Nhân rộng mô hình sinh kế giúp nhiều nông dân Cẩm Thủy thoát nghèo

Đẩy mạnh phát triển cây trồng, sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị hàng hóa đã giúp nhiều nông dân ở huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) thoát nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều (chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025), giảm từ 6,93% xuống còn 4,63%, tỷ lệ hộ cận nghèo đa chiều giảm từ 7,34% xuống còn 5,75%...

Năm 2017, xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy) mới có 4 hộ đăng ký tham gia mô hình trồng cây gai xanh. Đến nay, toàn xã đã có hơn 30 hộ trồng, với diện tích gần 100ha. “Cây gai xanh sau nhiều năm đã trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều nông hộ”, ông Nguyễn Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú cho biết.

Làm giàu từ cây gai xanh, trồng 1 lần thu hoạch trong 10 năm

Nhờ chuyển đổi từ cây sắn, cây mía sang trồng cây gai xanh, những người nông dân một nắng hai sương, ở xã miền núi Cẩm Tú đã có cuộc sống đủ đầy hơn.

Nhờ chuyển đổi từ cây sắn, cây mía sang trồng cây gai xanh, những người nông dân một nắng hai sương, ở xã miền núi Cẩm Tú đã có cuộc sống đủ đầy hơn.

Nhờ chuyển đổi từ cây sắn, cây mía sang trồng cây gai xanh, những người nông dân một nắng hai sương, ở xã miền núi Cẩm Tú đã có cuộc sống đủ đầy hơn.

Tại thôn Cẩm Hoa, xã Cẩm Tú, bà Phạm Thị Thanh là một trong số hộ dân tiên phong trồng gai xanh. Sau nhiều năm trồng mía không đem lại hiệu quả như kỳ vọng, bà Thanh quyết định chuyển đổi sang trồng cây gai. Năm 2018, bà Thanh trồng thử nghiệm cây gai xanh trên diện tích 1ha và được doanh nghiệp chế biến bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Năm đó, số tiền thu được từ việc bán cây gai giúp bà có kinh phí trang trải tiền mua cây giống, phân bón và tiền lương lao động.

Từ năm thứ 2 trở đi, bà Thanh nhận thấy cây gai xanh có đầu ra và thu nhập ổn định nên đã mở rộng diện tích trồng gai lên hơn 19ha. Ước tính, sản lượng gai xanh của gia đình bà đạt khoảng 40 tấn/năm. Sau khi trừ chi phí, cây trồng này đem lại thu nhập cho gia đình bà khoảng hơn 1 tỷ đồng/năm.

“Trồng cây gai cho thu nhập tốt hơn nhiều so với cây trồng khác. Người nông dân chỉ cần trồng 1 lần có thể thu hoạch trong vòng 10 năm. Gai xanh là cây trồng dễ phát triển, ít tốn công lao động”, bà Thanh cho biết. Cây gai sau trồng từ 90 - 100 ngày sẽ cho thu hoạch lần đầu, sau đó từ 40 - 45 ngày cho thu hoạch lứa tiếp theo. Mỗi năm người dân có thể thu hoạch 4 vụ tùy theo cách chăm bón và thời tiết.

Toàn bộ các sản phẩm từ cây gai đều được tận dụng sau khai thác. Vỏ cây gai được dùng làm nguyên liệu sản xuất vải, lá cây có thể làm bánh gai, thân có thể làm nấm, mộc nhĩ, phân vi sinh… Riêng lá gai xanh bán thương phẩm để làm bánh gai cũng cho thu nhập khoảng 40 triệu/năm.

Ông Nguyễn Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú cho biết, cây gai xanh đang phát huy giá trị kinh tế tại địa phương góp phần quan trọng vào việc tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng trên địa bàn xã.

“Cây gai xanh góp phần hình thành các mô hình sản xuất lớn, có hiệu quả, cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt khoảng 30 triệu đồng/năm. Đến năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 54,9 triệu đồng/năm. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm còn 0,61%. Hộ cận nghèo còn 2,7%", ông Phương nói.

Đa dạng mô hình sinh kế

Ông Lê Văn Trung, Bí thư Huyện ủy Cẩm Thủy cho biết, với thổ nhưỡng phù hợp, đầu ra cho cây gai ổn định, đảm bảo là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục mở rộng diện tích gai trên địa bàn huyện trong những năm tới.

Xác định cây gai xanh có tiềm năng, dư địa phát triển, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.Theo đó, các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân thuộc phạm vi Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ nhà máy sản xuất sợi gai An Phước sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng/1 ha để chuyển đổi từ trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh nguyên liệu; hỗ trợ 50% chi phí mua giống cây gai xanh; hỗ trợ chi phí mua máy tước vỏ cây gai xanh với mức 5 triệu đồng/máy. Mức hỗ trợ sẽ được áp dụng với từng đối tượng cụ thể và theo quy mô diện tích khác nhau.

