Nhà vật lý Nga gốc Đức và quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô

Gần đây, Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Nga 'Rosatom' đã công bố một loạt tài liệu mới được giải mật liên quan đến giai đoạn phát triển đầu tiên của ngành công nghiệp hạt nhân Liên Xô. Tập đoàn Nhà nước đã giới thiệu những tờ khai của các chuyên gia Đức lần đầu tiên tham gia phát triển vũ khí nguyên tử dưới thời Adolf Hitler, và sau đó giúp các nhà khoa học Liên Xô chế tạo bom nguyên tử.

Trong số các tài liệu được công bố trên trang web của “Rosatom”, có những tờ khai “mang ý nghĩa đặc biệt” của 6 nhà vật lý Đức từng đoạt giải Nobel Vật lý: Gustav Hertz, Nikolaus Riehl, Manfred von Ardenne, Peter Thiessen, Heinz Pose và Georg Robert Dopel. Họ điền vào những tờ khai này bằng tiếng Nga và tiếng Đức trong thời kỳ sau chiến tranh.

Theo các nhà sử học Liên Xô, các nhà vật lý nói trên đã được đưa khỏi nước Đức vào năm 1945, ngay sau khi Joseph Stalin quyết định thành lập Ủy ban Đặc biệt về chế tạo bom nguyên tử trong thời gian ngắn nhất ở Liên Xô vào ngày 20/8/1945. Ủy ban này do Lavrenty Beria đứng đầu.

Lavrenty Beria, người đứng đầu Dự án chế tạo bom nguyên tử của Liên Xô.

Đến ngày 1/7/1948, có 324 chuyên gia Đức tham gia Dự án chế tạo bom nguyên tử của Liên Xô, 108 người trong số họ đến từ Đức, 216 người là tù nhân chiến tranh. Trong tổng số chuyên gia Đức có khoảng 50 người là giáo sư và tiến sĩ khoa học, phần lớn họ làm việc theo hợp đồng.

Đến cuối năm 1946, Trung tâm Hạt nhân thống nhất đầu tiên “Arzamas-16” được thành lập ở tỉnh Nizhny Novgorod (nay là thành phố Sarov). Năm 1947, với sự giúp đỡ của các nhà khoa học nói trên, Liên Xô đã chế tạo được lò phản ứng nguyên tử đầu tiên và 2 năm sau đã thử nghiệm bom nguyên tử RDS-1 tại bãi thử nghiệm ở tỉnh Semipalatinsk (nay thuộc nước cộng hòa Kazakhstan).

Tất cả những sự kiện nêu trên đã được nhiều người biết đến. Ở đây chúng tôi chỉ xin lưu ý hai điểm: thứ nhất, các nhà vật lý Đức được đưa khỏi nước Đức không phải sau khi thành lập Ủy ban Đặc biệt về chế tạo bom nguyên tử của Liên Xô, mà là hai tháng trước đó; và thứ hai, điều này thường được giữ bí mật, người đóng một trong những vai trò chủ chốt trong việc chế tạo vũ khí nguyên tử của Liên Xô không phải là nhà khoa học Đức, như “Rosatom” viết, mà là nhà khoa học tài năng người Nga gốc Đức Nikolaus Riehl (1901 - 1990).

Cuộc đời của con người này có rất nhiều bước ngoặt và sự trùng hợp khó tin, đến mức có thể viết thành tiểu thuyết trinh thám. Riêng nguồn gốc xuất thân Đức-Do Thái đủ nói lên điều đó! Không có gì ngạc nhiên khi trong những bức thư và bài phát biểu của ông, các cụm từ “tấm lòng thủy chung của người Đức” và “trái tim vàng của người Do Thái” thường song hành với nhau.

Nhà vật lý Nga gốc Đức Nikolaus Riehl.

Ông ra đời ở Saint- Petersburg ngày 5/12/1901 trong một gia đình lai Đức-Do Thái. Bố ông là Wilhelm Riehl (1867 - 1933), sinh ra ở Hamburg, từng là kỹ sư tại nhà máy kỹ thuật điện của hãng “Siemens & Halske” ở Saint- Petersburg từ năm 1884 đến năm 1917. Mẹ ông là Elena Kagan (1872 -1927), xuất thân từ một gia đình bác sĩ Do Thái, đã chuyển sang Cơ đốc giáo sau khi lấy chồng. Theo thông tin từ sổ rửa tội, sau khi chào đời, cậu bé đã được “rửa tội ngày 3/6 tại Nhà thờ Bá tước Vladimir” và được đặt tên là Nikolaus. Cho đến nay, chưa ai giải thích vì sao ông được rửa tội không phải vào ngày thứ 40 sau khi sinh theo phong tục ở Nga, mà rất lâu sau đó.

