Nhạc sĩ Nhật Lai trong ký ức người thân, bè bạn

Trước lúc tập kết ra miền Bắc, nhạc sĩ Nhật Lai từng có 6 năm gắn bó với Tây Nguyên, đặc biệt là vùng đất Krông Pa (tỉnh Gia Lai). Sự hòa mình hết mực vào cuộc kháng chiến của đồng bào các dân tộc đã giúp ông am hiểu sâu sắc vốn văn hóa, nhất là âm nhạc dân gian Tây Nguyên.

1. Sinh thời, nhạc sĩ Nhật Lai vẫn coi Tây Nguyên là quê hương thứ hai của mình. Ông mất đã hơn 35 năm nhưng trong lòng lớp nghệ sĩ đầu tiên của Đoàn văn công Tây Nguyên, ông vẫn sống với hình ảnh một lãnh đạo bình dị, tài năng, một người đồng hương thân thiết.

Nghệ sĩ Siu Phích kể: Khi tôi được tuyển vào biên chế thì Đoàn văn công Tây Nguyên thành lập đã được 3 năm, nhạc sĩ Nhật Lai đã được đề bạt Phó đoàn. Khu tập thể của đoàn bấy giờ còn nhà tranh, vách nứa; giường kê thành dãy dài như doanh trại bộ đội. Ông sống giản dị, chan hòa với anh em như người trong một nhà. Đêm nằm cạnh nhau, Nhật Lai thường kể cho chúng tôi nghe đủ các thứ chuyện “trên rừng dưới biển”… Ông tên thật là Nguyễn Tuân; quê ông ở Tuy An, Tuy Hòa, Phú Yên; cha làm nghề bốc thuốc Bắc, mẹ buôn bán. Ông có 6 anh chị em, trong đó có nhà thơ Nguyễn Mỹ-tác giả “Cuộc chia ly màu đỏ” nổi tiếng. Tài năng của anh em ông có lẽ nhờ “gen” ông ngoại, một người rất am hiểu nghệ thuật âm nhạc dân gian, từng được triều đình Huế vời ra dạy cho các nhạc công. Nguyễn Tuân có vóc dáng hơi thấp, hao hao giống người Nhật. Thời học ở Trường Văn hóa kháng chiến khu 5, bạn bè thấy vậy gán cho ông cái tên “Nhật Lai”, gọi đùa chẳng ngờ từ đó lại trở thành tên chính thức. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, năm 14 tuổi đã thoát ly gia đình và lên hoạt động ở vùng đất Krông Pa. Ông hòa mình vào cuộc sống như một người bản địa. Một bức ảnh chụp Nhật Lai đóng khố, cởi trần, đi chân đất đã chứng tỏ điều đó.

Nhạc sĩ Nhật Lai (bên trái) và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ chụp hình lưu niệm năm 1976 (ảnh tư liệu).

Nhạc sĩ Nhật Lai (bên trái) và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ chụp hình lưu niệm năm 1976 (ảnh tư liệu).

Ông nói thạo tiếng Jrai, am hiểu sâu sắc vốn văn hóa, nhất là vốn âm nhạc dân gian Tây Nguyên. Tài năng thiên phú cộng với vốn sống và kho tàng âm nhạc dân gian lĩnh hội được, dù không qua nhạc viện chính quy nào, chỉ từ người thầy đầu tiên là nhạc sĩ Vân Đông rồi nỗ lực tự học là chính, ông vẫn để lại cho đời một di sản âm nhạc vô cùng phong phú, đủ thể loại. Sáng tác cho múa có thể kể đến như: “Rông chiêng”, “Đi săn”, “Phiên chợ Chăm Pa”, “Tiếng trống Chăm Hroi”. Sáng tác cho ca kịch, ca cảnh có: “Mơnông Tipri”, “Ama Trang Lơng”, “Thử lửa”. Sáng tác cho khí nhạc có: “Suối đàn t’rưng”, “Vũ khúc Tây Nguyên”, “Giao hưởng đất lửa”... Nhạc kịch có “Bên bờ Krông Pa”... Hàng chục ca khúc sáng tác cho thanh nhạc: “Đợi chờ”, “Cánh chim lạc đàn”, “Hà Tây quê lụa”, “Mặt trời Ê Đê”... Ông còn sưu tầm, chỉnh lý hàng chục bài dân ca Jrai, Bahnar, Ê Đê, Hrê; sáng tác nhạc cho phim... Điều đáng nói là các tác phẩm của Nhật Lai hầu hết đều đậm chất liệu âm nhạc dân gian Tây Nguyên. Trước Nhật Lai, không chỉ giới âm nhạc phương Tây mà cả công chúng miền Bắc cũng chưa biết gì nhiều về âm nhạc Tây Nguyên. Về điều này xin kể một câu chuyện: Năm 1982, Nhật Lai và nhạc sĩ Hoàng Vân được chọn đi dự Hội trại sáng tác tổ chức tại Ivanova (Liên Xô). Tham gia hội trại có nhiều cường quốc âm nhạc như Ba Lan, Đức, Anh, Italia với nhiều tên tuổi tầm cỡ thế giới. Đề tài “Các làn điệu dân ca của các dân tộc Tây Nguyên” do nhạc sĩ Hoàng Vân diễn giải, Nhật Lai minh họa kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ (quy định chỉ 40 phút) đã gây ấn tượng mạnh mẽ. Giới âm nhạc phương Tây đã nhận ra sự khác biệt không hề có trong âm nhạc Trung Quốc, Triều Tiên, Indonesia. Một vị giáo sư thán phục hỏi: “Chắc là ông đã tốt nghiệp một nước nào đó ở phương Tây?”. Nhật Lai cười: “Vâng, tôi đã tốt nghiệp ở Tây nhưng mà là... Tây Nguyên!”.

