Nhạc sĩ Trần Thu Hường mang đồng dao đến với thiếu nhi

Cô giáo, nhạc sĩ Trần Thu Hường không còn xa lạ với khán giả xem Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), đặc biệt là khán giả nhí của chương trình 'Vườn hoa âm nhạc tuổi thơ'. Cô không chỉ sáng tác bài hát cho thiếu nhi mà còn là giáo viên âm nhạc, có giọng hát rất hay, từng đoạt giải nhất tiếng hát ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng, giải nhất đàn hát piano kỹ thuật số toàn quốc ngành giáo dục. Nhiều ca khúc thiếu nhi của cô đã đoạt giải cao trong các kỳ thi sáng tác do Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức.

Cô giáo, nhạc sĩ Trần Thu Hường là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đang công tác trong ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng. Khán giả biết đến cô Hường không chỉ qua những sáng tác tình ca mà còn ở các bài dành cho thiếu nhi, viết về cuộc sống gia đình, trường lớp, những kỷ niệm đẹp của tuổi học trò… đem đến cho người thưởng thức những khoảnh khắc đáng nhớ. Tình cảm mà cô giáo, nhạc sĩ dành cho thiếu nhi, lứa tuổi học trò luôn nồng nàn, thể hiện đậm nét qua những lời ca hết sức gần gũi, bình dị. Với tình yêu trẻ thơ, nhạc sĩ Trần Thu Hường đã cho xuất bản 2 tập ca khúc “Vầng trăng cánh võng”, “Từ bục giảng yêu thương” do Nhà xuất bản (NXB) Thanh niên phát hành và DVD ca nhạc “Ru bà”. Trong các sáng tác của cô, nét nhí nhảnh, hồn nhiên của lứa tuổi học trò được đưa vào tác phẩm rất tự nhiên, được nhiều người yêu thích.

Cô giáo, nhạc sĩ Trần Thu Hường và ca sĩ nhí Ngọc Ánh giao lưu cùng với MC Thoại Anh trong chương trình “Vườn hoa âm nhạc tuổi thơ”

Cô giáo, nhạc sĩ Trần Thu Hường và ca sĩ nhí Ngọc Ánh giao lưu cùng với MC Thoại Anh trong chương trình “Vườn hoa âm nhạc tuổi thơ”

Giao lưu với các bạn nhỏ trong chương trình “Vườn hoa âm nhạc tuổi thơ”, cô giáo, nhạc sĩ Trần Thu Hường chia sẻ: Viết cho thiếu nhi rất khó, làm thế nào để các em yêu thích ca khúc của mình thì mình phải thực sự là trẻ con, sống trong thế giới hồn nhiên, vô tư, giàu tưởng tượng và lãng mạn. Tôi rất hạnh phúc khi cầm bút viết cho thiếu nhi và càng hạnh phúc hơn khi đã có nhiều ca khúc được đưa vào sách giáo khoa âm nhạc dạy trong nhà trường như các bài: “Bé chơi đàn” được chọn in trong tập bài hát lớp 2, NXB Giáo dục, bài “Mùa hè của em” in trong vở bài tập âm nhạc lớp 2 (Bộ sách Chân trời sáng tạo - NXB Giáo dục), bài “Em yêu giờ học hát” in trong tập bài hát lớp 1, NXB Hà Nội… Ước tính, tôi có khoảng 30 ca khúc được các em hát trên sóng truyền hình của HTV9, Đài Tiếng nói Việt Nam, VTV3, VTV6, Đài Truyền hình Đà Nẵng và Đài Truyền hình các tỉnh như: Cà Mau, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Tây Ninh, Bình Phước, Quảng Nam…

Cô Hường cảm thấy rất hạnh phúc khi tác phẩm của mình được nhiều ca sĩ thể hiện và khán giả đón nhận

Cô Hường cảm thấy rất hạnh phúc khi tác phẩm của mình được nhiều ca sĩ thể hiện và khán giả đón nhận

