Nhảy múa, tập yoga trên đường là gây rối trật tự công cộng

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, pháp luật Việt Nam không cấm việc công dân chụp ảnh, đăng tải những hình ảnh lên không gian mạng. Tuy nhiên, việc chụp ảnh ở đâu, chụp thế nào, có ảnh hưởng đến trật tự an toàn công cộng, hay có xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân không thì cần xem xét.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh 17 người phụ nữ mặc quần áo tập yoga, nằm trên những chiếc thảm giữa đường để chụp ảnh với hoa bằng lăng, bất chấp các phương tiện qua lại.

Qua xác minh, cơ quan chức năng xác định, sự việc này xảy ra vào ngày17/5 tại khu vực ngã 3 đường Trần Hưng Đạo giao nhau với đường Nguyễn Công Thu, thuộc tổ dân phố Tân Hưng, thị trấn Kiến Xương.

Nhóm người tập yoga giữa đường bị xử phạt hành chính. (Ảnh: Quê tôi Thái Bình)

Nhóm người tập yoga giữa đường bị xử phạt hành chính. (Ảnh: Quê tôi Thái Bình)

Liên quan đến vụ việc, chiều 18/5, chủ tịch UBND thị trấn Kiến Xương đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 14 người, mỗi người bị xử phạt hành chính 150.000 đồng theo Điểm a, Khoản 2, Điều 11, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Sự việc chưa lắng xuống, cùng ngày, tại tuyến đường Hoa Phượng Tím (Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) xuất hiện 5 phụ nữ đứng trước đầu ôtô màu đen nhảy nhót theo nhịp điệu. Ở phía sau ôtô màu đen, nhiều phương tiện tham gia giao thông gồm ôtô, xe máy buộc phải di chuyển chậm để tránh chiếc xe đang dừng đỗ và nhóm người trên.

Khi những video này xuất hiện, ngay lập tức nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Nhiều ý kiến cho rằng, hành động của những người phụ nữ này, đẹp đâu chưa thấy, hay đâu chưa thấy, nhưng đã gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Rất đáng tiếc, những sự việc trên lại không phải là hi hữu, trước đây đã có nhiều video tương tự được post lên mạng xã hội. Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, trưởng văn phòng Luật Chính pháp cho rằng, pháp luật Việt Nam không cấm việc công dân chụp ảnh, đăng tải những hình ảnh lên không gian mạng. Tuy nhiên, việc chụp ảnh ở đâu, chụp thế nào, có ảnh hưởng đến trật tự an toàn công cộng, hay có xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân,... thì đó là những vấn đề pháp luật đã có quy định.

Nếu hành vi chụp hình, quay clip gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, người thực hiện hành vi bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Hành vi vi phạm pháp luật mà cơ quan chức năng chưa phát hiện, có thể người vi phạm chưa bị xử lý. Tuy nhiên, nếu hành vi vi phạm pháp luật (trong đó có vi phạm giao thông đường bộ) mà đăng tải công khai lên không gian mạng thì hành vì đó là thách thức pháp luật, thể hiện ý thức coi thường pháp luật và có thể ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Trong trường hợp này, người vi phạm có thể sẽ bị xử lý với chế tài nghiêm khắc” –luật sư Cường phân tích.

Theo luật sư Cường, trong trường hợp hành vi gây rối trật tự công cộng chưa đến mức được xác định là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội, người thực hiện hành vi chưa từng bị xử phạt hành chính phải chờ từng bị kết án thì hành vi gây rối trật tự công cộng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính có thể tới 8 triệu đồng theo quy định tại Điều 7, nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài hành vi gây rối trật tự công cộng, người thực hiện hành vi này còn đăng tải thông tin nên không gian mạng, cũng có thể bị xử lý về hành vi đưa những thông tin bị cấm nên không gian mạng với mức phạt từ 5- 10 triệu đồng đối với cá nhân.

Trường hợp hành vi gây rối trật tự công cộng như: cản chở giao thông đường bộ, dừng đỗ xe sai quy định trên đường giao thông hoặc có hành vi khác vi phạm giao thông đường bộ ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 318 Bộ Luật Hình sự với chế tài từ 5 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Trường hợp được xác định là phạm tội có tổ chức, có phá phách, xúi giục người khác phạm tội hoặc thuộc các trường hợp tăng nặng khác theo khoản 2, Điều 318 Bộ Luật hình sự thì phạt phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Theo luật sư Cường, không ít trường hợp thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng không nghĩ rằng lại bị cơ quan chức năng đánh giá là hành vi ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội nên đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự, sau khi bị xử lý thì ân hận đã muộn.

Ví như vụ người mẫu Ngọc Trinh là một trong những ví dụ điển hình về hành vi gây rối trật tự công cộng mà bản thân không nhận thức hết hậu quả đã gây ra đối với xã hội. Sau khi bị xử lý thì nữ người mẫu này rất ân hận về hành vi của mình và đã tự ý thức sửa sai, động viên mọi người không thực hiện theo những hành vi sai lầm của mình

Trong vụ việc những người phụ nữ tập yoga giữa đường tại Thái Bình, luật sư Cường cho hay, trường hợp kết quả xác minh cho thấy những người phụ nữ tập yoga trên đường phố chưa đến mức cản trở giao thông đường bộ, chưa gây nguy hiểm cho xã hội, hành vi được xác định là chưa đến mức ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì họ bị xử phạt vi phạm hành chính. Nhưng nếu còn tiếp tục vi phạm thì lần sau thì những người này sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự.

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/nhay-mua-tap-yoga-tren-duong-la-gay-roi-trat-tu-cong-cong-post1096353.vov