Nhiều bài học từ metro số 1

Tự chủ; đa dạng hóa tìm kiếm cơ hội trên nhiều thị trường; hợp tác với các nước sở hữu công nghệ tiên tiến có khả năng chuyển giao công nghệ; chú trọng đúng mức xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao...

Báo Người Lao Động ngày 4-8 có bài "Gỡ vướng dự án metro số 1" phân tích khá rõ về những khó khăn mà dự án đang gặp phải.

Phải hài hòa lợi ích

Từ thực tế đó cho thấy chúng ta phụ thuộc nước ngoài quá nhiều, từ việc lập dự án đến hoàn thiện hợp đồng, giám sát và thi công metro số 1 đều do phía Nhật Bản thực hiện.

Tiến độ dự án đến nay đạt hơn 95%, những đoàn tàu đã được nhập về. Còn chưa tới 5% khối lượng công việc nhưng vẫn bị chi phối cùng nỗi lo thêm một lần trễ hẹn được cho là bởi nhà thầu Hitachi (gói CP3) từ chối thực hiện các công việc theo hợp đồng đã ký. Trong lúc tập trung hoàn thành dự án cuối quý IV/2023, nếu nhà thầu vô cớ làm vậy là chưa phù hợp thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao. Nhà thầu nào cũng muốn an toàn trong giao dịch, hợp tác xây dựng có chi phí cho hoạt động và thanh toán các khoản liên quan mua sắm nguyên vật liệu, thuê thiết bị, trả lương nhân viên, có lợi nhuận, hạn chế tối đa các rủi ro trong kinh doanh. Mấu chốt vấn đề là ở đây, một khi được hóa giải thì các trở ngại khác cũng tự tháo gỡ.

Về phía chúng ta đã thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm thỏa thuận mà Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) từng cảnh báo như phân bổ vốn, giải ngân theo tiến độ, giải quyết trở ngại thủ tục... hay còn vấn đề nào khác?

Hitachi là nhà thầu lớn có uy tín quốc tế, tham gia nhiều dự án sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản. Bên cạnh có sự tác động hỗ trợ từ cấp cao giữa 2 nước, nên có thêm giải pháp hài hòa lợi ích để không ảnh hưởng thu hút đầu tư nước ngoài, phục vụ nhu cầu giao thông, phát triển kinh tế.

Trường hợp cấp bách, có thể tạm ứng vốn từ ngân sách trả cho nhà thầu để hoàn tất các công việc còn lại. TP HCM hoàn toàn có đủ thẩm quyền, khả năng khi đã áp dụng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98.

Metro số 1 được kỳ vọng là giao thông công cộng chủ lực nhưng nhiều lần trễ hẹnẢnh: Hoàng Triều

Tự chủ, đa dạng hóa tìm kiếm cơ hội

Metro số 1 được kỳ vọng là giao thông công cộng chủ lực không chỉ góp phần giải quyết kẹt xe mà còn tạo đà tăng tốc cho các lĩnh vực liên quan, kết nối hợp tác công nghệ, cơ khí chế tạo, thu hút đầu tư, mở ra không gian phát triển mới. Thế nhưng, quá trình thực hiện lận đận, kéo dài gần 20 năm; vốn ban đầu khoảng 17.000 tỉ đồng nay phát sinh chi phí, tăng đến 43.700 tỉ đồng.

Biết rằng khó hoàn thiện ngay các dự án lớn như metro số 1 trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, phụ thuộc công nghệ nước ngoài, sử dụng vốn ODA. Dù vậy, triển khai kéo dài sẽ càng tốn kém, mất cơ hội phát triển, công nghệ trở nên lạc hậu.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM, các nhà thầu và tư vấn Nhật Bản có thái độ thực hiện dự án chưa đúng đắn, nhất là trong bối cảnh cần đẩy nhanh tiến độ dự án.

Dễ thấy các nguyên nhân này không thuộc nhóm rủi ro bất khả kháng, chúng ta phải rút kinh nghiệm trong các dự án sau này, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình ngay từ giai đoạn đàm phán và soạn thảo hợp đồng theo hướng không bị chi phối hoặc phụ thuộc vào nguồn vốn, công nghệ, bất hợp lý khác.

Nên ưu tiên hợp tác theo hướng chuyển giao công nghệ để có thể tiến đến tự chủ triển khai các dự án tương tự. Đô thị lớn có hàng chục dự án metro, đường sắt đô thị, nếu cứ phụ thuộc nước ngoài thì không biết bao giờ mới làm xong. Phải tiến tới tự chủ, đa dạng hóa tìm kiếm cơ hội trên nhiều thị trường, hợp tác với các nước sở hữu công nghệ tiên tiến có khả năng chuyển giao cho chúng ta.

Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới, khâu nhân sự để tiếp nhận quản lý vận hành bảo dưỡng các công trình lớn như đường sắt trên cao, metro có vai trò quan trọng để có thể tiếp cận quan sát, chứng kiến thực tế trong quá trình thi công, lắp đặt các thiết bị kỹ thuật.

Metro số 1 đến thời điểm chạy thử, cận ngày hoàn thành vẫn còn loay hoay chuyện bố trí kinh phí hoạt động và tuyển nhân sự để đào tạo, quản lý, vận hành, khai thác cho thấy thiếu sự chuẩn bị. Ngay từ bây giờ, cần chú trọng đúng mức xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao vừa kế thừa kinh nghiệm từ tuyến metro số 1, 2 để thuận lợi hơn về sau.

Kinh nghiệm của Trung Quốc

Năm 2004, Trung Quốc chọn 4 hãng công nghệ lớn là Alstom, Siemens, Bombardier và Kawasaki Heavy Industries để ký hợp đồng chuyển giao công nghệ với 2 hãng sản xuất tàu lớn của nước này là China Southern Railway Corp và China Northern Railway Corp.

Năm 2008, tuyến đường sắt liên thông đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu hoạt động, nối Bắc Kinh và Thiên Tân.

Nhờ nội địa hóa, kế thừa và phát triển liên tục, tự làm chủ các công đoạn, Trung Quốc tự làm đường sắt đô thị cũng như đường sắt siêu tốc. Chỉ sau hơn 10 năm kể từ năm 2008, Trung Quốc hiện có mạng lưới đường sắt đô thị lẫn siêu tốc hàng đầu thế giới dài gần 30.000 km.

Nước ta hiện nay có nhiều DN xây dựng khoan kích ngầm dưới lòng đất, xuyên qua núi trong nhiều dự án cao tốc đường bộ, hoàn thành các công trình khá lớn.

Chúng ta có thể tự làm phần lớn các hạng mục metro, đường sắt đô thị nếu quyết tâm và có sự chuẩn bị tốt về nhân sự, chính sách, huy động nguồn lực, kế thừa công nghệ. Được vậy sẽ vừa chủ động, vừa tiết kiệm chi phí, tạo ra giá trị di sản để lại cho thế hệ mai sau bằng chính nội lực người Việt.

TRẦN VĂN TƯỜNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/nhieu-bai-hoc-tu-metro-so-1-20230804213130852.htm