Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: 'Nghĩ về ngày 30-4-1975, nước mắt tôi lại trực trào ra'

'Trưa ngày 30-4-1975, với tư cách là lính cao xạ, tôi có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất, trường đua Phú Thọ và cảm nhận được niềm vui chiến thắng. Nhớ lại khoảnh khắc đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông liền một dải, nước mắt tôi lại trực trào ra vì hạnh phúc' - nhà văn Nguyễn Văn Thọ, người có mặt tại Sài Gòn ngày 30-4-1975 chia sẻ.

1. Đến thăm nhà văn Nguyễn Văn Thọ trong căn nhà khang trang có nhiều cây xanh ở làng Ngọc Hà, bất cứ ai cũng bị “cuốn” vào những câu chuyện mà ông kể. Nhà văn từng “vào sinh ra tử” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có gần 30 năm sinh sống tại Đức, đủ trải nghiệm, sự hiểu biết, lại thêm tài ăn nói thực sự có duyên. Trên gương mặt ông hôm ấy lấp lánh niềm vui, sự hạnh phúc khi vừa được phong tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật. Đặc biệt, em trai của ông là đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thước cũng vinh dự được nhận giải thưởng cao quý này cùng đợt với ông.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ là người đa tài, ông không chỉ làm thơ, viết kịch, sáng tác ca khúc mà còn vẽ tranh.

Để hai anh em ông có thành quả ngọt ngào như ngày hôm nay, không thể không kể đến sức ảnh hưởng từ người cha quá cố, người từng theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) với các họa sĩ hàng đầu Việt Nam. Chính cha ông đã truyền tình yêu nghệ thuật để sau này 2 trong số 5 người con đã theo nghệ thuật. Riêng Nguyễn Văn Thọ mơ ước trở thành một kỹ sư điện nhưng chiến tranh đã “kéo” ông đi theo hướng khác.

“Tôi nhập ngũ ngày 10-7-1965, khi mới học xong lớp 10. Hồi ấy không khí tòng quân sục sôi khắp miền Bắc, chúng tôi rất muốn mang sức trẻ, sự nhiệt huyết để thống nhất non sông. 10 năm trực tiếp cầm súng bảo vệ bầu trời, tôi đã đối mặt với những phút giây sinh tử nhưng rồi số phận đã mỉm cười để tôi được sống và trở về lành lặn” - nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhớ lại.

2. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ bộc lộ năng khiếu nghệ thuật từ những năm tháng đôi mươi. Ông làm thơ, viết kịch, sáng tác ca khúc, có nhiều tác phẩm được biểu diễn trong các chương trình văn nghệ phục vụ chiến sĩ. Tuy nhiên, tác phẩm văn học của ông xuất hiện trên văn đàn khá muộn - năm 1985 - khi ông có truyện ngắn “Rồi chúng con sẽ trở lại quê hương” đăng trên Báo Văn nghệ. Truyện ngắn nói về những người lính trẻ tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh với niềm khát khao nước nhà được thống nhất, họ được trở về trong vòng tay yêu dấu của cha mẹ, quê hương. Mới đây, bản gốc truyện ngắn này đã xuất hiện trong triển lãm “Echos from brother lands” - một triển lãm về những tác phẩm của công nhân Việt Nam từng làm việc tại Đức.

Trong truyện ngắn đó, ông viết: “Ai đã từng trải qua, dù chỉ một lần nghe tiếng đạn rít bên mình, phải ép sát thân mình nằm dán xuống mặt đất, phải một lần nhất loạt cùng anh em đồng chí của mình chồm dậy lao thẳng về phía quân thù, người ấy dễ dàng đồng ý rằng, trong chiến tranh có thể gặp không ít sự may mắn, may mắn một cách kỳ lạ”.

Ở đoạn cuối truyện ngắn, ông khiến nhiều người ứa nước mắt: “Vậy mà ở nơi đây, mới cách đây chục ngày, bọn địch đã giết chết nhiều đồng đội của con. Những người mà bấy nay, với con, họ đối xử như anh em ruột thịt. Họ cũng có cha mẹ và chắc chắn người mẹ của họ cũng ngày ngày mong ngóng con cái trở về. Thưa mẹ, con chưa thể về ngay được, mong mẹ hiểu cho con. Tới ngày chiến thắng hoàn toàn, chúng con sẽ trở về với quê hương, với mẹ yêu của con nhé...”.

