Nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2: Suy nghĩ về 'kiến trúc quy hoạch để chữa lành'

Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn trong cuốn sách Nhận diện đô thị Việt Nam đương đại - câu chuyện quy hoạch - kiến trúc do NXB Dân Trí phát hành năm 2023 có bài viết Kiến trúc quy hoạch để chữa lành đề cập đến vấn đề y tế với những gợi mở rất đáng suy ngẫm.

Theo Ngô Viết Nam Sơn, bệnh viện theo cách nhìn cổ điển, là nơi tập trung các bệnh nhân cần phải được chăm sóc sức khỏe trong môi trường vô trùng tuyệt đối, với màu trắng chủ đạo, thậm chí cách ly với không gian sinh hoạt đời sống kinh tế - xã hội đô thị xung quanh.

Thoát khỏi tấm áo cũ

Với quan niệm truyền thống, hệ thống công trình y tế đô thị thường bao gồm những cụm công trình độc lập, được bố trí phân tán theo phân cấp như: bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, khu vực trạm y tế, nhà hộ sinh, nhà điều dưỡng, trung tâm phục hồi chức năng chỉnh hình, nhà dưỡng lão, trung tâm phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế dự phòng, trung tâm sức khỏe sinh sản, trung tâm bệnh xã hội, trung tâm kiểm nghiệm dược, vaccine, hóa mỹ phẩm, thực phẩm, khu chăn nuôi động vật thí nghiệm và các cơ sở y tế khác.

Khu đô thị sức khỏe là nơi mà các bệnh viện lớn nhỏ và các cơ sở nghiên cứu, chăm sóc sức khỏe đóng vai trò trung tâm, kết nối mật thiết và hỗ trợ lẫn nhau với những khu chức năng đô thị khác có liên quan, để tạo nên những khu sinh hoạt cộng đồng đa dạng đan xen với nhau, phục vụ cho các mục tiêu khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, đào tạo chuyên khoa y tế, thông tin phòng chữa bệnh và các hoạt động giúp nâng cao sức khỏe người dân.

Cũng từ cách nhìn đó, “mọi tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc đều tập trung vào bệnh viện chủ yếu là nơi chữa bệnh và lấy bệnh nhân làm trung tâm. Điều nói trên tuy đúng nhưng chưa đủ. Điển hình là trong tình hình dịch Covid-19 vừa qua, các y bác sĩ và nhân viên y tế cũng là đối tượng rất cần được quan tâm, chăm sóc, phục vụ, bảo vệ trước nguy cơ bị lây nhiễm. Nếu đội ngũ này bị tổn hại thì hoạt động của các cơ sở y tế cũng bị đình trệ, thậm chí phải ngưng hoạt động”.

Chính vì vậy, cần phải thoát ra khỏi tấm áo cũ đã chật hiện nay đối với cách nhìn về công trình y tế.

Hướng tới tầm nhìn mới

“Công trình y tế theo quan điểm hiện đại ngày nay với sự hỗ trợ của khoa học tiên tiến đã mở ra nhiều cách nhìn mới, tạo nên những phức hợp công trình y tế, gắn kết chặt chẽ với các cơ sở nghiên cứu giáo dục đào tạo và cung cấp thông tin sức khỏe cho cộng đồng. Ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn với những chức năng khác của đô thị, góp phần cho sự hình thành và phát triển của những khu đô thị sức khỏe (Health City) là loại hình đô thị chưa từng có trước đây”.

Do đó, có 2 vấn đề cần quan tâm.

Thứ nhất, tạo thành phức hợp cơ sở y tế

Như đã nói ở trên, “những tổ hợp công trình y tế lớn hàng đầu ngày nay thường bao gồm sự phối hợp của 2 hay nhiều loại công trình, được quản lý theo hướng tích hợp, kết nối và hợp tác chặt chẽ với nhau”. Trong đó, sẽ gồm có: “Bệnh viện đa khoa hoặc tổ hợp nhiều bệnh viện chuyên khoa (hiệu quả nhất là khoảng 230-600 giường); các phòng khám cao cấp chuyên khoa của các chuyên gia y tế hàng đầu trong nước và nước ngoài với đầy đủ trang thiết bị y tế; các cơ sở dịch vụ công tư (y tế, công nghệ thông tin y tế…); các trung tâm nghiên cứu và phát triển y tế R&D; trung tâm thông tin y tế phục vụ cộng đồng”.

