Nhiên liệu hàng không bền vững, Việt Nam đang ở đâu trong xu thế?

Hiện Việt Nam chưa có tiêu chuẩn, cơ chế phù hợp về nhiên liệu hàng không bền vững, vì vậy các cơ quan chức năng cần sớm ban hành tiêu chuẩn để doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, kỹ thuật…

Theo lộ trình Chính phủ đề ra đến năm 2050, Việt Nam sẽ chuyển đổi sử dụng 100% năng lượng xanh, nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) cho tàu bay để giảm tối đa lượng phát thải khí nhà kính. Tùy thuộc điều kiện công nghệ, lượng phát thải còn lại được thực hiện bằng cách bù đắp cac-bon để đạt phát thải ròng bằng “0”.

Với mục tiêu trên ngành giao thông vận tải cần có lộ trình thực hiện và Việt Nam cần sớm chuyển đổi, tiếp cận ứng dụng công nghệ phù hợp để sẵn sàng chuyển đổi sang hàng không bền vững trong tương lai.

Ngành hàng không chiếm 2% lượng khí thải

Theo các số liệu nghiên cứu, ngành hàng không chiếm khoảng 2% lượng khí thải toàn cầu và được đánh giá là một trong những lĩnh vực khó giảm phát thải nhất. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khó không có nghĩa là chúng ta được phép chậm trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh trên toàn cầu.

Trên thực tế, hiện nay hàng không vẫn sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu bay lỏng, ngay cả khi có những cải tiến về hiệu suất, sự xuất hiện của máy bay điện (đường ngắn) trong tương lai. Vì vậy, SAF sẽ là công cụ quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi của ngành hàng không sang mức không phát thải ròng. Do đó, đòi hỏi ngành hàng không cần tăng sản lượng SAF để đạt mục tiêu đề ra.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã kêu gọi chính phủ các nước, nhà sản xuất máy bay và cơ quan quản lý chung tay hợp tác để giải quyết các vấn đề về phát thải với mục tiêu “Net Zero” vào năm 2050.

Trước thực trạng trên, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg năm 2022 về việc phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Theo đó, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với lĩnh vực hàng không được quy định rất cụ thể với hai giai đoạn.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã kêu gọi chính phủ các nước, nhà sản xuất máy bay và cơ quan quản lý chung tay hợp tác để giải quyết các vấn đề về phát thải với mục tiêu “Net Zero” vào năm 2050.

Giai đoạn 2022 - 2030: Thực hiện đồng thời toàn bộ các biện pháp tiềm năng của ngành hàng không để giảm phát thải CO2; Từ 2027, nghiên cứu sử dụng nhiên liệu thay thế để bổ sung một phần trong nhiên liệu hàng không; Đến năm 2030, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về sử dụng năng lượng và tiêu thụ nhiên liệu của các doanh nghiệp hàng không.

Giai đoạn 2031 - 2050: Từ năm 2035 sẽ sử dụng tối thiểu 10% nhiên liệu bền vững cho một số chuyến bay ngắn; 100% phương tiện chở khách và phương tiện khác trong sân bay đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2040, tất cả các phương tiện hoạt động trong khu bay sử dụng điện, năng lượng xanh (trừ các phương tiện đặc thù chưa sử dụng năng lượng điện).

Đặc biệt từ năm 2050, Việt Nam chuyển đổi sử dụng 100% năng lượng xanh, SAF cho tàu bay để giảm tối đa lượng phát thải khí nhà kính. Tùy thuộc điều kiện công nghệ, lượng phát thải còn lại được thực hiện bằng cách bù đắp các-bon để đạt phát thải ròng bằng “0”.

Sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng SAF toàn cầu

Ông Lương Thế Tùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại xăng dầu Tân Sơn Nhất (TAPETCO), cho biết TAPETCO là đơn vị đầu tư, xây dựng hệ thống trạm nạp ngầm, đảm bảo phục vụ an toàn, hiệu quả cho các chuyến bay tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Hệ thống tra nạp ngầm của Công ty TAPETCO được thiết kế và vận hành một cách tối ưu nhất với nhiều điểm mạnh.

TAPETCO sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng SAF toàn cầu.

