Nhận diện, phản bác quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Bài 1: Âm mưu thâm độc, thủ đoạn tinh vi

Với âm mưu thâm độc, thủ đoạn tinh vi, các thế lực thù địch, phản động không ngừng xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong 'mặt trận' không tiếng súng này, việc kịp thời nhận diện, làm rõ âm mưu, thủ đoạn, nhất là những chiêu trò mới của chúng là một trong những giải pháp phản bác hiệu quả, góp phần thiết thực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm, nhất là những năm gần đây. Đảng ta xác định tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Nhằm tạo ra môi trường hòa bình, ổn định, đồng thuận “muôn người như một”, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh đưa đất nước vào giai đoạn phát triển mới, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quyết tâm, kiên quyết, kiên trì phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động, nhận được sự ủng hộ của các tầng lớp trong xã hội, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nhiều cán bộ, đảng viên, có cả lãnh đạo cấp cao của Đảng được phát hiện, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh. Tuy nhiên, với bản chất xảo trá, dã tâm thâm độc, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước đã bất chấp sự thật, đưa ra những lời lẽ ngoa ngôn, luận điệu kích động nhằm hạ thấp vai trò, uy tín của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Trước hết, các thế lực thù địch, phản động đưa ra các quan điểm, lập luận cho rằng, tham nhũng, tiêu cực là bản chất của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa. Chúng tung ra những quan điểm sai trái, vô căn cứ kiểu như: “Tham nhũng là bản chất của chế độ cộng sản”, “tham nhũng ở Việt Nam là dòng nước lũ có tính đặc thù”, “đập hết chuột” thì cũng “vỡ bình”… Thông qua những luận điệu đó, mục đích của chúng là phê phán, đả kích nhằm tạo ra nhận thức sai lệch, làm giảm sút niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng và chế độ, từ đó ngợi ca, cổ súy, hướng lái nhận thức, tư tưởng theo chế độ tư bản chủ nghĩa.

Chúng đưa ra quan điểm xuyên tạc theo hướng tham nhũng, tiêu cực là hệ quả tất yếu của chế độ một đảng cầm quyền. Thủ đoạn dễ nhận thấy là chúng quy kết, vu cáo “chế độ một đảng chuyên quyền, độc đoán, không có dân chủ, nhân quyền thì không thể kiểm soát, không thể phòng chống được tham nhũng, tiêu cực”. Hay “tham nhũng là căn bệnh nan y của chế độ một đảng duy nhất lãnh đạo”; rồi “Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có thể chống được tham nhũng khi thực hiện thể chế tam quyền phân lập để kiểm soát quyền lực”… Mục tiêu hướng tới của chúng là phê phán, công kích vai trò cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

Thâm độc hơn, các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực là chiêu bài để tranh giành quyền lực, hạ bệ, thủ tiêu phe nhóm trong nội bộ. Chúng ngoa ngôn vu cáo “cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng cộng sản Việt Nam là mang màu sắc thanh trừng nội bộ, tranh giành quyền lực giữa những phe nhóm” và “cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay chẳng qua chỉ là cuộc đấu đá nội bộ giữa phe này và phe khác”… Tính chất nguy hiểm của những quan điểm sai trái, thù địch này là đánh trúng vào tâm lý hiếu kỳ của một bộ phận cán bộ, đảng viên, người dân về những thông tin liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao của Đảng.

Bị cáo Phạm Thị Đoan Trang tại tòa án. Ảnh theo Báo Công an nhân dân.

Bị cáo Phạm Thị Đoan Trang tại tòa án. Ảnh theo Báo Công an nhân dân.

Đảng lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng là tất yếu, khách quan, dựa trên cơ sở lý luận và được thực tiễn chứng minh. Bất chấp điều hiển nhiên đó, các thế lực thù địch, phản động vẫn cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật khi cho rằng “chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tham nhũng; Đảng Cộng sản Việt Nam không những là nguyên nhân sinh ra tham nhũng mà còn không thể đấu tranh phòng, chống tham nhũng thành công”, “chống tham nhũng của Việt Nam chỉ là trò đánh trống, khua chiêng nhằm che mắt thế gian”, “ta đánh mình, mình đánh ta”, hay “cộng sản chỉ nói chứ không dám làm”.

Không những thế, chúng còn đưa ra quan điểm “công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam chịu sự chi phối, sức ép của nước này, nước kia”. “Việt Nam bị nước này, nước khác chi phối, áp lực để hạ bệ thế lực này, thanh trừng người khác, hay dập khuôn máy móc phong trào “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo” của Trung Quốc”. Trên bình diện quốc tế, chúng dùng nhiều chiêu trò tô đen, bôi vẽ, đánh lừa dư luận, tạo nhận thức sai lệch về tình hình tham nhũng ở nước ta từ đó tác động tiêu cực đến quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế.

Những “nhà dân chủ” tự xưng - họ là ai?

