Nhật Bản - Hàn Quốc hàn gắn quan hệ kinh tế

Nhật Bản vừa công bố quyết định đưa Hàn Quốc trở lại Danh sách trắng các quốc gia được ưu tiên thương mại. Quyết định này cùng với quyết định tương tự trước đó của Hàn Quốc đã giúp chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh kinh tế kéo dài 4 năm qua giữa hai nước.

Khôi phục lòng tin song phương

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản hôm 27.6 đã công bố quyết định đưa Hàn Quốc trở lại quốc gia "Nhóm A" trong danh sách ưu đãi thương mại, trả lại cho Seoul chế độ xuất khẩu ưu đãi mà nước này đã được hưởng cho đến năm 2019.

Nhật Bản - Hàn Quốc phá băng quan hệ kinh tế

Nhật Bản - Hàn Quốc phá băng quan hệ kinh tế

“Hàn Quốc sẽ được thêm vào danh sách các quốc gia được liệt kê trong Bảng bổ sung 3 của Sắc lệnh kiểm soát thương mại xuất khẩu”, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết. Chính phủ Nhật Bản đã quyết định sửa đổi một phần Lệnh kiểm soát thương mại xuất khẩu dựa trên Đạo luật Ngoại hối và Ngoại thương để cho phép bổ sung Hàn Quốc vào Danh sách trắng, Bộ này cho biết. Sau khi được ban hành, các sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 21.7.

Biện pháp mới nhất sẽ giảm thời gian và thủ tục để các công ty Nhật Bản xuất khẩu nguyên liệu chiến lược sang Hàn Quốc, từ hai đến ba tháng hiện tại xuống còn khoảng một tuần.

Nhật Bản yêu cầu các công ty phải xin giấy phép xuất khẩu ra nước ngoài ngay cả khi mặt hàng xuất khẩu không nằm trong danh sách các mặt hàng được kiểm soát nếu có nguy cơ mặt hàng đó có thể được sử dụng để phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc vũ khí thông thường.

Bằng cách đưa Hàn Quốc trở lại danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy, các công ty Nhật Bản sẽ được hưởng lợi từ giấy phép xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Nishimura Yasutoshi cho biết, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã đồng ý thiết lập một khuôn khổ để xem xét và theo dõi các hệ thống thủ tục khi cần thiết.

Ông Lee Do-woon, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, gọi bước đi của Nhật Bản là một biện pháp mang tính biểu tượng nhấn mạnh "lòng tin song phương được khôi phục hoàn toàn" của các nước, loại bỏ sự không chắc chắn trong thương mại. “Lần đầu tiên sau 4 năm, tất cả các hạn chế xuất khẩu giữa các quốc gia đã được dỡ bỏ. Với việc các thủ tục xuất nhập khẩu ngày càng được đơn giản hóa, chúng tôi hy vọng sự trao đổi và hợp tác giữa các doanh nghiệp giữa các quốc gia sẽ được đẩy mạnh”, ông Lee Do-woon bày tỏ vui mừng trong một cuộc họp báo chiều 27.6.

Trước đó, ngày 24.4, Hàn Quốc đã có một động thái tương tự khi đưa Nhật Bản trở lại Danh sách trắng thương mại của mình. Theo đó, Hàn Quốc khôi phục vùng xuất khẩu đối với các hạng mục liên quan đến Nhật Bản, cho phép các công ty xuất khẩu các mặt hàng chiến lược sang Nhật Bản được hưởng quy tắc ưu tiên trong thời gian xét duyệt và làm thủ tục giấy tờ đơn giản hơn.

Với việc chỉ định Nhật Bản trở lại “Danh sách trắng”, thời gian xem xét giấy phép xuất khẩu đối với các công ty trong nước xuất khẩu nguyên liệu chiến lược sang Nhật Bản giảm từ 15 ngày xuống còn 5 ngày và số lượng tài liệu phải nộp giảm từ 5 loại xuống còn 3 loại. Như vậy, Nhật Bản nằm trong số 29 quốc gia được đối xử ưu đãi trong thương mại của Hàn Quốc cùng với Mỹ, Pháp và Anh.

