Nhẫn đành ví dầu ví dẫu ví dâu...

Khi đọc 'Việt ngữ nghiên cứu' (bản in 1955, NXB Thế giới tái bản năm 2020), ta nhận thấy Phan Khôi cũng thuộc fan hâm mộ 'Truyện Kiều'. Chính ông đã phát hiện ra trong 3.254 câu thơ thơ Kiều: 'Trước hết phải lấy làm lạ rằng trong Truyện Kiều không hề có chữ 'nếu' một lần nào. Thì ra, có bao nhiêu chỗ theo chúng ta bây giờ đáng nói 'nếu' thì Truyện Kiều đều nói dầu hay dẫu cả. Hình như về thời đại Nguyễn Du, trong tiếng ta chưa có chữ 'nếu' hay có rồi mà chưa được thông dụng?'.

Nghi vấn của cha đẻ “Tình già”, nay, ta có thể trả lời được ngay, thời đó từ "nếu" đã xuất hiện: "Nếu: Nếu có sự làm vậy: Nếu việc như vậy", ngoài ra còn có nghĩa khác, nay hoàn toàn đã biến mất: "Nếu: Từ, bởi cái đó, bởi cái ấy. Nếu ngày đẻ ra: Từ ngày nó sinh ra" - “Từ điển Việt-Bồ-La” (1651) giải thích. Và, từ điển này cũng cho biết: "Dầu mà, dù mà: Dù mà, dầu mà. Cùng một nghĩa".

Con trâu trong tranh dân gian.

Con trâu trong tranh dân gian.

Ngoài các từ cùng nghĩa này, còn có thêm từ khác nữa. Từ gì vậy? Ta hãy lấy tập thơ nôm khuyết danh “Thiên Nam ngữ lục” làm cứ liệu khảo sát. Tác phẩm này viết bằng thể thơ lục bát, dài 8.136 câu, 2 bài thơ Nôm thất ngôn bát cú, ngoài ra còn có 31 bài thơ và sấm ngữ viết bằng chữ Hán, chưa xác định cụ thể được viết trong năm nào. Ta hãy đọc những câu: "Nhẫn đành nước chẳng đao binh/ Loan xa thánh giá về thành Hoa Lư/ (…)/ Song dầu phúc đức mẹ còn/ Sông nhẫn lở mòn, cát lại bồi ra".

"Nhẫn" cũng hàm nghĩa như dầu, dù, ví như… Tuy nhiên "nhẫn" không chỉ có nghĩa đó, chẳng hạn, trong “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi có những câu như: "Còn có một lòng âu việc nước/ Đêm đêm thức nhẫn nẻo sơ chung".

"Nhẫn" ở đây hàm nghĩa đến, cho đến. Ta nhớ lúc Thúy Kiều sau lúc quyết định bán mình chuộc cha, đêm ấy, nàng đã thức sáng đêm khiến Thúy Vân ôn tồn gặng hỏi: "Cớ chi ngồi nhẫn tàn canh?". Rõ ràng "nhẫn" có nhiều nghĩa, tiếc thay “Từ điển từ Việt cổ” (NXB Văn hóa Thông tin - 2001) của Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện chỉ ghi nhận mỗi nghĩa "Tới khi, tới lúc" - với văn liệu như "Nguyệt bao nhiêu kiếp nhẫn nay". "Lòng xuân nhẫn động ắt khôn gìn", "Nhẫn thấy Ngu công tua xá hỏi" (Quốc âm thi tập) v.v…

Có một điều lạ là “Từ điển Việt-Bồ-La” dù ghi nhận "nhẫn" theo nghĩa “Từ điển từ Việt cổ” giải thích nhưng lại ghi "nhễn": "Nhễn nay: cho đến bây giờ, đến nay. Cùng một nghĩa". Từ bao giờ người Việt không sử dụng từ "nhễn" nữa? Thật không dễ dàng trả lời. Riêng từ "nhẫn" theo nghĩa này còn tại đến giữa thế kỷ XIX, bằng chứng là “Việt Nam tự điển” (1931) còn ghi nhận: "Nhẫn: Đến. Từ ấy nhẫn nay".

Nhân bàn về từ "nhẫn", thật thú vị, khi ta lại còn tìm thấy dấu vết của từ "nhẩn" (dấu hỏi) lại đồng nghĩa với từ "nhển" (dấu hỏi). Tra lại từ điển tiếng Việt hiện nay, ta không tìm thấy từ "nhển". Không có là phải rồi, nay, người Việt gọi là "nhẫn" (dấu ngã), “Từ điển Việt-Bồ-La” (1651) cho biết: "Nhển, cái nhển: Chiếc nhẫn, 'nhển xúi đeo tay': Mang nhẫn có chạm trổ, 'nhển trơn': Nhẫn trơn không chạm trổ". Hầu như từ "nhẫn/ nhẩn/ nhển" với các nghĩa trên, nay đã không còn thông dụng. Cũng xin nói vói thêm câu nữa, rằng, trong tiếng Việt còn có từ "nhẫn nhẫn/ nhần nhận/ nhẳn nhẳn" (cách ghi chưa thống nhất) như nhẫn nhẫn đắng tức là chỉ hơi đắng, chứ không đắng lắm. Có câu ca dao liên quan tới nhẫn/ chiếc nhẫn, ngẫm ra cũng hay hay: "Lẳng lơ đeo nhẫn chẳng chừa/ Nhẫn thì rơi mất, lẳng lơ hay còn".

