Nhật Bản nhập khẩu hơn 3 triệu USD mì gói Việt Nam

Người dân đất nước mặt trời mọc đang ngày càng ưa chuộng hương vị mì ăn liền được sản xuất tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Năm 2022, Nhật Bản nhập khẩu hơn 3,3 triệu USD mì gói từ Việt Nam, gấp 5,6 lần so với năm 2017.

Người tiêu dùng Nhật Bản ngày càng ưa chuộng mì ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam và Thái Lan.

Mì gói Việt Nam được ưa chuộng tại Nhật Bản

Xu hướng ăn mì gói tại Nhật Bản bùng phát trong thời kỳ đại dịch khi người dân nước này không thể đi du lịch nước ngoài. Do đó, họ có xu thế ăn mì gói nhập khẩu như một cách trải nghiệm ẩm thực.

Dù các công ty sản xuất mỳ ăn liền tăng giá 15% trong 2 năm liên tiếp nhưng doanh số bán hàng tại Nhật Bản vẫn không giảm, thậm chí còn tăng đáng kể.

Những năm gần đây, bên cạnh hàng nội địa và Hàn Quốc, mỳ gói nhập từ Đông Nam Á ngày càng được ưa chuộng tại Nhật Bản.

Tại một chợ chuyên thực phẩm châu Á ở quận Shin-Okubo (thủ đô Tokyo), các nhãn hiệu mì ăn liền với tiếng nước ngoài trên bao bì được ưu ái đặt ở vị trí nổi bật gần lối vào. "Khoảng 80% khách tới đây mua mì ăn liền", quản lý cửa hàng cho biết.

Hãng tin Nikkei Asia mới đây dẫn số liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết lượng mì gói mà Nhật Bản nhập khẩu từ các nước khác ở châu Á đạt mức 57,6 triệu USD trong năm 2022, gấp 3,1 lần so với năm 2017.

Mì Hàn Quốc vẫn được ưa chuộng nhất khi gần 80% mì ăn liền nhập khẩu vào Nhật Bản có xuất xứ từ Hàn Quốc, nhưng các sản phẩm từ Đông Nam Á đang có tốc độ tăng trưởng đáng kể.

Năm 2022, Nhật nhập khẩu lượng mì ăn liền trị giá khoảng 500 triệu yen (3,35 triệu USD) từ Việt Nam, gấp 5,6 lần so với năm 2017. Trong khi đó, nhập khẩu từ Thái Lan tăng gần gấp đôi, lên 510 triệu yen (3,41 triệu USD).

Nắm bắt xu thế mới, các công ty Nhật Bản sản xuất mỳ ăn liền ở nước ngoài đã bắt đầu nhập sản phẩm về bán tại quê hương sau thời gian chỉ bán tại thị trường đặt nhà máy.

Acecook vào Việt Nam từ năm 1993 và hiện là nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất tại đây với thị phần khoảng 40%. Từ năm 2018, công ty bắt đầu nhập khẩu và bán toàn bộ sản phẩm mì Hảo Hảo sản xuất ở Việt Nam tại thị trường Nhật Bản.

Ban đầu Acecook nhắm đến khách hàng là những người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản. Tuy nhiên người tiêu dùng Nhật cũng ngày càng ưa chuộng mì Hảo Hảo.

Đến năm 2022, doanh thu hàng năm của Acecook đã tăng ba lần. Gần đây, công ty nhận được thêm nhiều yêu cầu nhập mỳ gói từ các cửa hàng thực phẩm nhập khẩu lớn.

Vào tháng 7, Nissin Foods đã tung ra thị trường một số lượng mì giới hạn do một chi nhánh ở Thái Lan sản xuất với hương vị như súp Tom Yum.

"Chúng tôi lấy ý tưởng từ việc mỳ gói của các nhà sản xuất Thái Lan được bán ở các cửa hàng thực phẩm nhập khẩu hoặc trên các trang mua sắm online ở Nhật Bản", đại diện chiến lược bán hàng của Nissin cho hay.

Nhu cầu tiêu thụ mì gói toàn cầu tăng mạnh

Theo dữ liệu của Hiệp hội Mỳ ăn liền thế giới có trụ sở tại Osaka (Nhật Bản), nhu cầu về mỳ ăn liền đã đạt mức cao nhất mọi thời đại với 121,2 tỷ gói mỳ được tiêu thụ trong năm 2022. Đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp số lượng mỳ gói tiêu thụ tăng vọt. So với năm 2021, số lượng mỳ gói tiêu thụ đã tăng 2,6%.

Thị trường Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) vẫn giữ vị trí thị trường dẫn đầu về tiêu thụ mì ăn liền năm 2022, tiếp theo là Indonesia, Việt Nam, Ấn Độ và Nhật Bản. Trong đó, thị trường Việt Nam đã tiêu thụ khoảng 8,48 tỷ gói mì ăn liền trong năm 2022.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường Facts and Factors, doanh thu của mì ăn liền dự kiến sẽ tăng từ 45,67 tỷ USD trong năm 2020 lên 73,55 tỷ USD vào năm 2026, tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm sẽ đạt 6%/năm trong giai đoạn 2021 - 2026.

Nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn chuyển sang mỳ ăn liền như một lựa chọn thực phẩm phù hợp với túi tiền khi giá cả nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm trở nên đắt đỏ hơn.

Mì ăn liền được sản xuất lần đầu tiên tại Nhật Bản vào năm 1958. Momofuku Ando, Nhà sáng lập Nissin Foods, nảy ra ý tưởng này khi đất nước đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lương thực sau Thế chiến II.

Nissin ra mắt sản phẩm mì cốc đầu tiên trên thế giới vào năm 1971. Khi có nhiều hương vị khác nhau phù hợp với từng thị trường, mì ăn liền đã lan rộng khắp thế giới.

Đăng Phạm

Theo Nikkei

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/nhat-ban-nhap-khau-hon-3-trieu-usd-mi-goi-viet-nam-20180504224289525.htm