Nhật ký, kỷ vật vô giá của người lính

Chiến tranh đi qua gần nửa thế kỷ, để lại nhiều đau thương, mất mát. Lắng nghe những ký ức được kể bằng kỷ vật thời chiến là một cách để mỗi người thêm hiểu, thêm trân trọng sự hy sinh lớn lao của các thế hệ cha anh.

Tham gia Chiến dịch đường 9 Nam Lào, rồi vào chiến đấu ở Quảng trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Kon Tum và 12h ngày 30/4/1975 có mặt ở Sài Gòn… - trên hành trình chiến đấu đó, chàng sinh viên Hà Nội Vũ Thành Vĩnh luôn mang theo bên mình một quyển nhật ký.

Được một người bạn tặng cuốn sổ trước khi lên đường đi chiến đấu, ông Vũ Thành Vĩnh cùng một người bạn thiết kế trang bìa của cuốn nhật ký và đặt tên là "Kỷ niệm đời lính - 1972". Khi đó, ngoài chiến trường, mọi thứ thiếu thốn, hai người đã sử dụng màu vàng, đỏ từ thuốc, màu xanh từ lá cây giã ra… để tô màu, thiết kế trang bìa của cuốn nhật ký sao cho đẹp, ấn tượng.

Trang bìa của cuốn nhật ký được ông Vĩnh và một người bạn sử dụng màu vàng, đỏ từ thuốc, màu xanh từ lá cây giã ra… để tô màu, trang trí.

Rồi không may, người đồng đội tên Hưng đã viết cho ông những dòng chữ đầu tiên trên cuốn nhật ký ấy đã hy sinh sau đó 8 ngày. Tiếp những ngày tháng chiến đấu sau đó, ông Vĩnh đã phải trải qua nhiều nỗi đau nữa khi chứng kiến những người đồng đội hy sinh trong các trận chiến ác liệt… Tất cả những dấu mốc đó đều được ông ghi lại trong cuốn nhật ký mang theo bên mình.

Quyển nhật ký được ông nâng niu, trân trọng và gìn giữ, vì trong đó còn ghi rõ họ tên, địa chỉ, quê quán của các đồng đội và cả những vị trí mộ phần của những người đã nằm lại chiến trường. Ông Vĩnh và các đồng đội trong đơn vị đã hứa với nhau, khi hòa bình lập lại, ai còn sống sẽ quay trở lại chiến trường xưa, thắp hương cho những người đã khuất.

Với ông Vĩnh, cuốn nhật ký rất quý giá. Trong hơn 50 năm qua, đã 3 lần ông tưởng như đã đánh mất nó, nhưng vẫn tìm lại được. Ông coi đó như một điều kỳ diệu. Mỗi dịp thăm lại chiến trường xưa, thắp hương cho các đồng đội đã hy sinh, ông đều mang theo cuốn nhật ký đặc biệt này.

Mỗi khi có dịp gặp lại những người đồng đội cũ, những người lính năm xưa cùng ôn lại những tháng ngày gian khổ, thắm tình đồng đội qua những kỷ vật còn lưu giữ.

Với tất cả sự trân trọng và mong muốn lưu giữ ký ức một thời chiến tranh gian khó mà oai hùng, ông Đào Mộng Lân, một CCB của Đoàn pháo binh Biên Hòa - chiến trường miền Đông Nam Bộ, đã lưu giữ cẩn thận một cuốn nhật ký và một số đồ dùng trong quân ngũ, bởi với ông, đó là những kỷ vật của thời trai trẻ vào sinh ra tử, kề vai sát cánh cùng đồng đội.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng ký ức của những người tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vẫn vẹn nguyên nhờ vào những kỷ vật mà những người lính năm xưa đang gìn giữ bên mình. Để rồi mỗi khi có dịp gặp lại những người đồng đội cũ, họ lại cùng ôn lại những tháng ngày gian khổ, thắm tình đồng đội qua những kỷ vật còn giữ lại. Đó cũng là cách để những người lính tưởng nhớ các đồng đội đã hi sinh.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nhat-ky-ky-vat-vo-gia-cua-nguoi-linh-235357.htm