Trường hợp này, cụ thể là người ấy đeo nhẫn? Chắc là thế, vì xưa nay một khi dựng chồng gả vợ ắt đeo nhẫn vào ngón áp út, vì thế cần hiểu theo nghĩa bóng là nói chuyện về người phụ nữ lẳng lơ sau khi "lên xe hoa" đã ly dị chồng, chứ không phải mỗi một chuyện đeo nhẫn. Nhẫn lại trùng âm với nhẫn, vốn từ Hán -Việt, thí dụ: "Chữ nhẫn là chữ tương vàng/ Ai mà nhẫn được thì càng sống lâu".

Câu ca dao này, "chuẩn không cần chỉnh", không gì phải tranh cãi. Có điều thú vị là mới đây chỉ do tò mò muốn tìm hiểu tâm lý hướng thiện của số đông, tôi đã dò hỏi khá nhiều nhà viết thư pháp tiếng Việt, đại khái, đâu là chữ đã viết nhiều nhất theo yêu cầu của khách hàng. Trăm người như một, họ cho biết đó là chữ "nhẫn". Ngẫm ra lời dạy của ông bà mình, thời nào cũng đúng,

Trở lại với câu chuyện đang bàn về dù/ dầu, ta hãy đọc từ câu ca dao: "Dù no, dù đói cho tươi/ Khoan ăn bớt ngủ là người lo toan" đến câu Kiều: "Dầu khi lá thắm chỉ hồng/ Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha", ta có thể hoán đổi dù/ dầu mà không sai nghĩa, thậm chí đổi qua dẫu cũng cùng nghĩa. Vậy, suy ra hàm nghĩa các từ đặt trong các trường hợp giả thiết này đều y chang nhau?

Chưa chắc.

Từ năm 1931, “Việt Nam tự điển” do Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo cho rằng, "Dẫu: Cũng nghĩa như tiếng dầu mà có ý mạnh hơn", văn liệu: "Sa chân bước xuống ruộng dưa/ Dẫu ngay cho chết cũng ngờ rằng gian"; “Việt Nam tự điển” (1970) của Lê Văn Đức bổ sung thêm "và tùy giọng văn"; “Tự điển Việt Nam” (1971) của Ban Tu thư Khai Trí cũng giải thích tương tự: "có ý quả quyết hơn". Âu cũng là một đặc tính của tiếng Việt, giúp cho ta sử dụng một từ theo nghĩa đó nhưng lại mang thêm sắc thái của cảm xúc, tình cảm, chứ không đơn thuần chỉ đưa ra thông tin.

Ta còn có thể nhìn thấy tương tự qua trường hợp của từ chưa/ chửa, dù cùng nghĩa nhưng cũng hàm ý nhấn mạnh, hoặc mang sắc thái mỉa mai, tùy ngữ cảnh. Thí dụ, vở chèo "Trận cười thứ ba" (Cục Nghệ thuật Sân khấu xuất bản năm 1994) của NSND Nguyễn Đình Nghị, nhân vật Đồ Điếc phát biểu: "Ơ. Rõ khéo chưa, điếc lác thời tôi nhờ ông chăng? Lố chửa?" (tr.148). Ta cảm nhận, "chưa" mang sắc thái trung tính, nhưng qua "chửa" lại gằn giọng, hàm ý chì chiết, do đó, tác giả mới ghi trong ngoặc đơn cuối câu là Đồ Điếc: (lườm đi).

Thế nhưng chửa lại đồng âm với… chửa, chẳng hạn trong tiểu thuyết "Giông tố" của nhà văn Vũ Trọng Phụng, lúc Thị Mịch nói với mẹ: "U ạ, dễ thường tôi... dễ thường tôi chửa...". Bà mẹ hiểu "chửa" là "chưa" nên mới hỏi lại: "Cái gì? Mày chửa làm gì? Mày chửa vớt bèo cho lợn ăn à?". Thị Mịch thẹn thùng: "Không phải. Tôi chửa, tôi có chửa, tôi có mang!". Qua trường hợp chưa/ chửa, ta thấy rõ ràng, dầu/ dẫu không là ngoại lệ.