Bao gồm: Thiết kế hệ thống bồn chứa với tổng dung tích 9.000 m3 (gồm 3 bể chứa 3.000 m3/bể), đáp ứng công suất tra nạp hơn 1,5 triệu tấn Jet A-1/năm; Sản lượng điện tiêu thụ chỉ bằng 1/3 so với hệ thống cùng công suất; Công suất nhập nhiên liệu từ xe bồn hiệu quả, tăng hệ số vòng quay sử dụng kho; Hệ thống được thiết kế đảm bảo vận hành liên tục ngay cả khi thực hiện các hoạt động bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa.

Bên cạnh đó, TAPETCO cũng tối ưu nguồn nhân lực vận hành nhờ áp dụng công nghệ tự động hóa ở mức cao nhất. Hệ thống góp phần giảm đáng kể mật độ phương tiện lưu thông trong khu vực sân đỗ tàu bay; giảm phát thải các-bon, tiết kiệm nhiên liệu vận hành và năng lượng tiêu thụ nhờ giảm số lượt xe bồn với tải trọng lớn lưu thông trong khu vực này.

Là đơn vị có kinh nghiệm đầu tư, xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cung ứng nhiên liệu hàng không, TAPETCO đã tham gia đóng góp ý kiến về chuyên môn, công nghệ và quy hoạch tuyến ống trong chuỗi cung ứng nhiên liệu hàng không phục vụ hoạt động khai thác tại Cảng HKQT Long Thành. Từ đó, nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành về kỹ thuật, chất lượng nhiên liệu hàng không.

TAPETCO là đơn vị có kinh nghiệm đầu tư, xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cung ứng nhiên liệu hàng không.

TAPETCO cũng là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam được chứng nhận hệ thống quản lý và cơ sở vật chất đáp ứng các yêu cầu khắt khe theo các bộ tiêu chuẩn của Chương trình chứng nhận các-bon và bền vững quốc tế (ISCC). Cụ thể gồm: Chứng nhận ISCC CORSIA (đáp ứng các yêu cầu theo CORSIA của ICAO); ISCC EU (đáp ứng các yêu cầu về SAF theo RED II của EU); ISCC PLUS (bộ tiêu chuẩn dành cho thị trường tự nguyện). Với các chứng nhận đã đạt được, hiện TAPETCO đã sẵn sàng các điều kiện để tham gia vào chuỗi cung ứng SAF toàn cầu.

TAPETCO cũng là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam được chứng nhận hệ thống quản lý và cơ sở vật chất đáp ứng các yêu cầu khắt khe theo các bộ tiêu chuẩn của Chương trình chứng nhận các-bon và bền vững quốc tế (ISCC).

Để đảm bảo an toàn trong hoạt động cung ứng nhiên liệu hàng không tại Việt Nam, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 04/2018 quy định cụ thể các yêu cầu kỹ thuật cho toàn bộ chuỗi cung ứng nhiên liệu hàng không tại Việt Nam. Bao gồm: hệ thống kho nhiên liệu hàng không (kho đầu nguồn, kho trung chuyển, kho sân bay), phương tiện vận chuyển, phương tiện tra nạp và yêu cầu kỹ thuật đối với nhiên liệu hàng không.

Sớm ban hành tiêu chuẩn nhiên liệu hàng không bền vững ở Việt Nam

Ông Lương Thế Tùng, Tổng Giám đốc TAPETCO cho biết: Với xu hướng mới, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành tiêu chuẩn Việt Nam về SAF và các cơ chế pháp lý phù hợp. Từ đó, nhằm tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại để vận hành chuỗi cung ứng SAF theo tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó là các kế hoạch để sẵn sàng cung ứng SAF cho chuyến bay đi/đến Việt Nam, đảm bảo đúng lộ trình chuyển đổi, sử dụng SAF thay thế một phần trong nhiên liệu hàng không từ năm 2027 theo chương trình hành động đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/07/2022.

Việt Nam cần sớm ban hành tiêu chuẩn nhiên liệu hàng không bền vững.

Đồng thời, các doanh nghiệp cung ứng nhiên liệu hàng không tại Việt Nam phải tuân thủ và đáp ứng đầy đủ các quy định của Nhà nước về bảo đảm kỹ thuật nhiên liệu hàng không trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ kho đầu nguồn cho đến khi tra nạp lên tàu bay.