Bên cạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, Cẩm Thủy cũng đẩy mạnh phát triển du lịch. Ông Nguyễn Văn Trường ở thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy), thành viên HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Cẩm Lương được nhiều người biết đến với nghề làm cơm lam. Nhận thấy địa phương có nhiều điều kiện phát triển du lịch, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, gia đình ông đã đầu tư vốn mở rộng sản xuất cơm lam bán cho khách du lịch.

Sản phẩm “Cơm lam Suối Ngọc” đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Sản phẩm “Cơm lam Suối Ngọc” đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Do có kinh nghiệm trong việc làm cơm lam, cũng như việc lựa chọn nguyên liệu, sản phẩm cơm lam của gia đình ông được nhiều khách du lịch chọn mua làm quà. Do sản phẩm làm ra có thị trường tiêu thụ ổn định, những năm gần đây ông đã mạnh dạn mở rộng sản xuất. Do đáp ứng yêu cầu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm “Cơm lam Suối Ngọc” đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và là sản phẩm đầu tiên của xã Cẩm Lương được công nhận OCOP.

Chủ tịch UBND xã Cẩm Lương Bùi Quốc Bảo cho biết: Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), địa phương đã lựa chọn cơm lam mang nhãn hiệu “Cơm lam Suối Ngọc” để xây dựng thành sản phẩm OCOP. Để thực hiện được điều này, xã luôn quan tâm, tạo điều kiện, hướng dẫn gia đình ông Nguyễn Văn Trường các thủ tục đăng ký, xây dựng sản phẩm OCOP. Cuối năm 2022, “Cơm lam Suối Ngọc” được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, góp phần nâng tầm chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cẩm Thủy Hà Thanh Sơn cho biết: huyện phấn đấu đến năm 2025 mỗi xã, thị trấn có ít nhất một sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Qua đó góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, giúp người dân nâng tầm giá trị hàng hóa nông sản, thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện Cẩm Thủy ngày càng phát triển.

Khuyến khích doanh nghiệp, HTX liên kết trong sản xuất

Có thể thấy rằng để đưa mục tiêu giảm nghèo đi vào thực chất, hiệu quả và bền vững, huyện Cẩm Thủy đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ hộ nghèo phát triển các mô hình sinh kế phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một trong những giải pháp được huyện triển khai đó là hỗ trợ hộ nghèo đa dạng hóa sinh kế, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp, dịch vụ du lịch, khởi nghiệp... nhằm nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống tại những địa bàn khó khăn.

Cùng với xây dựng, duy trì các mô hình giảm nghèo, huyện Cẩm Thủy còn chú trọng đa dạng hóa các mô hình sinh kế theo nhu cầu xã hội, nhu cầu của các hộ nghèo, cận nghèo để xây dựng dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong đó lĩnh vực nông nghiệp đã tập trung vào công tác tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học - công nghệ thâm canh, hỗ trợ về vốn, giống cây trồng, vật nuôi...

Huyện cũng phối hợp với các ngành liên quan xây dựng, nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả, có quy mô nông hộ, như vườn ao chuồng, vườn ao chuồng kết hợp trồng rừng; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vào đầu tư ở lĩnh vực nông nghiệp, liên kết bao tiêu sản phẩm, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất theo hướng an toàn, bền vững...

Từ những giải pháp đồng bộ, hiệu quả đã góp phần khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường của các tầng lớp Nhân dân, nhất là hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến nay, thu nhập bình quân của người nghèo trên địa bàn huyện đạt 1,5 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 2,5 lần so với năm 2015, vượt mục tiêu Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2023 đề ra; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều (chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025), giảm từ 6,93% xuống còn 4,63%, tỷ lệ hộ cận nghèo đa chiều giảm từ 7,34% xuống còn 5,75%...

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo, theo Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cẩm Thủy Nguyễn Hải Sâm, thời gian tới huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân về công tác giảm nghèo; khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn hộ nghèo, cận nghèo áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Thông qua công tác tuyên truyền khơi dậy ý chí tự vươn lên của người nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước...

Ngoài ra, huyện cũng có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, HTX liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; đa dạng các mô hình sản xuất phù hợp để các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện tham gia, thụ hưởng; quan tâm giải quyết đất sản xuất, đất ở, tạo việc làm, bảo đảm các dịch vụ y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường và các dịch vụ xã hội khác cho người nghèo, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số...

Trang Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/nhan-rong-mo-hinh-sinh-ke-giup-nhieu-nong-dan-cam-thuy-thoat-ngheo-1097468.html