Nhật Bản trợ cấp thêm gần 4 tỷ USD cho hãng chip Rapidus

Nhật Bản cung cấp khoản hỗ trợ bổ sung hơn 3,9 tỷ USD cho tập đoàn Rapidus, với mục tiêu phát triển chip 2nm, nhằm vực dậy ngành công nghiệp bán dẫn của nước này.

Ngày 2/4, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản sẽ cung cấp khoản hỗ trợ bổ sung hơn 3,9 tỷ USD cho nhà sản xuất chip bán dẫn Rapidus.

Theo Japan Times, mục tiêu của Rapidus là phát triển chip 2nm tiên tiến nhất hiện nay tại nhà máy sản xuất ở Hokkaido (Nhật Bản). Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản để vực dậy ngành công nghiệp bán dẫn của nước này trong bối cảnh cuộc cạnh tranh đang diễn ra gay gắt giữa các nước nhằm thu hút các công ty bán dẫn.

Rapidus sẽ cạnh tranh với các công ty đầu ngành như TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) và Samsung Electronics của Hàn Quốc trong bối cảnh những công ty này có kế hoạch bắt đầu sản xuất hàng loạt chip 2nm vào năm 2025.

Việc giảm kích thước nanomet có thể mang lại những con chip mạnh hơn và hiệu quả hơn với nhiều bóng bán dẫn hơn được đóng gói trên một chip bán dẫn.

Ông Hidemichi Shimizu, đại diện Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản nhận định, việc đầu tư vào Rapidus có ý nghĩa quan trọng khi công ty có kế hoạch phát triển chip bán dẫn hiện đại, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của Nhật Bản trong lĩnh vực bán dẫn so với các nước khác như Mỹ, Hàn Quốc hay một số quốc gia châu Âu.

Trước đó, năm 2022, Nhật Bản hỗ trợ hơn 7,62 tỷ USD cho Rapidus nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ nội địa.

Giới chuyên gia cho rằng, Nhật Bản đang rót hàng tỷ USD vào một cuộc đặt cược lâu dài nhằm vực dậy năng lực sản xuất chip của mình. Những con chip tiên tiến sẽ đóng vai trò nền tảng cho hàng chục công nghệ quan trọng như trí tuệ nhân tạo, hệ thống vũ khí và xe điện.

Ông Atsuo Shimizu, Giám đốc điều hành của Rapidus cho biết: "Có những yếu tố an ninh kinh tế, địa chính trị liên quan. Để duy trì sự phát triển trong lâu dài, Nhật Bản cần trở thành một quốc gia có công nghệ toàn cầu. Và chúng tôi có thể hiện thực hóa điều đó thông qua chất bán dẫn".

Trong Đạo luật Thúc đẩy An ninh Kinh tế, được Nhật Bản thông qua hồi tháng 5/2022 đã đặt mục tiêu tăng cường sự ổn định chuỗi cung ứng cho hàng hóa chiến lược, không bị gián đoạn do xung đột địa chính trị bằng cách bản địa hóa hoặc dựa vào các quốc gia đồng minh hoặc đối tác thay vì Trung Quốc.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra 11 lĩnh vực chính cần phải thay đổi. Một trong những lĩnh vực quan trọng nhất là linh kiện bán dẫn.

Hà Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nhat-ban-tro-cap-them-gan-4-ty-usd-cho-hang-chip-rapidus-post33272.html