Nhật Bản, Anh, Ý hợp tác chế tạo tiêm kích thế hệ 6 vượt mặt Mỹ

Tiêm kích thế hệ 6 Tempest do Nhật Bản, Anh, Ý hợp tác chế tạo được kỳ vọng sẽ đánh bại chiếc NGAD của Mỹ.

Tạp chí Shūkan Gendai đã thông báo về một quyết định chưa từng có tiền lệ của chính quyền Nhật Bản, đó là từ chối hợp tác với Mỹ trong việc chế tạo tiêm kích thế hệ 6.

Trước đây, toàn bộ máy bay chiến đấu của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản đều được tạo ra dựa trên thiết kế của Mỹ. Tiêm kích xương sống của Tokyo chính là chiếc Mitsubishi F-2 - bản sao có sửa đổi dựa trên F-16 Fighting Falcon.

Tuy vậy khi bày tỏ mong muốn hợp tác chế tạo tiêm kích tương lai, việc nhà sản xuất máy bay chiến đấu chính của Mỹ - Tập đoàn Lockheed Martin từ chối chia sẻ công nghệ với các đối tác Nhật Bản đã khiến Tokyo từ chối hợp tác với Washington để quay sang ủng hộ Anh.

Đáp lại mong muốn từ phía Nhật Bản, người Anh hứa sẽ hoàn toàn minh bạch trong việc trao đổi thông tin liên quan đến công nghệ của máy bay chiến đấu thế hệ mới.

Đối tác chính của Nhật Bản tại Anh sẽ là Công ty BAE Systems. Tập đoàn công nghiệp quốc phòng nổi tiếng này chính là nơi máy bay chiến đấu Tempest thuộc thế hệ thứ sáu được khai sinh.

Cần nói thêm đó là Ý hiện đang tham gia dự án cùng với Vương quốc Anh. Nhật Bản có kế hoạch tham gia bình đẳng để thực hiện dự án này cùng với hai đối tác góp mặt từ những ngày đầu tiên.

Theo thỏa thuận, nhà sản xuất Anh sẽ giành lấy tỷ lệ phát triển 60% có lợi cho mình. BAE Systems nhắc nhở người Nhật rằng một số hạng mục lớn đã được thực hiện bởi các chuyên gia Anh và Ý.

Bản mô phỏng đầu tiên của tiêm kích Tempest đã ra mắt công chúng vào năm 2019. Nếu đại diện của Tokyo hài lòng với lập trường này thì đến năm 2035, chúng ta có thể chứng kiến chuyến bay đầu tiên của chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 do Anh - Nhật Bản - Ý hợp tác chế tạo.

Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại, xuất hiện không ít nghi ngờ Nhật Bản sẽ là quốc gia cuối cùng được thêm vào chương trình Tempest, bởi vì dự án càng thu hút nhiều đối tác thì chi phí càng được tiết giảm.

Thụy Điển đã cân nhắc việc tham gia chương trình, nhưng vào tháng 8/2022, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn Saab - ông Micael Johansson đã tuyên bố rằng sự tham gia của Stockholm bị gián đoạn.

Với chi phí và thị trường tiềm năng, Thụy Điển vẫn có thể thay đổi hướng đi và tham gia chương trình, giống như Tây Ban Nha chen chân vào dự án FCAS của Pháp - Đức.

Các chuyên gia hàng không nhận xét, chương trình Tempest sẽ cho phép quốc gia đối tác đưa ra những lựa chọn thiết kế để đáp ứng nhu cầu cụ thể, đồng thời tạo ra việc làm cũng như cơ hội thương mại ở đất nước họ

Dự án cũng sẽ liên quan đến quan hệ đối tác bình đẳng giữa các công ty trong liên doanh, bao gồm BAE Systems của Anh, Leonardo ở Ý và Mitsubishi Heavy Industries đến từ Nhật Bản

Điều này sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp hàng không của từng quốc gia, đồng thời mang lại quan hệ đối tác toàn cầu, thay vì các đối tác thuộc Liên minh châu Âu hình thành duy nhất theo cách thức trước đây.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhat-ban-anh-y-hop-tac-che-tao-tiem-kich-the-he-6-vuot-mat-my-post528363.antd