Nhật ký Asiad 19: Nơi xanh nhất của một Asiad xanh

Những nhà tổ chức đại hội đã khởi xướng 8 dự án đặc biệt nhằm giảm khí thải như xây dựng địa điểm xanh; cung cấp năng lượng xanh, nâng cấp giao thông xanh, nỗ lực giảm thiểu khí thải carbon… 65 địa điểm và cơ sở vật chất liên quan Asiad được cung cấp 100% điện năng lượng xanh sẵn có để sử dụng.

Hôm qua, thể thao Việt Nam giành tấm huy chương đầu tiên tại Asiad 19 ở đường đua rowing tại Trung tâm thể thao dưới nước Fuyang. Không biết có phải cố ý hay không mà nước chủ nhà đưa nội dung này để thi chung kết đầu tiên ngay sau lễ khai mạc. Bởi nhiều hay ít, nó cũng tạo ra một sự liền mạch trong suy nghĩ của mọi người về một kỳ Asiad “xanh trên mọi góc độ”.

Những nhà tổ chức đại hội đã khởi xướng 8 dự án đặc biệt nhằm giảm khí thải như xây dựng địa điểm xanh; cung cấp năng lượng xanh, nâng cấp giao thông xanh, nỗ lực giảm thiểu khí thải carbon… 65 địa điểm và cơ sở vật chất liên quan Asiad được cung cấp 100% điện năng lượng xanh sẵn có để sử dụng. Làng Á vận hội có xe buýt điện đưa đón, khu vực xe đạp điện dùng chung và tất cả 42 địa điểm thi đấu ở Hàng Châu đều được trang bị thiết bị sạc, với tổng số gần 800 cột sạc. Ngay lễ khai mạc cũng truyền tải thông điệp này khi không tổ chức bắn pháo hoa.

Triết lý xanh càng có ý nghĩa hơn khi được thực hiện tại đại hội diễn ra ở Hàng Châu, thành phố vốn nổi tiếng là “rừng trong phố”, với mật độ phủ xanh lớn nhất trong các đô thị Trung Quốc. Và không có gì ngạc nhiên khi Trung tâm thể thao dưới nước Fuyang tổ chức các môn đua thuyền, là nơi nhiều màu xanh nhất. Khu liên hợp thể thao dưới nước này nằm ngay cạnh một bờ kênh gần như ngập tràn cây xanh với tỷ lệ phủ đạt 45%.

Do là khu vực trống trải, nên có hẳn một hệ thống thu gom nước mưa xây dựng ngầm bên dưới công viên đến 24.000m2 để tái sử dụng nước cung cấp cho các hoạt động thi đấu trong nhà cần sử dụng đến những ống dẫn nước. Chỉ riêng trên mái có hình con sóng uốn lượn của khu thi đấu Fuyang, toàn bộ được trồng cây xanh cùng 210 thanh điều hướng ánh sáng được điều khiển bằng hệ thống thông minh để đưa ánh sáng bên ngoài vào trong, giúp tiết kiệm được 100.000 kWh điện mỗi năm. Thực tế, Trung tâm thi đấu Fuyang là một kiệt tác về kiến trúc và công nghệ kiểm soát nhiệt độ. Vì thế mà Fuyang được chọn là “biểu tượng” cho một Hàng Châu kỳ thú để giới thiệu cho các đoàn vận động viên (VĐV) dự Asiad.

Điều làm nên sự khác biệt của Fuyang là nó được xây dựng dọc theo bờ kênh, cạnh một dự án biệt thự nhà phố chỉ cách nhau bằng một con đường nội bộ, tạo ra một công viên nước hoàn chỉnh vừa phục vụ cho thể thao vừa là điểm nhấn khu vực đô thị. Ở góc độ thể thao, gần như tất cả các môn thi đấu dưới nước đều có thể tổ chức tại đây thay vì được gom vào các cung thể thao nằm bên trong các khu liên hợp. Một cách xây dựng hài hòa cảnh quan, dễ dàng tập trung cho công tác huấn luyện VĐV đỉnh cao mà vẫn mang hiệu quả “mềm” cho dân cư xung quanh.

Năm 2020, Chính phủ Trung Quốc đề ra mục tiêu phấn đấu đạt đỉnh phát thải carbon vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060. Tiêu chí xanh của Asiad được tính toán chi tiết đến năng lượng tiêu hao của từng bóng đèn, từng máy điều hòa, từng chiếc thang máy. Tầng 4 và tầng 5 của nhà thi đấu Trung tâm thể thao Olympic Hàng Châu được chia thành hơn 70 khu vực để lắp cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, mật độ người qua lại, từ đó tính toán và xây dựng phương án tiêu thụ năng lượng điện phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế của mỗi khu vực để vừa thực hiện cắt giảm phát thải CO2 vừa tránh lãng phí tài nguyên.

SONG VIỆT

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhat-ky-asiad-19-noi-xanh-nhat-cua-mot-asiad-xanh-post706942.html