Hồi nhỏ, giống như nhiều đứa trẻ Saint-Petersburg khác trong các gia đình Đức, Nikolaus Riehl vào học trường phổ thông Đức nổi tiếng Petrischule, nơi ông tốt nghiệp năm 1919. Từ năm 1920 đến năm 1926, ông học tại Đại học Bách khoa Petrograd mang tên Pyotr Đại đế (sau này là Đại học Bách khoa Leningrad mang tên M. I. Kalinin). Tiếp đó, bắt đầu cái mà chúng ta gọi là những bước ngoặt khó tin trong cuộc đời của ông.

Theo các nguồn tin, trong khuôn khổ hợp tác Đức-Liên Xô, Nikolaus Riehl đã nghiên cứu vật lý và hóa học hạt nhân trong nhiều học kỳ tại trường đại học mang tên vua Phổ Friedrich Wilhelm III Berlin (trường được thành lập trong thời kỳ trị vì của nhà vua).

Các nguồn tin không nói tại sao chính chàng trai này lại được chọn và cử đi du học ở Đức. Phải chăng vào cuối Thế chiến thứ nhất, cả bố và mẹ anh đều trở về Đức? Hay việc Nikolaus nói thông thạo cả tiếng Nga và tiếng Đức có đóng vai trò gì đó? Rất có thể, câu trả lời vẫn còn lưu giữ trong các tài liệu của cơ quan tình báo Nga. Dù thế nào đi nữa, năm 1927, tại trường đại học ở thành phố Essen, Nikolaus đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ hóa học phóng xạ về đề tài “Sử dụng bộ đếm Geiger - Muller để phát hiện và đo bức xạ ion hóa hạt beta”. Những người hướng dẫn khoa học của ông là nhà vật lý hạt nhân Do Thái Lise Meitner và nhà hóa học phóng xạ Đức Otto Hahn (giải thưởng Nobel Hóa học năm 1944).

Giáo sư Manfred von Ardenne, một cộng sự gần gũi của Nikolaus Riehl.

Năm 1933, Nikolaus Riehl kết hôn với Lisa Przubula, 19 tuổi, con gái của nhà hóa học Franz Przubula và bà Agnes. Ngay lúc bấy giờ, con đường của Nikolaus Riehl và của nhà nghiên cứu Đức nổi tiếng, nam tước Manfred von Ardenne nói trên đã gặp nhau. Dưới thời Đức Quốc xã, Manfred von Ardenne được phong học hàm giáo sư và là một trong những nhân vật chủ chốt trong “Dự án Uranium” của Đức. Từ năm 1933, Nikolaus Riehl bắt đầu làm việc tại phòng thí nghiệm của Manfred von Ardenne ở Lichterfeld, ngoại ô Berlin (hiện nay là biệt thự Folke Bernadotte).

Cả giáo sư Manfred von Ardenne và Nikolaus Riehl đều hợp tác với hãng “Auer-Gesellschaft” ở Berlin, chuyên nghiên cứu các vấn đề y học. Hãng này quan tâm đến việc áp dụng các phương pháp phóng xạ của Nikolaus Riehl vào mục đích điều trị. Những động cơ cao cả đó đã thôi thúc Nikolaus Riehl. Thời gian này, Nikolaus Riehl làm quen với một nhà khoa học khác, giáo sư Karl Zimmer, tình bạn của họ vẫn tiếp tục trong suốt quãng đời sau này.

Trong lời nói đầu cuốn sách của mình “10 năm trong chiếc lồng vàng”, Nikolaus Riehl nhận xét: “Sau khi phát hiện ra phản ứng phân hạch uranium, việc nghiên cứu công nghệ sản xuất uranium tinh khiết cho năng lượng hạt nhân trở nên thú vị hơn đối với tôi, nhất là khi hãng “Auer - Gesellschaft” đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ-hóa chất như vậy”. Và tiếp theo: “Như vậy, cuộc sống của tôi giống như một con lắc dao động giữa vật lý và hóa học, giữa khoa học và kỹ thuật, giữa kinh doanh và nghiên cứu, đó là lý do tại sao đôi khi tôi tự gọi mình là “nhân viên cửa hàng bách hóa”.

Sau khi Đức Quốc xã ban hành luật chủng tộc Nuremberg, những kẻ phân biệt chủng tộc đã kiểm tra nguồn gốc Do Thái của các quan chức chính phủ gần như đến thế hệ thứ ba. Nhưng không hiểu sao Nikolaus Riehl bị bỏ qua. Trong cuốn sách nói trên, chỉ một câu duy nhất thoáng qua: “Tôi nhớ rằng chỉ vài ngày sau Cách mạng Tháng Mười, các nhân viên an ninh đối xử rất tốt với tôi, còn Gestapo nhìn tôi với ánh mắt trịch thượng”.

