Nhật Bản đẩy nhanh cải tổ nội các

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cuối tuần trước thông báo, ông có khả năng sẽ cải tổ nội các vào tuần này để giải quyết nhiều vấn đề bao gồm lạm phát phi mã, đại dịch Covid-19 và cuộc chiến ở Ukraine...

Cần có “một đội ngũ mới càng sớm càng tốt”

Theo Kyodo News, Thủ tướng Kishida khẳng định ý định trên trong cuộc họp báo ở Hiroshima sau buổi lễ tưởng niệm 77 năm (6.8.1945 - 6.8.2022) ngày Mỹ ném bom nguyên tử vào thành phố phía Tây Nhật Bản này. Ông nhấn mạnh, “chúng ta cần thành lập đội ngũ mới càng sớm càng tốt”.

Nội các Nhật Bản ra mắt hồi tháng 11/2021. Nguồn: Wikipedia

Nội các Nhật Bản ra mắt hồi tháng 11/2021. Nguồn: Wikipedia

Theo kế hoạch, các thay đổi được đề xuất cho cả nội các của ông lẫn đội ngũ lãnh đạo của đảng Dân chủ Tự do (LDP) sẽ được thực hiện vào thứ tư (10.8). Đây sẽ là cuộc cải cách đầu tiên kể từ khi liên minh cầm quyền, do LDP lãnh đạo, giành chiến thắng vang dội vào ngày 10.7 trong cuộc bầu cử Hạ viện.

Kyodo News cho hay, sau khi cải tổ, công việc của nội các mới sẽ bắt đầu từ việc soạn thảo ngân sách nhà nước cho năm tài chính sắp tới. Trong số các ưu tiên khác của Chính phủ là việc tăng cường an ninh quốc gia và quyết định mức chi tiêu quốc phòng có nên được tăng lên hay không. Hồi tháng 4, LDP cầm quyền từng khuyến nghị Chính phủ xem xét tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP hoặc hơn nữa trong vòng 5 năm. Con số này sẽ là mục tiêu trong các cuộc đàm phán về ngân sách. Trước đây, chi tiêu quốc phòng được giữ ở mức khoảng 1% GDP. Ngoài ra, sự gia tăng lây nhiễm gần đây của đại dịch Covid-19 cũng đặt ra vấn đề cần quan tâm đối với Chính phủ. Bên cạnh đó, vấn đề lạm phát không là ngoại lệ. Ngày 22.7, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản thông báo trong tháng 6.2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của nước này - thước đo lạm phát tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 10 liên tiếp chỉ số này tăng, và là tháng có mức tăng cao nhất trong khoảng 7 năm qua. Chưa hết, nhiều vấn đề khác cũng được đất nước mặt trời mọc đưa vào chương trình nghị sự sắp tới. Đơn cử, năm sau, Nhật Bản sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh của Nhóm G7 (gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ cùng với Liên minh châu Âu) vào tháng 5 tại Hiroshima. Tại đây, Nhật Bản sẽ cùng các quốc gia thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine, giải trừ hạt nhân, biến đổi khí hậu và nhiều thách thức toàn cầu khác...

Cải tổ nội các được tiến hành sau cuộc bầu cử tháng 7, trong đó chính quyền liên minh bảo thủ của Thủ tướng Kishida củng cố thế đa số tại Thượng viện, hai ngày sau khi cựu Thủ tướng Abe Shinzo qua đời do bị ám sát.

LDP giành được 63 trong số 125 ghế được cạnh tranh lần này tại Thượng viện, trong khi đối tác liên minh nhỏ của LDP là Komeito giành được 13 ghế. Tổng cộng, LDP và Komeito giành được 76 ghế, chiếm đa số trong Thượng viện gồm 248 thành viên. Như vậy, vị trí của Thủ tướng Kishida sẽ được ổn định trong 3 năm, trong đó sẽ không có cuộc bầu cử quốc gia nào được tổ chức trừ khi ông giải tán Hạ viện.

Sau chiến thắng tại bầu cử Thượng viện, Thủ tướng Fumio Kishida tuyên bố mong muốn thúc đẩy các nỗ lực sửa đổi Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản. Ông cam kết sẽ xây dựng di sản của cựu Thủ tướng Abe Shinzo, nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất tại xứ sở mặt trời mọc, người có mục tiêu sửa đổi Hiến pháp và cuối cùng là tái xây dựng đất nước.

Việc cải tổ sớm hơn dự kiến cũng bởi chính quyền của Thủ tướng Kishida phải đối mặt với sự quan tâm ngày càng tăng của công chúng về mối quan hệ giữa nhóm tôn giáo Giáo hội Thống nhất và các nhà lập pháp của đảng cầm quyền. Trong cuộc thăm dò từ ngày 30 - 31.7 của Kyodo News, hơn 80% số người được hỏi cho biết, mối quan hệ giữa Giáo hội Thống nhất và các chính trị gia phải được tiết lộ.

Dự kiến danh sách nội các mới

Mặc dù Thủ tướng Kishida không đưa ra bất kỳ chi tiết nào về những thay đổi trong nội các mới, nhưng Nhật báo Yomiuri trước đó nhận định, ông nhiều khả năng sẽ thay thế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nobuo Kishi, do các vấn đề sức khỏe. Hiện vấn đề quốc phòng đang là tâm điểm chú ý trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục trong những ngày gần đây, nhất là sau việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm hòn đảo này. Ông Kishi, 63 tuổi, em trai của cố Thủ tướng Abe Shinzo giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ tháng 9.2020. Theo dự đoán, hiện có 3 ứng cử viên cho chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đó là nguyên Bộ trưởng Bộ này Gen Nakatani, ông Onodera Itsunori và ông Iwaya Takeshi. Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Hagiuda Koichi có khả năng sẽ được bố trí vào một chức vụ nặng ký trong LDP. Một nhân vật cốt cán khác là Trưởng Ban Nghiên cứu chính sách của LDP Takaichi Sakae có thể sẽ nhận nhiệm vụ quan trọng khác.

Trong số những người tiếp tục ở lại còn có Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki. Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi, Chánh văn phòng nội các Hirokazu Matsuno, Phó Chủ tịch đảng LDP cầm quyền Taro Aso, và Tổng Thư ký LDP Toshimitsu Motegi cũng được cho là vẫn giữ chức vụ hiện nay.

Bộ trưởng Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Genjiro Kaneko và Chủ tịch Ủy ban An toàn công cộng quốc gia Satoshi Ninoyu, vốn đều không tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Hạ viện ngày 10.7, dự kiến sẽ bị thay thế vì nhiệm kỳ của họ với tư cách là các nhà lập pháp đã hết hạn vào tháng trước.

Tờ Yomiuri cho biết, cuộc tái tổ chức nội các và đội ngũ lãnh đạo đảng cầm quyền từng được lên kế hoạch vào đầu tháng 9, sau lễ tưởng niệm cựu Thủ tướng Abe Shinzo, người bị ám sát vào tháng trước, nhưng Thủ tướng Kishida quyết định đẩy nhanh việc này để đối phó với thực trạng ủng hộ nội các đang suy giảm trong các cuộc thăm dò. Cuộc thăm dò gần đây cho thấy, sự ủng hộ đối với nội các Kishida giảm 12,2 điểm phần trăm xuống 51%, mức thấp nhất trong cuộc thăm dò của Kyodo News kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 10 năm ngoái.

Ngọc Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/nhat-ban-day-nhanh-cai-to-noi-cac-i297495/