồm các điều kiện hạn chế phải đáp ứng để bất kỳ giao dịch thoái vốn nào được chính quyền phê duyệt – cũng như các hạn chế xuất phát từ các quy định quốc tế.”

Một số chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh của Mỹ vẫn đang hoạt động ở Nga, dẫu đã hơn một năm sau khi McDonald's và Starbucks quyết định rời khỏi đất nước này. Nhóm của Sonnenfeld phát hiện ra rằng Sbarro Pizza vẫn có một địa điểm hoạt động ở Moskva. Chuỗi thức ăn nhanh của Mỹ, Carl's Jr. vẫn có mặt ở Nga và thậm chí còn giới thiệu đồ ăn của mình trên trang Instagram bằng tiếng Nga.

Một số công ty đã bảo vệ việc tiếp tục hiện diện ở Nga bằng cách viện dẫn mong muốn tránh gây ra nhiều vấn đề hơn cho nhân viên và khách hàng tại nước này.

Tim Calkins, giáo sư tiếp thị tại Trường Quản lý Kellogg thuộc Đại học Northwestern, cho biết: “Đây là một trong những điều nói thì dễ nhưng làm thì khó – và đi kèm với nó là một cú sốc tài chính".

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhieu-cong-ty-lon-phuong-tay-am-tham-rut-cam-ket-roi-khoi-nga-20230711124553472.htm