Nhãn ghép Lóng Phiêng

Được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng, khí hậu, thuận lợi cho phát triển các loại cây ăn quả, trong đó có cây nhãn, nhiều năm nay, nhãn đã trở thành cây trồng chủ lực, giúp nhiều hộ nông dân xã vùng cao biên giới Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, có nguồn thu nhập khá, vươn lên làm giàu, góp phần làm cho vùng đất nơi đây thay da, đổi thịt.

Vườn nhãn của người dân bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu.

Vườn nhãn của người dân bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu.

Ảnh: PV

Đến thăm gia đình anh Hà Đức Thương, bản Yên Thi, chuẩn bị vào kỳ thu hoạch. Gia đình anh Thương trồng nhãn từ những năm 2000, ban đầu là giống nhãn địa phương, quả bé, năng suất thấp, lại khó bán. Qua tìm hiểu tại quê Hưng Yên và một số người thân, anh lựa chọn giống nhãn Miền Thiết và được hướng dẫn cách ghép lên cây nhãn địa phương. Anh đã tìm hiểu kỹ thuật và áp dụng vào vườn nhãn của gia đình. Sau một thời gian, vườn nhãn ghép bắt đầu cho thu hoạch. Năm 2014, anh Thương tiếp tục chuyển đổi một phần diện tích đất trồng ngô sang trồng nhãn ghép. Đến nay, gia đình anh có gần 8 ha nhãn, trong đó 3 ha đã cho thu hoạch và 5 ha bắt đầu bói quả.

Anh Thương cho biết: Hàng năm, sau khi thu hoạch, tôi bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh; định cành ra quả và khoanh gốc để cây ra hoa đồng đều hơn. Nếu được mùa, vườn nhãn của gia đình sẽ đạt sản lượng khoảng 70 tấn, bán với giá từ 15.000- 20.000 đồng/kg, sẽ thu trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 500 triệu đồng.

HTX Phương Nam, bản Pha Cúng, hiện có 100 ha cây ăn quả, trong đó hơn 80 ha nhãn được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Sản phẩm nhãn của HTX đã xuất khẩu sang thị trường Úc, Singapore, Trung Quốc. Vụ nhãn năm nay, các thành viên HTX đã chủ động đưa ra phương án sản xuất phù hợp, nhằm cung cấp ra thị trường sản phẩm nhãn an toàn, chất lượng và gắn với nhu cầu của thị trường. Ông Trần Như Kiên, Giám đốc HTX, chia sẻ: Chúng tôi chủ động sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất nông sản sạch. Thị trường chính là Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, riêng vụ nhãn năm nay, chúng tôi hướng mạnh đến thị trường xuất khẩu.

Ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Lóng Phiêng cho biết: Trên địa bàn xã hiện có trên 600 ha nhãn, trong đó hơn 410 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt 5.000 tấn/năm. Xã đang tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, nhiều hộ trồng nhãn đã chủ động sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ, nên sản phẩm nhãn của Lóng Phiêng luôn được đánh giá chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Xã đang tiếp tục phối hợp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhãn Lóng Phiêng.

Với sự tích cực, chủ động của người dân và sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc triển khai các quy trình, kỹ thuật sản xuất nhãn an toàn, xã Lóng Phiêng sẽ trở thành vùng sản xuất nhãn lớn nhất của huyện Yên Châu, người dân vươn lên làm giàu từ cây trồng này.

Trần Sơn (CTV)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nhan-ghep-long-phieng-51088