Nhà văn Milan Kundera qua đời

Milan Kundera, tác giả của 'Đời nhẹ khôn kham' vừa qua đời hôm qua tại căn hộ riêng ở tuổi 94.

 Nhà văn Milan Kundera. Ảnh: Micheline Pelletier.

Nhà văn Milan Kundera. Ảnh: Micheline Pelletier.

Milan Kundera, nhà văn quen thuộc với bạn đọc Việt Nam qua tác phẩm Đời nhẹ khôn kham vừa qua đời vào ngày 11/7.

Thông tin được xác nhận bởi Anna Mrazova, phát ngôn viên của Thư viện Milan Kundera. Theo đó, ông mất trong căn hộ của mình tại Paris sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật.

Kundera sinh ngày 1/4/1929 tại Brno, Tiệp Khắc (nay là cộng hòa Czech) trong một gia đình gắn liền với văn hóa nghệ thuật. Ông tốt nghiệp trung học tại Brno năm 1948. Sau đó, ông theo học văn học và mỹ học tại khoa Nghệ thuật tại Đại học Karlova ở Praha, nhưng chỉ sau hai học kỳ, ông chuyển sang khoa Điện ảnh tại Học viện Nghệ thuật biểu diễn Praha, ban đầu ông đăng ký học đạo diễn và viết kịch. Năm 1950 ông bị buộc dừng học vì các lý do chính trị.

Sau khi tốt nghiệp vào năm 1952, Kundera được bổ nhiệm làm giảng viên văn học thế giới tại khoa Điện ảnh. Kundera sống tại Pháp từ năm 1975. Tại đây, ông đã viết những tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, bao gồm Đời nhẹ khôn kham, Điệu valse giã từ, Sự bất tử, Căn cước, Chậm rãi, Bản nguyên...

Văn chương của Kundera thường mang một thái độ mỉa mai, giễu cợt nhưng cũng đầy sắc sảo, lạnh lùng và tỉnh táo. Ông viết về nhiều chủ đề khác nhau, nhưng gần như mỗi tác phẩm đều để lại một ấn tượng nơi độc giả là nỗi ám ảnh về việc mất danh tính trong thế giới thực tại, như thể một kẻ tha hương luôn muốn tìm lại "căn cước" của mình.

Ông được trao Giải thưởng Franz Kafka vào năm 2020 và từ đó ông càng được xem là một trong những ứng cử viên sáng giá cho giải Nobel văn học.

Trong cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông, Lễ hội của vô nghĩa (2014), ông viết về cuộc đời nhẹ bẫng như một lễ hội của sự vô nghĩa, chất chứa những nỗi niềm riêng của con người, nhưng không còn cay nghiệt, buồn thương như thường thấy trong các tác phẩm trước của ông.

Có thể nói, tác phẩm này cho thấy Kundera đã có một cái nhìn bao dung và vị tha hơn với nhân vật và cũng là với chính bản thân mình sau khi đã nhìn nhận sâu sắc về cuộc đời.

Đông Miên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nha-van-milan-kundera-qua-doi-post1446538.html