Nhạc sĩ Hồng Đăng: Người về với biển

Nhạc sĩ Hồng Đăng (1936-2022) đã về với biển, đó có thể là Yên Thành (Nghệ An) quê ông, hay cũng có thể là vùng biển nào đó trên dọc dài Tổ quốc thân yêu. Những ngày này, để chia tay người nhạc sĩ tài hoa này, đâu đó người ta lại hát lên những giai điệu trong bài hát nổi tiếng 'Biển hát chiều nay' của ông: 'Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam/ Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng/ Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương…'.

Nhạc sĩ Hồng Đăng. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Nhạc sĩ Hồng Đăng. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Có thể cảm nhận rõ 2 mảng sáng tác nổi bật trong những ca khúc của nhạc sĩ Hồng Đăng là về Hà Nội và về biển. Về Hà Nội, ai cũng từng nao lòng trước những giai điệu trữ tình, da diết trong bài hát “Hoa sữa”: “Em vẫn từng đợi anh/ Như hoa từng đợi nắng/ Như gió tìm rặng phi lao/ Như trời cao mong mây trắng...”. Và Hà Nội đã “tri ân” ông bằng Giải thưởng Lớn - hạng mục quan trọng nhất trong Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” vào năm 2021.

Về biển, ông là tác giả của nhiều bài hát nổi tiếng như “Biển hát chiều nay”, “Lênh đênh”, “Nỗi nhớ đêm đại dương”, “Biển và cô gái tôi chưa quen”, “Đảo xa”, “Hạ Long mây trắng”... Điều đặc biệt là hầu hết những ca khúc này đều được ông sáng tác dành cho phim. Như ca khúc “Lênh đênh” cho phim “Đời hát rong”, ca khúc “Nỗi nhớ đêm đại dương” cho phim “Những hạt muối của biển”, ca khúc “Biển và cô gái tôi chưa quen” cho phim “Những ngôi sao nhỏ” và đặc biệt là ca khúc “Biển hát chiều nay” cho nhiều phim về đề tài biển.

“Biển hát chiều nay” là bài hát với giai điệu trữ tình, tràn đầy niềm tự hào, gợi lên tinh thần lạc quan, tình yêu tha thiết của một người con đất Việt với biển quê hương. Nhiều câu hát trong “Biển hát chiều nay” khiến tâm hồn người nghe rung động, xuyến xao: “Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam/ Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng/ Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương...”, tới sự liên tưởng “Mỗi một tình yêu mỗi một cuộc đời/ Qua bao nhiêu thăng trầm lửa thử vàng mới nên người” và “Biển xanh vẫn nhắc những lời yêu thương/ Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương”.

Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha khẳng định, “Biển hát chiều nay” là ca khúc mang triết lý nhân loại, gửi thông điệp rằng, nhân loại nên quên đau thương đi để tiến tới tương lai. Nghệ sĩ Ưu tú Minh Thu (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long) là người thể hiện rất thành công ca khúc “Biển hát chiều nay” và chính nhạc sĩ Hồng Đăng cũng từng khẳng định: “Biển hát chiều nay” rất hợp với chất giọng của Minh Thu. Nữ ca sĩ Minh Thu từng bộc bạch: “Giai điệu ca khúc luôn khiến tôi thấy tự hào, hạnh phúc, thấy dịu đi những bức bối bon chen đời thường. Mỗi khi hát “Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam/ Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng”, trong tôi lại dạt dào tình cảm với sóng biển, với con thuyền, với từng hạt cát... Tất cả đều là tài sản của quốc gia, dân tộc. Tôi thấy mình thêm quý trọng từng tấc đất non sông”.

Nhạc sĩ Hồng Đăng vốn sinh ra ở một vùng quê có biển và biển dường như đã trở thành một điều gì đó vô cùng thân thuộc, gắn bó trong đời sống và tâm hồn của ông. Biển đẹp, hiền hòa và dữ dội. Nó ẩn giấu những ký ức và khai mở những tâm hồn. Vùng đất khắc nghiệt miền Trung quê ông được thiên nhiên bù đắp cho đường bờ biển dài, tươi đẹp. Và biển đã ám ảnh, thôi thúc ông trong những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng nhưng cũng rất hùng tráng. “Tuổi thơ của tôi cũng gắn liền với biển. Đêm về, tôi vẫn còn nằm nghe tiếng biển. Biển đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm thức của tôi” - ông từng tâm sự.

Cũng theo nhạc sĩ Hồng Đăng, lúc sinh thời, ông từng nhận được điện thoại của nhiều khán giả gọi đến chia sẻ “Biển hát chiều nay” là một bài hát xúc động. Hơn lúc nào hết, tình yêu đất nước, yêu Tổ quốc được nhắc đến theo một cách riêng, tình yêu - nhìn từ biển, đảo quê hương. Ông đã viết các tác phẩm về biển không chỉ xuất phát từ cảm hứng của một người nghệ sĩ mà sâu thẳm còn là một tình yêu lớn dành cho biển quê hương. Với ông, con người Việt Nam cũng như biển, lúc nào cũng sẵn sàng đương đầu với sóng gió phong ba.

“Lênh đênh” là ca khúc như đã vận vào số mệnh của ông vậy. Nhưng thật may, cuối đời, ông đã tìm được bến đỗ bình yên, hay theo cách nói của ông là “cái kết có hậu” khi gặp bà Lê Anh Thúy - người đã đồng hành cùng ông trong nhiều năm qua. Gia đình ông từng làm đêm nhạc mang tên “Lênh đênh” ở Nhà hát Lớn Hà Nội và Nhà hát Hòa Bình (thành phố Hồ Chí Minh), thế nhưng, điều mong mỏi của ông lúc sinh thời là làm đêm nhạc ngay tại quê nhà Nghệ An vẫn chưa thể thực hiện được. Và điều tiếc nuối hơn nữa là ông đã cùng tác giả “Bài ca hy vọng” - nhạc sĩ Văn Ký sẽ không có cơ hội để có thể được chứng kiến giây phút hạnh phúc của cuộc đời, đó là nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật trong đợt tới này (năm 2021, ông cùng 4 nhạc sĩ khác là Phạm Minh Tuấn, Trần Quý, Văn Ký, Đinh Quang Hợp có tên trong danh sách đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật).

Nhạc sĩ Hồng Đăng đã về với biển và vẫn hát lên những lời yêu thương trong lòng những người nghe nhạc của ông, yêu nhạc của ông...

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhac-si-hong-dang-nguoi-ve-voi-bien-post449313.html