Nhẹ nhàng, không tạo áp lực cho học sinh

Thời gian này, học sinh các bậc học từ tiểu học đến THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang ôn tập, tổ chức kỳ kiểm tra cuối học kỳ I, năm học 2023 - 2024. Nhìn chung, kỳ kiểm tra cuối học kỳ I được các trường tổ chức nhẹ nhàng, không gây áp lực cho học sinh.Theo hướng dẫn kiểm tra cuối học kỳ I của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang vừa ban hành, các trường cho học sinh kiểm tra học kỳ I trước ngày 5-1-2024. Về đề kiểm tra, đối với các lớp 1, 2, 3, 4, việc kiểm tra được thực hiện theo Thông tư 27 của Bộ GD-ĐT.

Học sinh Trường THCS Bình Ninh, huyện Chợ Gạo trong giờ học.

Học sinh Trường THCS Bình Ninh, huyện Chợ Gạo trong giờ học.

Đối với lớp 5, lớp còn lại thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2006 thực hiện kiểm tra, đánh giá theo Thông tư 22 kèm theo Thông tư 30 và Hướng dẫn 03 của Bộ GD-ĐT về việc quy định đánh giá học sinh tiểu học.

Môn Tiếng Việt có 2 bài kiểm tra là đọc và viết. Đối với phần kiểm tra đọc bao gồm đọc thành tiếng và đọc hiểu. Bài kiểm tra đọc thành tiếng (10 điểm) và bài kiểm tra đọc hiểu (10 điểm). Với kiểm tra viết bao gồm viết chính tả (8 điểm), bài tập chính tả (2 điểm) và tập làm văn (10 điểm). Riêng đối với khối lớp 4, không kiểm tra bài viết chính tả và bài tập chính tả. Biểu điểm bài tập làm văn bao gồm 2 nội dung tập làm văn (8 điểm) và chính tả (2 điểm).

Với môn Toán, bài kiểm tra cần có sự kết hợp 2 hình thức: Bài tập trắc nghiệm và bài tập tự luận. Môn Lịch sử và Địa lý lớp 4, 5, biểu điểm đề kiểm tra bao gồm Lịch sử (5 điểm) và Địa lý (5 điểm). Còn đối môn Tiếng Anh: Bài kiểm tra phải đảm bảo đầy đủ các kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết. Riêng với môn Tin học và Công nghệ đề kiểm tra bao gồm nội dung lý thuyết (5 điểm) và nội dung thực hành (5 điểm).

Còn đối với bậc THCS, THPT, ngoại trừ khối lớp 9, 12 thực hiện theo Thông tư 58 của Bộ GD-ĐT, các khối còn lại thực hiện Chương trình GDPT năm 2018, đề kiểm tra sẽ áp dụng theo Thông tư 22 của Bộ GD-ĐT. Theo đó, với chương trình mới các trường đánh giá học sinh lớp 6, 7, 8, 10, 11 bằng nhận xét kết quả học tập đạt hay chưa đạt các môn học: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp…

Những môn học còn lại như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Khoa học tự nhiên… thực hiện đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số. Đề thi các môn phải có ma trận đề, kết cấu tỷ lệ điểm theo hướng nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao; đồng thời, không kiểm tra, đánh giá những nội dung, bài tập, câu hỏi vượt quá mức độ cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng mà học sinh đang học.

Ngoài ra, cũng không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung hướng dẫn học sinh, bao gồm: Tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu những nội dung học sinh thực hành, thí nghiệm. Với môn Ngữ văn kiểm tra theo hình thức tự luận, các môn còn lại tùy theo đặc trưng từng khối lớp sẽ kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm hoặc trắc nghiệm kết hợp với tự luận.

Theo đánh giá của nhiều giáo viên, về hình thức từ khi áp dụng chương trình mới thì các bài kiểm tra không thay đổi nhiều, vẫn là tự luận hay trắc nghiệm hoặc tự luận kết hợp trắc nghiệm. Tuy nhiên, vấn đề mới ở đây là với từng đề thi cụ thể sẽ yêu cầu giáo viên biên soạn đề có tính vận dụng, phát huy năng lực học sinh chứ không theo kiểu kiểm tra thuần kiến thức như trước.

Chẳng hạn với môn Ngữ văn, đề kiểm tra sẽ tránh dùng những văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng đề. Thay vào đó sẽ tập trung vào xây dựng, thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kỹ năng đọc, viết, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới…

Theo thầy Nguyễn Phúc Viễn, Hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo), trước kỳ kiểm tra cuối kỳ, lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng đã lưu ý các trường thực hiện có hiệu quả các hình thức, phương pháp kiểm tra đánh giá. Kiểm tra học kỳ là đợt để đánh giá kết quả giáo dục học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện.

Đây là dịp để giúp đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp kịp thời chỉ đạo các hoạt động giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá nhằm đạt hiệu quả, mục tiêu giáo dục; đồng thời giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, phát hiện những cố gắng, tiến bộ và những khó khăn của học sinh để động viên, khích lệ và hướng dẫn, giúp đỡ học sinh trong quá trình học tập.

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang Lê Quang Trí cho biết: “Sắp tới đây, học sinh sẽ thực hiện bài kiểm tra học kỳ I của năm học 2023 - 2024. Với từng bậc học cụ thể, Sở đã có hướng dẫn về việc thực hiện kiểm tra, đánh giá trên tinh thần nghiêm túc, khách quan, không gây căng thẳng, áp lực cho học sinh”.

ĐỖ PHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202312/kiem-tra-cuoi-hoc-ky-i-nhe-nhang-khong-tao-ap-luc-cho-hoc-sinh-999522/