Thú vị nữa là "dẫu" (dấu ngã) cũng có từ đồng âm dẫn qua nghĩa khác nhưng lại là "dẩu" (dấu hỏi). "Dẩu" có nghĩa là nhiều, quá nhiều, hơn mức bình thường như mệt dẩu, nhiều dẩu hoặc dẩu lên là cố lên, gắng lên - “Việt Nam tự điển” (1970), “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) ghi nhận, tuy nhiên, nay, không mấy ai sử dụng, thậm chí xa lạ; nếu còn chăng vẫn là trường hợp chỉ ai đó biểu thị thái độ khinh khỉnh, xem thường, không bằng lòng bằng cách dẩu môi, môi trề ra…

Mà, dầu/ dẫu chỉ có thế thôi ư?

Cứ theo như nhà văn hóa Phan Khôi: "Trong tản văn, khi dùng chữ dầu hay chữ dẫu phía trước thì thường có chữ "cũng" theo sau. Vận văn vì số chữ và âm điệu trói buộc nên có khi không đưa chữ cũng vào được, nhưng câu nào đã có dầu hay dẫu theo nghĩa nhượng bộ thì đàng sau nó đều hàm ý có chữ cũng cả" (tr.147). Ông dẫn chứng: "Dẫu thay mái tóc dám dời lòng tơ" (có thay mái tóc đi nữa, lòng tơ cũng không dời), "Dẫu bằng xương trắng quê người quản đâu" (xương trắng quê người cũng không quản), "Phận hèn dầu rủi dầu may tại người" (dầu rủi dầu may cũng tại người)… Ngẫm ra mới thấy ông Phan Khôi rất tinh tế khi đọc thơ Kiều và lý lẽ phân tích thuyết phục.

Với từ dầu/ dẫu còn có thể khiến người tiếp nhận sắc thái của hàm lượng thông tin còn tùy thuộc vào từ đi liền sau như dầu mà, dầu vậy, dầu lòng, dầu cho, dầu sao, dầu thế nào…; hoặc từ trước đó như mặc dầu, ví dầu… Nói chung là phải xét dầu/ dẫu trong trường hợp cụ thể, chẳng hạn cũng trước lúc bán mình chuộc cha, đêm đã khuya khoắt, nàng Kiều một mình ngồi trước ngọn đèn, "Áo dầm giọt lệ, tóc sa mái đầu" thở than: "Phận dầu dầu vậy cũng dầu". Thì "cũng dầu", ta hiểu là cũng như vậy, cũng mặc lòng, dầu thế nào, dầu có đến thế đi nữa cũng mặc kệ.

Với từ "dầu", ngày trước ở miền Nam có câu thành ngữ "Nắng lửa mưa dầu", tách từ "dầu" ra lại ngụ ý là ít, mưa dầu là mưa ít; nắng lửa hàm ý nắng nhiều: "Nắng nhiều quá, mưa ít quá", “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) giải thích. Hoàn toàn khác với "Nắng dãi mưa dầm", "Nắng táp mưa sa"… Không những "mưa dầu" còn có "đi dầu" là đi đầu trần, tự vị này cho biết, tuy nhiên với người Quảng Nam lại nói "đi đầu dầu" là đầu không đội mũ nón dù đi ngoài trời đang nắng như đổ lửa. Với từ "dầu" ta dễ dàng liên tưởng đến "ví dầu", chẳng hạn ở miền Nam có những câu, chắc nhiều người còn nhớ: "Ví dầu cậu giận bậu hờn/ Cháu theo cùng cậu kéo đờn cậu nghe/ (…)/ Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi".

"Ví dầu" là từ bắt đầu cho một câu hát ru, cũng như "Ạ à ơi". Còn có câu cửa miệng "Ầu ơ ví dầu" là sao? Là thành ngữ nhằm chỉ công việc gì đó được làm một cách trễ nãi, làm cho có, uể oải, chậm chạp, qua loa đại khái, được chăng hay chớ. Thế nhưng: "Ví dầu ví dẫu ví dâu/ Ví qua ví lại ví trâu vô chuồng".

Ở câu lục, ta hiểu đây là tình huống giả thiết đã được nhấn mạnh bằng cách lặp đi lặp lại dầu, dẫu, dâu. Ở câu bát cũng là ví nhưng không thể hiểu ví như/ nếu như/ tựa như nằm trong nghĩa câu thơ tương truyền của Hồ Xuân Hương: "Thân này ví xẻ làm hai được/ Nửa để trong nhà, nửa đệ ra"; cũng không phải tiếng hò cho trâu đi là ví thá/ thá ví. Và, cũng không là "ví" trong trường hợp: "Khăn xanh có ví hai đầu/ Nửa thương cha mẹ, nửa sầu căn duyên".

"Ví" ở đây lại chỉ cái viền may kín bìa. Vậy ví là gì trong ngữ cảnh "Ví dầu, ví dẫu, ví dâu" nghĩa là gì? Là: (1) Đuổi dồn để bắt hay đưa đi hướng khác; (2) Gom dồn lại một chỗ để cất giữ", theo “Phương ngữ Nam Bô”å (2013) của Bùi Thanh Kiên. Hiểu theo nghĩa này, người Quảng Nam lại phát âm là "dí".

Lê Minh Quốc

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/nhan-danh-vi-dau-vi-dau-vi-dau--i730900/