Kết quả của nỗ lực hàn gắn

Động thái của Nhật Bản - khôi phục tình trạng ưu đãi của Hàn Quốc - được coi là bước đi cuối cùng giúp chấm dứt tranh chấp thương mại kéo dài 4 năm, từ 7.2019, Nhật Bản loại bỏ Hàn Quốc khỏi Danh sách trắng khi mối quan hệ giữa hai quốc gia trở nên căng thẳng.

Động thái trên của Nhật Bản - thắt chặt kiểm soát thương mại đối với Seoul - là một sự "trả đũa" đối với các phán quyết của tòa án Hàn Quốc vào năm 2018, yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những người lao động Hàn Quốc bị ngược đãi và lao động cưỡng bức trong Thế chiến II.

Nhật Bản khi đó cũng thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với các hóa chất chính được các công ty Hàn Quốc sử dụng để sản xuất chất bán dẫn và màn hình, khiến Hàn Quốc đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và loại Nhật Bản khỏi danh sách các quốc gia có tình trạng thương mại ưu tiên.

Mối quan hệ giữa hai nước đã được cải thiện nhanh chóng kể từ tháng 3 theo sáng kiến của Chính phủ Tổng thống Hàn Quốc Yoon suk-Yeol khi ông rút lại yêu cầu Nhật Bản trực tiếp bồi thường và sẽ lập một Quỹ bồi thường thiệt hại. Ông Yoon suk-Yeol cũng đã có chuyến công du mang tính lịch sử tới Tokyo cũng trong tháng 3 để hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio. Tại đây, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý xây dựng lại quan hệ an ninh và kinh tế của hai nước.

Sau cuộc hội đàm, Hàn Quốc đã rút đơn kiện Nhật Bản tại WTO; đồng thời khẳng định dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hóa chất chủ chốt. Hàn Quốc cũng đã khôi phục tình trạng thương mại ưu đãi của Nhật Bản một tháng sau đó.

Về phần mình, Nhật Bản đã dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu sang Seoul đối với ba loại vật liệu chiến lược gồm polyimide flo hóa, chất quang dẫn và hydro florua để sản xuất chất bán dẫn và màn hình.

Thủ tướng Kishida đã có chuyến thăm riêng tới Hàn Quốc vào tháng 5 và Tổng thống Yoon trở lại Nhật Bản để tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima vào cuối tháng đó. Các chuyến công du này cho thấy sự gia tăng với tốc độ chóng mặt của các cam kết ngoại giao trong một khoảng thời gian ngắn, sau khi hai quốc gia đình chỉ mọi chuyến thăm song phương cấp cao kể từ năm 2018.

Cánh cửa hợp tác rộng mở

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc trong một thông báo đã hoan nghênh quyết định của Nhật Bản và nhấn mạnh sẽ hợp tác chặt chẽ với Tokyo để thúc đẩy các vấn đề thương mại song phương và đa phương. Bộ này khẳng định, việc hai nước cùng dỡ bỏ những rào cản cuối cùng cho thương mại đã giúp cánh cửa hợp tác thương mại giữa hai nước càng trở nên rộng mở.

Theo báo cáo từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc được công bố hồi tháng 3, Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng 2,69 tỷ USD xuất khẩu sang Nhật Bản, đưa xuất khẩu trở lại mức của năm 2017 và 2018, thời điểm trước khi Nhật Bản áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với nước này.

Hãng tin Yonhap dẫn nguồn tin Bộ Kinh tế và tài chính Hàn Quốc cho biết, Bộ trưởng Choo Kyung-ho dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Nhật Bản vào ngày 29.6 tại Tokyo với các chương trình nghị sự bao gồm xu hướng kinh tế hiện tại và mối quan hệ hợp tác trong các dự án cơ sở hạ tầng ở các quốc gia khác.

Hai nước đã nhất trí hợp tác chặt chẽ để bảo đảm tổ chức thành công cuộc họp Bộ trưởng Tài chính lần thứ 8. Nếu diễn ra theo đúng kế hoạch, đây sẽ là cuộc họp Bộ trưởng Tài chính đầu tiên giữa Hàn Quốc và Nhật Bản kể từ năm 2016, một sự kiện được kỳ vọng sẽ tạo ra những khuôn khổ hợp tác mới trong lĩnh vực tài chính giữa hai nước.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/nhat-ban---han-quoc-han-gan-quan-he-kinh-te-i334241/