2. Vợ đầu của nhạc sĩ Nhật Lai là Châu Ngọc Lệ, diễn viên múa người Khmer, cưới năm 1960. Được 9 năm thì chị mất để lại cho ông một đứa con gái. Năm 1973, ông tái hôn với bà Hồ Thị Khai. Bà Khai kể: Bà là người dân tộc Vân Kiều, vốn tên là Kha-Y nhưng đọc tách ra nghe kho khó, bạn bè đọc liền chữ, thế là thành Khai... Ngày tập kết ra Bắc, Khai là một cô bé 13 tuổi đen nhẻm, tiếng phổ thông không biết, không ai muốn gần. Bà Châu Ngọc Lệ thấy vậy nên thương, nhận làm em kết nghĩa. Tháng 6-1969, sau khi hoàn thành khóa học âm nhạc ở Albani về nước thì bà nghe tin bà Lệ đã bị bệnh nặng qua đời. Đến viếng chị, bà Khai rớt nước mắt. Cô bé Nguyễn Chung Ly lúc này mới lên 8 tuổi. Cảnh gà trống nuôi con của nhạc sĩ Nhật Lai thật tội nghiệp. Coi bổn phận của mình là người em gái, bà Khai tận tình chăm sóc bé Ly... Dù coi mình là người em gái trong gia đình nhưng trước đó Khai cũng chỉ hiểu anh chừng mực. Bây giờ ở gần, Khai mới hiểu rõ tài năng, nghị lực và đức độ của anh. Và, tình yêu đến lúc nào không biết. Mặc dù nhạc sĩ Nhật Lai lớn hơn 15 tuổi nhưng bà Khai không hề thấy khoảng cách, ngược lại luôn thấy mình được tắm trong tình yêu bao dung, độ lượng của anh. Bà Khai bản tính vốn vụng về, quen sống tập thể, việc nội trợ rất dở, thậm chí nấu cơm cũng dở. Mọi việc bếp núc ông Nhật Lai nhận làm tất. Suốt 15 năm chung sống, chưa bao giờ ông to tiếng với vợ con.

Cuối năm 1986, nhạc sĩ Nhật Lai và nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương được mời tham gia Liên hoan âm nhạc các nước xã hội chủ nghĩa tổ chức tại Riga-thủ đô nước Cộng hòa Latvia. Tác phẩm ông mang theo là bản giao hưởng “Giọt lệ”. Tác phẩm này, Nhật Lai viết cho dàn nhạc trong nước. Sang Riga, bạn yêu cầu mở rộng tác phẩm cho phù hợp với quy mô của dàn giao hưởng lớn. Mùa đông ở Riga rất lạnh, Nhật Lai vốn bị bệnh thận và cao huyết áp, món ăn bạn lại không phù hợp khiến ông nổi cơn đau. Dù vậy, ông vẫn cố nén đau để làm việc, sao cho trong vòng 1 tuần phải xong tác phẩm để kịp dàn dựng. Cuối cùng thì tác phẩm cũng hoàn thành. “Giọt lệ” như là một điềm dự cảm. Hôm công diễn Nhật Lai ứa nước mắt, ông không ngờ mình lại có thể viết hay đến thế... Trưa thứ bảy, ông về tới nhà. 4 giờ chiều hôm đó, ông lên cơn đau nhưng vẫn không chịu đi bệnh viện. Mãi hôm sau mới được đưa vào Bệnh viện Việt-Xô cấp cứu thì không còn kịp nữa.

Nghệ sĩ Siu Phích còn nhớ: Buổi chiều hôm đó trước khi đi công diễn, ông và anh chị em trong đoàn vào thăm. Nhạc sĩ mời kẹo và anh em mỗi người một điếu thuốc lá ngoại. Lúc bắt tay tạm biệt, thấy bàn tay Nhật Lai lạnh ngắt, ông thấy như linh tính một điều gì đó. Quả nhiên lúc vào tới Thanh Hóa thì nhận được tin nhạc sĩ đã mất. Hôm đó là ngày mùng 5 tháng 1 năm 1987.

3. Với ý định giữ gìn di sản âm nhạc quý giá của ông, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã cho người đến đem các tác phẩm của ông về Hội. Bà Khai kể: Số lượng các tác phẩm chưa kịp dàn dựng, công bố của Nhật Lai còn rất nhiều. Sau khi ông mất, bà gom lại chất vào cả mấy bao tải. Tiếc là vì người truyền đạt không rõ ràng nên bà không đồng ý. Rồi trong lúc quá đau buồn, bà đã đem đốt cả 3 bao tải bản thảo của ông. Còn lại 2 vali đựng đầy bản thảo, năm 1992 khi vào TP. Hồ Chí Minh với con gái lớn, kẻ cắp tưởng là đồ ăn được đã lấy mất một chiếc trong lúc bà đi tàu…

Năm 2002, nhạc sĩ Nhật Lai được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, một sự tôn vinh xứng đáng cho cuộc đời sáng tạo âm nhạc của ông.

NGỌC TẤN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8302/202209/nhac-si-nhat-lai-trong-ky-uc-nguoi-than-be-ban-5788961/