Nhân viên công nghệ nước ngoài nỗ lực tìm việc để tránh phải rời khỏi Mỹ

Các nhân viên công nghệ nước ngoài làm việc tại Mỹ theo chế độ thị thực lao động bị sa thải thời gian gần đây đang nỗ lực tìm việc làm mới để tránh phải rời khỏi nước này.

Meta phải cắt giảm nhân sự công nghệ. Ảnh: Reuters

Meta phải cắt giảm nhân sự công nghệ. Ảnh: Reuters

Hơn 150.000 việc làm trong lĩnh vực công nghệ ở Mỹ đã "biến mất" trong những tháng gần đây, giáng một đòn kinh tế mạnh chưa từng thấy vào Thung lũng Silicon kể từ khi "bong bóng dot-com" nổ tung vào đầu những năm 2000.

Theo các nghị sĩ Anna Eshoo và Zoe Lofgren của bang California, khi làn sóng dư thừa lao động lan rộng khắp các công ty công nghệ Mỹ, nhiều người mất việc làm đang ở lại Mỹ dưới dạng thị thực H1-B (thị thực không định cư, cho phép các doanh nghiệp Mỹ bảo lãnh cho những lao động nước ngoài đến Mỹ làm việc) và các dạng thị thực khác liên quan đến công việc của họ.

Hai nghị sĩ này kêu gọi các cơ quan nhập cư Mỹ tăng ít nhất gấp đôi thời hạn 60 ngày mà người lao động nước ngoài theo diện thị thực lao động được phép ở lại nước này để tìm việc làm mới. Nếu không tìm được việc làm mới tại công ty có thể bảo lãnh cho họ, họ sẽ phải rời khỏi Mỹ.

Hai nghị sĩ trên cho biết lao động nước ngoài ở Mỹ chiếm gần 25% lực lượng lao động của nước này trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Trong khi đó, theo luật sư về nhập cư Tahmina Watson, các nhân viên công nghệ nước ngoài làm việc tại Mỹ thường định cư và lập gia đình ở nước này.

Họ mất việc làm và mất thu nhập trong khi vẫn phải thanh toán các khoản thế chấp, tiền mua ô tô và cả tiền nuôi con. Do đó, thời hạn 60 ngày không đủ để họ tìm việc làm mới và sau đó xin thị thực H1-B.

Giới luật sư cho rằng kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nếu những lao động nhập cư trong lĩnh vực công nghệ có chuyên môn cao rời khỏi nước này. Hiện hơn 50% số công ty công nghệ trị giá hàng tỷ USD là do người nhập cư thành lập. Do đó, để đảm bảo các công ty thành công trong tương lai có trụ sở tại Mỹ, nhà chức trách nước này cần ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám hiện nay.

Nước Mỹ đang chứng kiến làn sóng các công ty lớn sa thải nhân viên, đi đầu là các công ty công nghệ và tài chính ở Phố Wall, trong bối cảnh lo ngại về khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến chi phí hoạt động của doanh nghiệp tăng vọt.

Các đợt tăng lãi suất ngân hàng liên tiếp và nhu cầu tiêu dùng yếu đã buộc các công ty như Microsoft, Amazon, Meta phải cắt giảm nhân sự. Giới chuyên gia dự báo các công ty sẽ tiếp tục sa thải nhân viên để ứng phó với những tác động khi nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng chậm lại./.

Trần Quyên/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhan-vien-cong-nghe-nuoc-ngoai-no-luc-tim-viec-de-tranh-phai-roi-khoi-my/280514.html