Môi trường y tế thiên nhiên và nhân tạo được bố trí hợp lý vừa đáp ứng các nhu cầu hoạt động khám chữa bệnh, vừa giúp cho bệnh nhân và người làm việc trong các cơ sở y tế có cảm giác thoải mái như ở nhà, thậm chí thư giãn như ở trong khu resort giúp hồi phục sức khỏe. Đặc biệt đáp ứng được “yếu tố phát triển bền vững, phù hợp với việc tiết kiệm năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu”; đồng thời thu hút được nguồn vốn đầu tư xã hội hóa và quan trọng nhất là “chữa lành”.

Như vậy, có thể nói cơ sở y tế tạo thành sự phức hợp các loại hình hoạt động trong đó để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, như đã đề cập, nếu với cách nhìn trước đây bệnh viện được xem chỉ là nơi khám, chữa bệnh, thì hiện nay cần phải có không gian khác hơn cho bệnh viện.

Thứ hai, không gian đa cộng đồng

“Không gian quy hoạch kiến trúc nội, ngoại thất bệnh viện cần được thiết kế thân thiện và phù hợp với nhu cầu đa dạng của nhiều nhóm cộng đồng trong đó, có thể bao gồm: cộng đồng bệnh nhân nội và ngoại trú với những yêu cầu chăm sóc y tế với sự hỗ trợ của các bác sĩ, y tá và thiết bị y tế; cộng đồng thân nhân đi theo để chăm sóc bệnh nhân; cộng đồng các chuyên gia trong nước và nước ngoài đến làm việc hoặc nghiên cứu giảng dạy, các sinh viên hoặc bác sĩ nội trú tham gia công tác khám chữa bệnh, nghiên cứu; cộng đồng y bác sĩ, nhân viên bệnh viện và gia đình…” theo hướng bố trí gần bệnh viện để thuận lợi trong việc đi lại, chăm sóc gia đình.

Không gian quy hoạch kiến trúc này mở ra cho ít nhất 4 nhóm đối tượng có liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, tạo ra gắn kết cộng đồng, đồng thời giảm tải cho giao thông.

Khu đô thị y tế, khu đô thị sức khỏe tương lai

Khu đô thị sức khỏe: Tùy theo điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của địa phương và mục tiêu phát triển, khu đô thị sức khỏe có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức như: Khu đô thị đại học y nha dược gắn kết với cộng đồng dân cư và các khu thương mại dịch vụ đa chức năng (kết hợp cơ sở giảng dạy, nghiên cứu, khu ở cho giảng viên, sinh viên, khu dân cư và hạ tầng xã hội); khu resort cho cộng đồng những người già với các công trình và hạ tầng chăm sóc y tế cao cấp 24/7 (ví dụ: công nghệ kết nối thông tin y tế từ xa: tele-health..); phức hợp đô thị bao gồm các bệnh viện lớn nhỏ, phòng khám, cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe và thương mại dịch vụ.

Khu đô thị sức khỏe phục vụ cho toàn quốc và kết hợp du lịch với khám chữa bệnh phục vụ nhu cầu y tế chất lượng cao với các hạ tầng xã hội đầy đủ (trường học, nhà trẻ, công viên, dịch vụ thương mại).

Khu đô thị y tế: Bệnh viện trung tâm - trường đại học - dịch vụ thương mại - khu dân cư sức khỏe… với hạ tầng kết nối thông minh có sẵn, là tiền đề quan trọng cho việc chuyển đổi mở rộng thành các trung tâm y tế tạm thời, có thể đáp ứng nhanh và chi phí xây dựng thấp cho nhu cầu khẩn cấp, đáp ứng tình huống ứng phó dịch bệnh nguy hiểm, tương tự đại dịch Covid-19 vừa qua.

Nguyễn Sơn Hùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202402/nhan-ky-niem-ngay-thay-thuoc-viet-nam-27-2-suy-nghi-ve-kien-truc-quy-hoach-de-chua-lanh-8383c74/