Vì vậy, Công ty TAPETCO đã phối hợp với Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (Đơn vị hỗ trợ kỹ thuật) tổ chức Hội thảo khoa học “Nhiên liệu hàng không bền vững & Giảm phát thải Carbon trong chuỗi cung ứng nhiên liệu hàng không”. Hội thảo nhằm thúc đẩy, khuyến khích việc tiếp nhận ứng dụng công nghệ phù hợp, góp phần chuyển đổi sang hàng không bền vững trong tương lai.

Mong muốn thông qua Hội thảo khoa học, các cơ quan chức năng sớm ban hành tiêu chuẩn Việt Nam về SAF và các cơ chế pháp lý phù hợp, nhằm tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp vận hành chuỗi cung ứng SAF theo tiêu chuẩn quốc tế.

Việc sớm ban hành tiêu chuẩn Việt Nam về SAF và các cơ chế pháp lý phù hợp, nhằm tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp vận hành chuỗi cung ứng SAF theo tiêu chuẩn quốc tế.

Hội thảo với hai nội dung chính. Thứ nhất là phân tích các xu hướng công nghệ, kỹ thuật mới và khả năng ứng dụng SAF nhằm mục tiêu giảm tác động môi trường mà ngành hàng không gây ra.

Thứ hai là phân tích, nghiên cứu các giải pháp xây dựng, vận hành chuỗi cung ứng nhiên liệu hàng không đáp ứng đầy đủ các quy định của Nhà nước về đảm bảo kỹ thuật nhiên liệu hàng không và giải quyết các vấn đề về phát thải với mục tiêu “Net Zero” mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.

Công cuộc chuyển đổi năng lượng xanh của ngành hàng không nói chung còn nhiều thách thức và các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp đang rất nỗ lực để chung tay thực hiện mục tiêu chống biến đổi khí hậu, hiện thực hóa mục tiêu “Net Zero” vào năm 2050 của ngành hàng không Việt Nam.

Nhiều nội dung hấp dẫn tại Hội thảo chiều mai

Ngày mai (23-4), Hội thảo “Nhiên liệu hàng không bền vững & Giảm phát thải Carbon trong chuỗi cung ứng nhiên liệu hàng không” diễn ra sẽ có sự tham dự của đại diện các cơ quan thuộc Bộ GTVT, Bộ Công thương, Cục Hàng không Việt Nam, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Bộ KH&CN) và các cơ quan, đơn vị liên quan đến hoạt động hàng không và cung ứng nhiên liệu hàng không.

Cạnh đó, Hội thảo còn có sự tham gia của các diễn giả là các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực vận tải hàng không và cung ứng nhiên liệu hàng không.

Ông Kelvin Lee - Trưởng bộ phận Đối ngoại, phát triển bền vững khu vực Châu Á - Thái bình Dương, IATA, chuyên gia về các vấn đề môi trường, phát triển bền vững, các quy định, chính sách của các quốc tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - Hiệp hội hàng không Quốc tế (IATA);

Ông Pieter Van Espen - CEO UPLIFT INT’L, chuyên gia về kỹ thuật, quản lý môi trường và phát triển bền vững đến từ Bỉ, với trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, thiết kế, xây dựng và vận hành cơ sở hạ tầng tiếp nạp nhiên liệu hàng không tại hơn 100 sân bay trên thế giới;

Ông Maxim Breugelmans - CEO Betterfuels, chuyên gia về lĩnh vực hàng không đến từ Bỉ, chuyên thiết kế, xây dựng, vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp nạp nhiên liệu tại các cảng hàng không;

Ông Joseph Man - Giám đốc Quản lý khách hàng trọng yếu, Công ty Neste Asia Pacific, chuyên gia về lĩnh vực sản xuất, cung ứng nhiên liệu hàng không bền vững đến từ Singapore.

Báo Pháp Luật TP.HCM sẽ tường thuật chi tiết buổi Hội thảo khoa học này.

Đã có chuyến bay sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững

Ở Việt Nam, TAPETCO nhận định vấn đề về SAF đang gặp một số khó khăn.