Thế nhưng dòng máu của người mẹ Do Thái vẫn chảy trong huyết quản của ông! Rõ ràng, nguyên tắc do Heinrich Himmler, thành viên hàng đầu của đảng Quốc xã, đưa ra (hoặc người ta gán cho y) phát huy hiệu lực: “Ai là người Do Thái, chỉ có tôi mới xác định được!”.

Kể từ năm 1937, các mục tiêu tài trợ cho khoa học đã thay đổi đáng kể. Chúng được tập trung vào các chương trình nâng cao hiệu quả chiến đấu của quân đội Đức và chế tạo các loại vũ khí mới. Hãng “Auer-Gesellschaft” đã đồng ý tài trợ cho việc xây dựng máy phát neutron nhanh. Một máy phát điện như vậy được chế tạo với sự tham gia của Karl Zimmer, Nikolay Timofeev-Resovsky và Nikolaus Riehl tại Viện Nghiên cứu não bộ mang tên Kaiser-Wilhelm vào mùa hè năm 1939.

Khi lò phản ứng hạt nhân được xây dựng và bắt đầu thử nghiệm, quân đội Liên Xô tiến gần Berlin. Người ta buộc phải tháo lò phản ứng hạt nhân và chuyển đến địa điểm khác.

Pyotr Kapitsa - nhà vật lý học lỗi lạc của Liên Xô.

Tại sao người Đức không kịp thời chế tạo được vũ khí nguyên tử? Ý kiến của Nikolaus Riehl với tư cách là người ở trung tâm của các sự kiện hết sức thú vị: “Đôi khi có ý kiến cho rằng nhiều nhà khoa học Đức đã cố ý hoặc vô tình làm chậm quá trình, thay vì giúp chế độ Hitler chế tạo ra một vũ khí chết người như bom nguyên tử. Lời giải thích này không hoàn toàn sai, nhưng chưa phải là đầy đủ. Một nhà nghiên cứu có lòng say mê khoa học hoặc quan tâm đến những cải tiến kỹ thuật khó có thể cưỡng lại sức hấp dẫn của một dự án như vậy. Với áp lực mạnh mẽ và sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía chính phủ, người Đức có thể tiến xa hơn. Tôi tin rằng tiến độ triển khai chậm chạp dự án uranium chủ yếu xuất phát từ sự thiếu quan tâm của Hitler và các đồ đệ của y...".

Điều tương tự cũng đã xảy ra ở Liên Xô. Ví dụ, Nikolaus Riehl giải thích thái độ hằn học của Lavrenty Beria đối với Pyotr Kapitsa khiến nhà khoa học Nga xuất chúng không muốn tham gia vào một dự án nguyên tử rất nguy hiểm đối với con người.

Còn ở Berlin các sự kiện đã diễn ra như sau. Karl Zimmer, một trong những nhà vật lý Đức đầu tiên bị các nhân viên Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô - NKVD bắt ở Berlin. Ông buộc phải chỉ ra chỗ ở của Nikolaus Riehl, lúc bấy giờ ở Rheinsberg, nơi chất thải của nhà máy sản xuất uranium nguyên chất được chuyển đến.

Theo hồi ức của Nikolaus Riehl, một hôm, có hai người mặc quân phục đại tá Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô đến gặp ông. Thực ra, như sau này ông mới biết, đó là hai nhà vật lý lỗi lạc của Liên Xô, Lev Artsimovich, người sau này trở nên nổi tiếng nhờ các nghiên cứu trong lĩnh vực nhiệt hạch, và Georgy Flyorov, người cùng với Petrzhak và Kurchatov phát hiện ra sự phân hạch tự phát (nghĩa là không bị bắn phá bởi neutron).

Họ mời Nikolaus Riehl đến trụ sở của Hồng quân Liên Xô để nói chuyện khoảng mười phút. “Đội chiếc mũ lưỡi trai quân đội quá rộng, trông nhà vật lý lỗi lạc Yuly Khariton rất buồn cười. May thay, đôi tai của ông ấy vểnh lên, nên cái đầu nhỏ của nhà khoa học không bị che khuất dưới chiếc mũ lưỡi trai”. “10 phút đã biến thành 10 năm”, - Nikolaus Riehl sau này viết.

Đầu tiên, Nikolaus Riehl và các cộng sự của ông được đưa đến trụ sở của Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô ở quận Friedrichshagen của Berlin, sau đó, đầu tháng 6 năm 1945, cùng với thiết bị của nhà máy chế biến uranium, họ được chuyển đến Liên Xô.

Kim Thanh Hằng

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/nha-vat-ly-nga-goc-duc-va-qua-bom-nguyen-tu-dau-tien-cua-lien-xo-i726522/