Những năm gần đây, trên các diễn đàn phản động, thù địch nổi lên vô số cái tên như: Lê Dũng Vova, Nguyễn Lân Thắng, Thái Văn Đường, Phạm Thị Đoan Trang, Huỳnh Ngọc Chênh… Có một sự thực là số lượng người theo dõi “clip”, “chương trình” trên facebook, fanpage của các đối tượng này rất lớn.

Tự xưng là những “nhà dân chủ” hay “Nhà báo tự do”…, những đối tượng này đã liên tục đăng tải nhiều bài viết phủ nhận, xuyên tạc liên quan đến nhiều vấn đề trong đời sống chính trị, xã hội, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây thực chất là việc lợi dụng quyền tự do, dân chủ để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng; vu cáo, bôi nhọ, bóp méo, thổi phồng, hạ thấp uy tín lãnh đạo cấp cao của Đảng.

Điều dễ nhận thấy là, mỗi khi cơ quan chức năng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay đưa các vụ án tham nhũng, kinh tế ra xét xử liên quan đến những cái tên như: Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Công Danh, Châu Thị Thu Nga, Hứa Thị Phấn, một số bị cáo nguyên là lãnh đạo tỉnh Đồng Nai; rồi vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh… tức thì “không hẹn mà gặp”, các nhà “dân chủ”, “nhà báo tự do”… đồng loạt đăng tải, phát tán bài viết, video clip đưa ra những thông tin “phản biện” dưới chiêu trò “tin nóng”, “tin mới” liên quan đến cán bộ này, đường dây kia mà thực chất là những “tin vịt”, thông tin bịa đặt, cắt xén, thêm bớt khiến một bộ phận “công chúng” lầm tưởng chúng là những “nhà yêu nước”, “nhà chống tiêu cực” thực thụ.

Mới đây, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Nguyễn Lân Thắng (trú tại ngõ Thịnh Quang, quận Đống Đa, TP Hà Nội) và tuyên phạt bị cáo này 6 năm tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Nguyễn Lân Thắng là đối tượng nhiều lần lợi dụng không gian mạng để xuyên tạc, phủ nhận chế độ chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng, xuyên tạc, phỉ báng cuộc đời, sự nghiệp một số lãnh tụ của Đảng.

Hay để chứng tỏ khả năng, sự nhanh nhạy, thạo tin của mình, đối tượng Thái Văn Đường (còn gọi là Đường Văn Thái) đã khởi tạo và tham gia điều hành nhóm “Lều Của Đầy Tớ” trên mạng xã hội Facebook, Youtobe thu hút hàng vạn người theo dõi. Qua móc ngoặc với một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất ở trong nước, Thái Văn Đường thường xuyên đăng tải, phát tán những hình ảnh, thông tin sai lệch về nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương.

Đó còn chưa kể không ít đối tượng từng quyết liệt chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta và từng tuyên bố “sám hối” nhưng thực chất đó là chiêu trò che đậy dã tâm bên trong khiến không ít người lầm tưởng chúng đã “sám hối” thật và dễ dàng “mắc bẫy”.

Chiêu trò của Thái Văn Đường là thông tin sai lệch, bịa đặt về tình hình sức khỏe, gia thế, về cuộc sống, sinh hoạt; lập lờ, úp mở mối quan hệ của cán bộ đó với bị cáo này, chủ đầu tư dự án kia mới bị cơ quan chức năng khởi tố, tạm giam. Với những thông tin đánh trúng vào tâm lý hiếu kỳ của nhiều người đã hạ thấp, gây mất uy tín của cá nhân, vai trò lãnh đạo của cấp ủy, rộng ra là vai trò lãnh đạo của Đảng và thể chế chính trị ở nước ta. Mới đây, Thái Văn Đường đã bị cơ quan chức năng bắt khi đang tìm đường xâm nhập trái phép về nước.

Đó còn chưa kể không ít đối tượng từng quyết liệt chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta và từng tuyên bố “sám hối” nhưng thực chất đó là chiêu trò che đậy dã tâm bên trong khiến không ít người lầm tưởng chúng đã “sám hối” thật và dễ dàng “mắc bẫy”. Và khi những luận điệu xuyên tạc tinh vi, thâm độc đó được phát tán rộng rãi, thường xuyên trên không gian mạng đã gây phân tâm, lo lắng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân, trong đó có giới trẻ.

Điều đáng lo ngại là, trong khi tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên, người dân vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, vào thành quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì một số người, do nhận thức, hoàn cảnh khác nhau, không có thông tin đầy đủ để nhận diện đã vô tình và cả hữu ý tiếp tay cho các đối tượng thù địch, phản động. Đâu đó đã xuất hiện sự dao động, hoài nghi, thậm chí có cả văn nghệ sĩ, trí thức phản bội lại sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và nhân dân ta, trong đó không ít người đã bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật..

(Còn nữa)

Lê Minh - Vĩnh Bình

Bài 2: Sự thật, chúng muốn gì?

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/407242/nhan-dien-phan-bac-quan-diem-sai-trai-thu-dich-ve-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-bai-1-am-muu-tham-doc-thu-doan-tinh-vi.html