Nguyễn Văn Thọ viết nhiều truyện ngắn về chiến tranh, như “Lời hứa của chiến tranh”, “Mùi thuốc súng”... Viết về chiến tranh với độ lùi khá xa về mặt thời gian đã giúp ông có thêm trải nghiệm, vốn sống để nhìn nhận cuộc chiến một cách thấu suốt. Ông viết với tâm thế của một người trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến, là một phần của cuộc kháng chiến nhưng đồng thời ông cũng viết dưới góc nhìn của thế hệ hôm nay nhìn lại cuộc chiến.

“Phần lớn những tác phẩm văn học của tôi ra đời trong những năm tháng tôi sinh sống và làm việc tại Đức. Trong gần 30 năm tại xứ người, tôi thấy nhớ quê hương bản quán vô cùng và tôi muốn ghi lại cuộc chiến bằng cách nhìn đầy mới mẻ. Ở đó, tôi viết về những cốt cách cao đẹp của người lính Cụ Hồ; tình đồng chí, đồng đội máu thịt, keo sơn; tình quân dân khăng khít, bền chặt như “cá với nước”, Nguyễn Văn Thọ chia sẻ...

3. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng nhận xét: “Dù viết về đề tài chiến tranh, nước ngoài, dã sử, Hà Nội và Hà Nội xưa, Nguyễn Văn Thọ cũng đều tạo được dấu ấn. Anh luôn lăn lộn, gần gũi với đời sống nhân dân, lặn ngụp tận đáy xã hội nên anh hiểu mọi ngóc ngách của đời sống, đặc biệt là số phận mong manh của những kiếp người nhỏ bé”.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

Không chỉ viết về chiến tranh, Nguyễn Văn Thọ còn có những tác phẩm hội họa nói về chiến tranh bằng sự xúc động và lòng tri ân. Bức tranh “Lịch sử” khổ lớn được treo trang trọng tại phòng khách của ông là một ví dụ. Bức tranh vẽ cổng Cửa Bắc gợi nhắc hình ảnh Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết khi để mất thành, hình ảnh của đoàn quân đi theo hình chữ S Nam tiến với khí thế hừng hực, hình ảnh của những văn nghệ sĩ có đóng góp lớn cho cuộc chiến giải phóng dân tộc cũng như có một tình yêu lớn với Hà Nội: Nhà văn Tô Hoài, nhà văn Kim Lân, nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhạc sĩ Phú Quang. Trước cổng thành là một khung cảnh hiện đại, nhuốm màu của hạnh phúc, ấm no như cảnh những cô gái Hà thành thướt tha trong tà áo dài, cảnh nam thanh nữ tú tay trong tay dạo phố, các em nhỏ nô đùa bên các bạn... Thông qua bức tranh, ông nhắc nhở mỗi người không quên quá khứ hào hùng của dân tộc, của những thế hệ đã hy sinh máu xương cho Tổ quốc.

Từng có thời gian dài bỏ bẵng văn chương nhưng rồi nhà văn Nguyễn Văn Thọ lại tìm lại nó, cho ra đời những tác phẩm văn học nổi bật. Riêng về đề tài chiến tranh, văn chương đã giúp ông như thêm một lần nữa được tham gia vào cuộc chiến mà mình đã trải qua. Từ đó, ông có thể nhìn rõ hơn, soi xét kỹ hơn bản thân cũng như dân tộc mình để tựa vào và tìm lấy cho riêng mình một con đường sống tốt đẹp, lương thiện, tử tế và nhân ái. Còn vẽ tranh, với ông như một khoảng lặng khi thiền, một cuộc dạo chơi để lấy lại cân bằng và tìm thấy vẻ đẹp của cuộc sống đa sắc màu.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ sinh năm 1948 tại huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. Ông là tác giả của tiểu thuyết “Quyên” viết về cô gái tên Quyên, gốc Hà Nội sang xuất khẩu lao động tại Đức. Tiểu thuyết “Quyên” đã đoạt giải Nhì Cuộc thi tiểu thuyết giai đoạn 2006 - 2009 của Hội Nhà văn Việt Nam và là tác phẩm mang đến cho ông Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật. Ngoài ra, ông còn có truyện ngắn “Muối mặn” đã được nhà viết kịch Lưu Quang Vũ chuyển thể thành vở chèo “Muối mặn đời em” giành Huy chương Vàng trong Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc năm 1984.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nha-van-nguyen-van-tho-nghi-ve-ngay-30-4-1975-nuoc-mat-toi-lai-truc-trao-ra-665008.html