Nhật Bản tập trung 4 lĩnh vực hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới

Với 4 lĩnh vực ưu tiên trong thời gian tới, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam khẳng định, JICA sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác với Việt Nam nhằm góp phần củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.

Ngày 18/10, tại Hà Nội, Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam tổ chức họp báo để thông tin về những hoạt động chính của JICA Việt Nam trong nửa đầu năm tài chính 2023 (từ 1/4/2023 đến 30/9/2023 và định hướng hỗ trợ phát triển đối với Việt Nam trong nửa cuối năm tài chính 2023 (từ 1/10/2023 đến 31/3/2024).

Nhật Bản cam kết gần 3.100 nghìn tỷ đồng vốn ODA cho Việt Nam

Phát biểu tại họp báo, ông Sugano Yuichi, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, cho biết trong tài khóa 2022 (từ tháng 4/2022 đến hết tháng 3/2023), tổng giá trị cam kết vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam là 18,9 tỷ yên (tương đương gần 3.100 nghìn tỷ đồng).

Ông Sugano Yuichi, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam phát biểu tại buổi họp báo.

Giá trị vốn ODA cho các dự án hợp tác kỹ thuật là 4,7 tỷ yên (tương đương 768 tỷ đồng) và cho các dự án viện trợ không hoàn lại là 700 triệu yên (tương đương 114 tỷ đồng), với hơn 100 dự án lớn nhỏ đang thực hiện.

Một trong những kết quả nổi bật là hệ thống các thiết bị quan trắc thủy văn và hệ thống thông tin quản lý thiên tai kết hợp dự báo lũ, thuộc khuôn khổ dự án viện trợ không hoàn lại đã được khánh thành vào tháng 5/2022 tại miền trung - nơi thường xuyên chịu tác động của thiên tai, nhất là bão lũ.

Bên cạnh đó, JICA cũng đang triển khai dự án hợp tác kỹ thuật hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu rủi ro do lũ quét và sạt lở đất ở khu vực phía bắc, hay cải thiện độ chính xác trong dự báo khí tượng trên toàn quốc, trước thực tế thiệt hại do thiên tai ngày càng tăng trong những năm gần đây.

Về lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, ông Sugano Yuichi cho biết, trong khuôn khổ dự án vốn vay ODA nâng cấp trường Đại học Cần Thơ, tòa nhà phức hợp phòng thí nghiệm và tòa nhà công nghệ cao đã được khánh thành vào tháng 10/2022. Tại miền bắc, với trường Đại học Việt Nhật (VJU), đến nay đã có 360 học viên tốt nghiệp hệ Thạc sĩ và trong lễ khai giảng vào tháng 10/2023, trường đã đón gần 300 sinh viên hệ Đại học và Thạc sĩ.

Theo ông Sugano Yuichi, về hoạt động của JICA Việt Nam trong tài khóa 2023, một kết quả nổi bật cần phải kể đến là Thỏa thuận vay ODA được ký kết vào tháng 7 vừa qua cho ba dự án, với tổng trị giá lên đến hơn 60 tỷ yên (tương đương với 10.672 tỷ đồng) trong 3 lĩnh vực: Cải tạo hạ tầng giao thông công cộng đô thị; Tăng cường chuỗi cung ứng nông sản; Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hậu đại dịch COVID-19. Đây là lần ký nhiều thỏa thuận vay ODA cùng một lúc nhất sau 6 năm kể từ năm 2017.

Một khía cạnh hợp tác khác biệt và đầy mới mẻ của JICA trong thời gian gần đây là hợp tác với CLB bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản Kawasaki Frontale, thuộc khuôn khổ các hoạt động hướng tới mục tiêu giải quyết một số vấn đề xã hội thông qua thể thao. Tháng 11/2022 và tháng 6/2023, chương trình đã tổ chức một số sự kiện như “Vận động thân thể kết hợp học toán” và “Chương trình nâng cao sức khỏe'', thu hút hơn 200 người tham gia. Điều này cho thấy những nỗ lực của JICA trong việc mở rộng phạm vi và đa dạng hóa các loại hình hợp tác phát triển.

JICA sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực trong thời gian tới

Về định hướng hợp tác tại Việt Nam trong thời gian tới, ông Sugano Yuichi cho biết, JICA sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực.

Trước tiên là hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Cụ thể, “Dự án Cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh Bình Dương” và “Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng” sẽ góp phần cải thiện hệ thống giao thông công cộng đô thị và chuỗi cung ứng nông sản. Về tuyến đường sắt đô thị (Metro) số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, theo báo cáo của Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (MAUR), tiến độ công trình của tuyến đến nay đạt khoảng 96%, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay và kỳ vọng tuyến metro số 1 có thể đi vào vận hành khai thác từ tháng 7/2024.

Thứ hai là hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực bậc Đại học tại trường Đại học Việt Nhật (VJU) và trường Đại học Cần Thơ, JICA đã bắt đầu triển khai một dự án mới nhằm cải thiện môi trường phái cử cho các thực tập sinh kỹ năng tại Nhật Bản, trong đó sẽ triển khai dự án xây dựng cổng thông tin nhằm mang đến thông tin tuyển dụng hữu ích cho các lao động có nhu cầu đi làm việc ở Nhật Bản. Hơn nữa, trong Dự án hợp tác của JICA với Viện Phát triển Nguồn Nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (Viện VJCC), nhiều khóa đào tạo đã và sẽ được tổ chức cho đội ngũ quản lý và điều hành doanh nghiệp, tiếp tục góp phần phát triển nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng cao, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Quang cảnh buổi họp báo ngày 18/10 tại Hà Nội.

Thứ ba là hợp tác trong lĩnh vực y tế. Bên cạnh hợp tác thông qua ba bệnh viện hạng đặc biệt mà JICA đã hỗ trợ trong thời gian dài là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, JICA sẽ hỗ trợ thiết lập hệ thống đào tạo từ xa ứng dụng chuyển đổi số nhằm góp phần tăng cường năng lực y tế tuyến dưới và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, JICA sẽ tiếp tục hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản, các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao kỹ thuật phục hồi chức năng, chăm sóc điều dưỡng để ứng phó với các vấn đề mới nổi của y tế Việt Nam như già hóa dân số.

Thứ tư là hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu. JICA đang nghiên cứu và xây dựng các dự án phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam bằng khoản tín dụng thuộc khuôn khổ của hoạt động “Tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân”. Ngoài ra, JICA sẽ sử dụng Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) thông qua các hoạt động trồng rừng, bảo vệ rừng, xây dựng lộ trình thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ Việt Nam về trung hòa carbon vào năm 2050.

Năm 2023 kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản, đại diện JICA khẳng định JICA sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác với Việt Nam nhằm góp phần củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.

Trong khuôn khổ buổi họp báo, các đại diện JICA Việt Nam đã trả lời, giải đáp những thắc mắc của các phóng viên liên quan đến những lĩnh vực hợp tác như: hợp tác trong lĩnh vực y tế, đào tạo nhân lực, hợp tác y tế, cung cấp ODA thế hệ mới…, cũng như những khuyến nghị cho Việt Nam trong việc tận dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Nhật Bản và thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)./.

Tin, ảnh: Kiều Giang

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/doi-ngoai/nhat-ban-tap-trung-4-tru-cot-hop-tac-voi-viet-nam-trong-thoi-gian-toi-649754.html