Nhiều cơ hội xuất khẩu vào Malaysia

Malaysia là thị trường tiềm năng và còn nhiều dư địa cho các doanh nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, lương thực, thực phẩm, đồ uống... Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần tận dụng cơ hội này để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Các đại biểu tham quan các gian hàng của doanh nghiệp trưng bày tại Showroom Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư thành phố Hồ Chí Minh, Quận 1.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương bốn tháng đầu năm 2022 giữa Malaysia và Việt Nam ước đạt gần 5 tỷ USD, tăng 15% so cùng kỳ năm 2021. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Malaysia bao gồm máy móc thiết bị và phụ tùng, máy vi tính, điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, hóa chất...

Lũy kế tính đến đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư của Malaysia vào Việt Nam đạt hơn 13 tỷ USD với 664 dự án, xếp thứ tám trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ðối với thành phố Hồ Chí Minh, ba tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của thành phố sang thị trường Malaysia ước đạt 295 triệu USD, tăng 150% so cùng kỳ năm 2021. Tính đến hết quý I năm 2022, Malaysia đã có 295 dự án đầu tư vào thành phố với tổng số vốn là 4,727 tỷ USD, đứng thứ sáu trên tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào thành phố Hồ Chí Minh.

Ðể hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư vào thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo, mới đây, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Phòng Thương mại phát triển các doanh nghiệp Malaysia tại nước ngoài (Matrade), Công ty TNHH Beyond World tổ chức hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu với thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo”.

Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách ITPC cho biết: Hiện, Malaysia là một trong những thị trường nhập khẩu có tiềm năng rất lớn của Việt Nam tại khu vực ASEAN. Ðến năm 2021, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 11, thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Malaysia với kim ngạch thương mại song phương đạt 11,8 tỷ USD. Cả hai nước đang nỗ lực hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD vào năm 2030.

Tuy nhiên, con số này vẫn còn thấp so với tiềm năng và triển vọng hợp tác rất lớn của hai nước. ITPC mong muốn tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước sẽ tiếp nhận, cập nhật thêm về thông tin, tiềm năng thương mại giữa Việt Nam-Malaysia nói riêng cũng như thị trường các nước Hồi giáo nói chung. Từ đó, giúp doanh nghiệp có cơ sở hoạch định kế hoạch mở rộng thị trường, tìm được những đối tác đầu tư và kinh doanh tại Malaysia, góp phần củng cố mối quan hệ giao thương truyền thống, tin cậy giữa hai quốc gia.

Khi xuất khẩu vào thị trường Malaysia, các doanh nghiệp cần lưu ý đến nền công nghiệp Halal (ngành công nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo). Năm 2021, nền công nghiệp Halal đã đạt 3,1 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng nhanh trong thời gian tới ở Malaysia và hứa hẹn là một trong những ngành xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam. Ngoài ra, hiện thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo trên thế giới được đánh giá lên tới 1.500 tỷ USD.

Ðây cũng được nhận định là thị trường khá “màu mỡ” cho doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, năng lực xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam còn thấp, mới chỉ đạt khoảng 10,5 tỷ USD trong năm 2021. Khu vực Ðông Nam Á, Nam Á, Nam Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu tiềm năng đối với sản phẩm Halal, là địa bàn tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới với 468 tỷ USD, trong đó Ðông Nam Á là 230 tỷ USD, Nam Á và Nam Thái Bình Dương là 238 tỷ USD.

Ðánh giá về tiềm năng thị trường Malaysia, ông Trần Việt Thái, Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia nhấn mạnh: Sau khi khống chế được dịch Covid-19, các doanh nghiệp Malaysia đã bắt đầu khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, kinh tế Malaysia có nhiều tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, Malaysia cũng đang đối mặt với vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng do bị ảnh hưởng bởi hai năm dịch Covid-19 và những hệ lụy từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Trong đó, nguồn cung lúa mì, đang bị gián đoạn khiến quốc gia này phải chuyển hướng đẩy mạnh nhập khẩu gạo các nước khác để bảo đảm nguồn cung.

Ðây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang Malaysia. Hiện, nhu cầu của Malaysia về gạo, thịt gà và nhiều loại nông sản, thực phẩm khác rất lớn. Tuy nhiên, để tiếp cận được thị trường Malaysia, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đáp ứng về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là về chứng nhận Halal.

Ông Raphy MD Razdi, Lãnh sự thương mại Phòng thương mại phát triển các doanh nghiệp Malaysia tại nước ngoài chia sẻ: Malaysia là nước có diện tích tương tự như Việt Nam, dân số theo đạo Hồi giáo chiếm từ 60%-70% dân số. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Malaysia cần có chứng nhận Halal, nếu có chứng nhận này sản phẩm của doanh nghiệp sẽ hướng đến 100% dân số của Malaysia. Chứng nhận Halal như là minh chứng về sự an toàn, vệ sinh thực phẩm và chất lượng nói chung cho toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm của mình.

Malaysia hiện đang muốn nhập khẩu thêm gạo từ Việt Nam và các mặt hàng nông sản khác. Hiện, Malaysia là một trung tâm trên toàn thế giới cho chuỗi cung ứng các sản phẩm Halal, đồng thời, là một nền kinh tế thu mua rất nhiều sản phẩm Halal và phân phối lại trên thế giới. Dự kiến năm 2025 giá trị của ngành công nghiệp Halal của Malaysia sẽ đạt 14 tỷ USD.

Bài và ảnh: KHÁNH TRÌNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/nhieu-co-hoi-xuat-khau-vao-malaysia-700673/