Nhạc sĩ Trần Thu Hường cho biết, cô đã từng phổ nhiều thơ, cả những bài có trong chương trình sách giáo khoa phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo như: Bé nhìn biển (Trần Mạnh Hảo), Bé làm phi công (Vũ Duy Thông), Đồng hồ báo thức (Hoài Khánh), Trăng của nội (Nguyễn Lương Hiệu)… được phát sóng trong chương trình thiếu nhi của các đài phát thanh - truyền hình, được các bạn nhỏ yêu thích, từ đó tiếp thêm động lực cho cô sáng tác nhạc thiếu nhi nhiều hơn. Gần đây, cô đã giới thiệu đến các bạn nhỏ tuyển tập những ca khúc phỏng lời đồng dao được thể hiện qua tiếng bát của ca sĩ nhí Ngọc Ánh và đang hoàn thiện MV để ra mắt DVD ca nhạc thiếu nhi “Bé yêu đồng dao”.

Cô giáo, nhạc sĩ Trần Thu Hường lưu lại những khoảng khắc cùng các bạn nhỏ tại Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước

Cô giáo, nhạc sĩ Trần Thu Hường lưu lại những khoảng khắc cùng các bạn nhỏ tại Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước

Chia sẻ về cảm xúc để viết nên 15 ca khúc phỏng lời đồng dao được giới thiệu trong album “Bé yêu đồng dao”, cô Hường thổ lộ: Có một lần thấy các em chơi trò chơi cùng nhau, cô mới hỏi sao chơi trò này mà các em không đọc đồng dao? Nếu các em vừa chơi vừa đọc đồng dao thì sẽ sinh động hơn, các em đã hỏi lại cô: “Đồng dao là gì vậy cô?”. Từ thực tế một số em chưa biết đồng dao là gì, thậm chí nhiều em không biết các trò chơi như: Rồng rắn lên mây, Đúc cây dừa… cô Hường không thôi trăn trở. Làm sao để giúp các em nếu không chơi trò chơi dân gian cũng biết đồng dao là gì, đồng thời yêu, sưu tầm, phát triển và gìn giữ đồng dao. Phát huy thế mạnh của âm nhạc, cô chọn dùng những tiết tấu, giai điệu mang hơi thở của âm nhạc hiện đại, gần gũi với các em, thổi hồn vào những bài đồng dao vốn dĩ chỉ có tiết tấu không có giai điệu, cao độ… làm cho các em vừa yêu thích những giai điệu này vừa yêu ca từ trong đồng dao.

Đồng dao là những câu hát, bài thơ được trẻ em đọc mỗi khi chơi trò chơi dân gian. Nhiều bài có ý nghĩa nhưng cũng có những bài không mang ý nghĩa gì nhưng có vần, điệu và đặc biệt là vui tai, ngộ nghĩnh. Do vậy, khi viết thành ca khúc, tôi thường dựa vào cốt lõi lời ca, lồng vào một vài ý sao cho hài hòa với đồng dao, kèm ý nghĩa nhẹ nhàng, góp phần giáo dục nhân cách, thẩm mỹ cho các em mà không mất đi tính chất, ý chính của bài đồng dao đó.

Cô giáo, nhạc sĩ Trần Thu Hường

Với mỗi người nhạc sĩ thì mong muốn lớn nhất là được khán giả yêu thích những “đứa con tinh thần” của mình. Và qua album “Bé yêu đồng dao”, nhạc sĩ Trần Thu Hường mong rằng các bạn nhỏ sẽ yêu thích và để những bài đồng dao đến gần với thiếu nhi không những ở nông thôn mà cả thành phố. Đó là cách nhạc sĩ góp sức trong việc gìn giữ và phát triển đồng dao…

Minh Huệ

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/146215/nhac-si-tran-thu-huong-mang-dong-dao-den-voi-thieu-nhi