Nhận biết và ứng phó khi gặp rắn độc

Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều bệnh nhân phải nhập viện vì rắn cắn. Đặc biệt, một số người bị cắn bởi những loài kịch độc như rắn hổ chúa, rắn hổ mèo, rắn lục đuôi đỏ...

Mùa hè là thời điểm gia tăng tai nạn rắn cắn

Mới đây, khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), tiếp nhận nam bệnh nhân P.H.Q. (30 tuổi, Bà Rịa - Vũng Tàu) được chuyển từ bệnh viện địa phương trong trạng thái nguy kịch vì rắn hổ chúa cắn. Tại đây, nam bệnh nhân được chuyển thẳng vào phòng hồi sức của khoa Bệnh nhiệt đới, khả năng ngưng thở 80-90%. Anh được xử trí truyền 10 lọ huyết thanh kháng nọc độc rắn trong 2 lần.

Theo thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy, số bệnh nhận bị rắn độc cắn ở phía nam gia tăng theo thời gian. Trong giai đoạn 2010-2011, bệnh viện ghi nhận số bệnh nhân bị rắn độc cắn dưới 300 người/năm. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2018-2019, con số này tăng lên trên 700 người/năm. Độ tuổi của người bị rắn độc cắn ngày càng cao với tỷ lệ tử vong chung là 0,5%.

Từ những ca bệnh được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, rắn độc cắn người chia làm 8 loài, trong đó 4 loài thường gặp nhất gồm lục xanh và chàm quạp (60-75%), tiếp theo là hổ mèo và hổ đất (15-20%). Xếp sau đó là các loại rắn hổ chúa, rắn sải cổ đó, rắn cạp nong, rắn cạp nia.

Việt Nam có 60 loài rắn độc phân bố khắp cả nước.

PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết, Việt Nam thuộc vùng nhiệt đới, có gần 60 loài rắn độc phân bố khắp cả nước, tai nạn do rắn độc cắn rất nhiều và rất nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng. Vào mùa hè, mùa mưa, các loài rắn hoạt động kiếm ăn, tìm bạn tình, sinh sản, do đó, tai nạn do rắn độc cắn càng gia tăng.

Các loại rắn độc ở nước ta chia làm 2 nhóm chính: Rắn hổ và rắn lục. Rắn hổ cắn có thể gây hoại tử tổ chức tại chỗ, suy đa phủ tạng toàn thân, liệt cơ có thể gây tử vong cho nạn nhân từ vài phút đến vài giờ. Rắn lục cắn gây rối loạn đông máu, chảy máu không cầm, nạn nhân có thể tử vong nếu không có thuốc điều trị đặc hiệu.

Mỗi năm, theo ghi nhận có khoảng 300 ngàn trường hợp bị rắn cắn và công tác điều trị rất tốn kém ở các bệnh viện. Vì vậy, việc nghiên cứu các công trình về rắn độc đặc biệt phát triển sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn được xếp vào Danh mục các nhóm thuốc thiết yếu phải có của Tổ chức Y tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

Chuyên gia cho biết, Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới chế tạo ra huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu và người Việt Nam cũng là người đầu tiên trên thế giới được sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn. Việt Nam đã điều chế thành công các loại huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất, lục tre, hổ chúa và chàm quạp nhưng một số loại huyết thanh khác vẫn phải nhập khẩu. Sản xuất được huyết thanh để tự chủ trong công tác điều trị rắn cắn tại Việt Nam là chiến lược lâu dài mà Bộ y tế chủ trương thực hiện nhiều năm qua.

Không nên dựa vào vết răng để nhận biết rắn độc

Có một kinh nghiệm nhiều người truyền tai nhau là dựa vào vết răng cắn để phân biệt đó có phải là rắn độc hay không. Rắn độc thường có hai răng độc lớn. Khi rắn cắn, răng sẽ đồng thời truyền độc vào vùng da của nạn nhân và để lại vết răng đặc trưng. Người bị rắn độc cắn thường để lại ít dấu răng ở vết cắn nhưng sẽ có 2 vết răng nanh. Khi quan sát sẽ thấy mỗi vết cắn của răng nanh cách nhau khoảng 5mm và một số vết răng nhỏ.

Khi quan sát vết cắn sẽ thấy dấu vết để lại của cả 2 hàm răng với những chấm nhỏ hình vòng cung và không có vết răng nanh. Răng của rắn có độc thường dài và hình dạng nhọn hơn so với rắn không độc. Răng của rắn độc thường hình chữ nhật với đầu nhọn hơn ở phía trước, trong khi đó răng của rắn không độc thường hình tam giác hoặc hình cưa.

GS Đặng Huy Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, việc phân biệt vết răng của rắn độc và rắn không độc là rất khó khăn và có thể nguy hiểm nếu tự mình cố gắng làm điều này. Ngay cả khi bạn có khả năng phân biệt được rắn độc hay không độc, nhưng quá trình bạn xử lý vết thương không đảm bảo vệ sinh khiến chỗ bị cắn bị nhiễm trùng, lở loét. Vì thế, khi bị rắn cắn bạn nên sơ cứu vết thương sau đó nên đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Khi bắt gặp rắn thông thường chúng ta thường hay nghĩ chúng rất độc và phải lập tức dùng vật nào đó đập chết chúng chứ không nghĩ đến việc cần tránh xa hay xua đuổi chúng. Bất cứ loài động vật nào khi bị tấn công chúng sẽ tấn công đáp trả lại ngay cả rắn cũng vậy. Do đó, cách tốt nhất khi gặp rắn để đảm bảo an toàn chúng ta nên tìm cách tránh xa chúng, tìm cách xua đuổi chúng tránh kích động tấn công chúng.

Nếu phát hiện rắn trong nhà hãy thật nhẹ nhàng vì khi bị kích động chúng sẽ tấn công bạn nhất là trong không gian chật trong nhà bạn sẽ gặp bất lợi trong việc thoát thân khỏi nguy hiểm. Mở cửa chính và đóng tất cả các cửa phòng khác lại dùng gậy dài hoặc vòi phun nước áp suất cao để lùa rắn ra khỏi nhà.

Đề phòng tránh rắn cắn ở Việt Nam, nhóm các nhà khoa học Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật đã từng đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về các trường hợp rắn cắn và các loài rắn độc; tăng cường hợp tác giữa cán bộ y tế và các nhà khoa học nghiên cứu về rắn với người dân trong việc xác định loài, sơ cứu và điều trị rắn cắn; xây dựng tài liệu nhận dạng nhanh các loài rắn độc thường gặp để phục vụ công tác phòng tránh và điều trị rắn cắn đặc biệt là các cơ sở y tế cấp huyện. Các nhà khoa học cũng đề xuất có kế hoạch phát triển các loại huyết thanh kháng nọc để điều trị các loài rắn độc thường gặp ở Việt Nam (rắn hổ mang, rắn lục xanh, rắn cạp nong, rắn cạp nia). Việt Nam có 10 loài rắn có nọc độc có thể sử dụng làm đối tượng nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất huyết thanh kháng nọc.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhan-biet-va-ung-pho-khi-gap-ran-doc-169230706074931654.htm