SAF được hiểu là nhóm các loại nhiên liệu hàng không không dựa vào hóa thạch có thể giảm phát thải các-bon. SAF được thiết kế để thân thiện với môi trường, có khả năng kinh tế và được chấp nhận xã hội. Nguồn nhiên liệu này được sản xuất từ các nguồn tài nguyên bền vững như dầu thải (bao gồm dầu ăn đã sử dụng), sinh khối không dùng để làm thức ăn (như phụ phẩm nông nghiệp và sinh khối gỗ), thậm chí là rác thải đô thị. Những loại nhiên liệu này có thể được sử dụng mà không cần chỉnh sửa động cơ máy bay hay cơ sở hạ tầng phân phối nhiên liệu.

Hiện nay trên thế giới đã có chuyến bay sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững.

Từ đầu thập niên 2000, SAF đã được nghiên cứu và đến năm 2008, chuyến bay thương mại đầu tiên (Virgin Atlantic) từ Luân Đôn đến Amsterdam, sử dụng hỗn hợp dầu dừa và dầu babassu với 80% nhiên liệu máy bay thông thường.

Năm 2011, được sự chấp thuận của Hiệp hội Mỹ về kiểm tra vật liệu (ASTM) cho phép sử dụng hỗn hợp SAF lên đến 50%. Năm 2011, Air Granxe thực hiện chuyến bay đến Paris đến Amsterdam sử dụng hỗn hợp SAF 50%. Năm 2021, hơn 350.000 chuyến bay sử dụng SAF. ATA đặt mục tiêu Net Zero cho ngành hàng không đến năm 2050.

Sẽ có chuỗi cung ứng SAF và chứng nhận

Chuyên gia về lĩnh vực hàng không đến từ Bỉ - chuyên thiết kế, xây dựng, vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp nạp nhiên liệu tại các cảng hàng không, cho rằng để đảm bảo SAF đáp ứng tiêu chí bền vững, các hệ thống chứng nhận, kiểm soát việc tuân thủ các yêu cầu dọc theo chuỗi cung ứng SAF được thực hiện trong toàn bộ vòng đời - tức là kiểm soát từ nhà cung cấp nguyên liệu cho đến khâu pha trộn, phát thải.

Theo đó, nguồn nguyên liệu của SAF cần đảm bảo nguồn nguyên liệu tuân thủ các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe về phát triển bền vững. Chuỗi cung ứng nguyên liệu và SAF cũng được truy xuất nguồn gốc nguyên liệu bền vững thông qua chuỗi SAF. Cuối cùng là lượng phát thải trong toàn bộ vòng đời của SAF - cần xác định được lượng giảm thải của sản phẩm SAF cuối cùng.

Chuỗi cung ứng SAF cần phải tuân thủ các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe về phát triển bền vững.

Điểm đặc biệt là có khả năng truy nguồn để có thể theo dõi các sản phẩm và nguyên liệu thông qua chuỗi cung ứng nhưng cũng có thể cho biết sản phẩm được làm từ gì và chúng đã được xử lý như thế nào.

Chuỗi hành trình sản phẩm đề cập đến quá trình chuyển giao, giám sát và kiểm soát đầu vào và đầu ra cũng như các thông tin cụ thể liên quan khi chúng di chuyển trong chuỗi cung ứng. Điều này mang lại sự tin cậy rằng một lô nguyên liệu, sản phẩm được chuyển giao, giám sát và kiểm soát trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Chứng nhận Các-bon và Bền vững Quốc tế (ISCC) và Hội nghị bàn tròn về Vật liệu sinh học bền vững (RSB) đã đưa ra nhiều tiêu chuẩn chứng nhận để hỗ trợ thị trường SAF rộng lớn hơn. Một số được phê duyệt theo các quy định cụ thể, như tiêu chuẩn ICAO CORSIA và EU RED II, tiêu chuẩn toàn cầu ISCC PLUS và RS…

Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng yêu cầu đánh giá bởi một cơ quan chứng thực độc lập được công nhận chính thức, theo các yêu cầu do hệ thống chứng nhận đặt ra. Trường hợp đáp ứng được các tiêu chí bền vững, doanh nghiệp sẽ được cấp chứng chỉ xác nhận việc tuân thủ các yêu cầu của hệ thống chứng nhận. Chứng chỉ này cho phép doanh nghiệp sản xuất SAF từ nguyên liệu được chứng nhận phù hợp với các yêu cầu về tính bền vững trong cùng hệ thống chứng nhận.

Các cơ quan hàng không cùng nhau cam kết

Năm 2022, tại phiên toàn thể lần thứ 41 của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), các cơ quan hàng không đã cùng nhau cam kết về mục tiêu phát thải bằng không vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, các viện nghiên cứu, các hãng cung cấp nhiên liệu hàng không đã tích cực đầu tư nghiên cứu các công nghệ sản xuất SAF.

Tại Singapore cũng đã có kế hoạch yêu cầu tất cả các chuyến bay khởi hành từ đất nước này phải sử dụng SAF từ năm 2026 - nỗ lực đưa ngành hàng không chuyển sang sử dụng nhiên liệu xanh hơn. Quốc gia này cũng có kế hoạch nâng lên 3-5% vào năm 2030, tùy theo sự phát triển toàn cầu, tính phổ biến và mức độ áp dụng rộng rãi của SAF.

Lường trước 4 khó khăn về SAF tại Việt Nam

Ở Việt Nam, TAPETCO nhận định vấn đề SAF đang gặp một số khó khăn.

Thứ nhất là nguyên liệu đầu vào hạn chế nguồn cung, hiện cũng đang sử dụng cho ngành công nghiệp khác. Hơn hết nguyên liệu đầu vào cũng cần sự bền vững và chứng nhận.

Việt Nam cũng đã lường trước nhiều khó khăn khi sử dụng SAF.

Thứ hai là phát triển chuỗi cung ứng: Từ thu thập nguồn nguyên liệu đầu vào đến sản xuất và phân phối tạo thành chuỗi cung ứng phức tạp; cần nguồn vốn rất lớn cho chuỗi.

Thứ ba về thách thức kỹ thuật, chứng nhận: Công nghệ pha chế phức tạp; chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn (DEF STAN 91-091 & ASTM standards); chứng nhận đảm bảo việc vận hành.

Thứ tư các quy định pháp lý: Mỗi khu vực một quy định pháp lý; cần cập nhật khung pháp lý cho việc áp dụng SAF.

SAF có thể giảm đáng kể phát thải các bon của nhiên liệu hàng không. Chúng được thiết kế để thân thiện hơn với môi trường và có thể giảm lượng khí thải CO2 lên đến 80% trong suốt vòng đời so với nhiên liệu máy bay thông thường.

Vì vậy, TAPETCO tiên phong trong lĩnh vực hàng không bền vững, hướng tới tương lai xanh hơn nên việc nỗ lực giảm tác động môi trường, ủng hộ chính sách hỗ trợ, cập nhật công nghệ trong ngành công nghiệp nhiên liệu hàng không bền vững. TAPETCO sẵn sàng đáp ứng, đào tạo và phát triển nhân sự nhận diện của SAF.

Việt Nam sẽ có chuyến bay SAF đầu tiên vào tháng 5-2024

Đại diện Vietnam Airlines chia sẻ dự kiến giữa tháng 5-2024, Vietnam Airlines sẽ bay chuyến đầu tiên sử dụng SAF. Tuy nhiên, hãng này cũng cho biết còn phụ thuộc vào nhà cung cấp nhiên liệu từ Singapore phản hồi thời gian đáp ứng nguồn SAF.

“Hãng sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hướng đến sự thân thiện môi trường, thân thiện khí hậu, bảo đảm các hoạt động kinh doanh bền vững nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, đại diện Vietnam Airlines nhìn nhận.

Việt Nam sẽ có chuyến bay SAF đầu tiên vào tháng 5-2024.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một chuyên gia hàng không đánh giá đầu tư vào các máy bay tiết kiệm nhiên liệu sử dụng nhiên liệu sinh học, hướng tới khai thác các chuyến bay Zero Các - bon. Đây là các giải pháp bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của ngành hàng không. PHONG ĐIỀN

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhien-lieu-hang-khong-ben-vung-viet-nam-dang-o-dau-trong-xu-the-post786784.html