Nhà văn Mã A Lềnh qua đời

Nhà văn Mã A Lềnh qua đời vào 7h30 ngày 21/2, hưởng thọ 82 tuổi. Ông để lại nhiều sáng tác đa dạng thể loại.

Nhà văn Mã A Lềnh hưởng thọ 82 tuổi. Ảnh: Nguyễn Quang Thiều.

Thông tin được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam - chia sẻ trên trang cá nhân vào cùng ngày.

"Giờ ông đã nằm xuống yên nghỉ sau một chặng đường dài 82 năm trên thế gian này. Nhưng tinh thần ông vẫn bay như một ngọn gió tự do trên những dãy núi, trong những cánh rừng và những bản người Mông nhiều ánh lửa", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Nhà văn Mã A Lềnh (bút danh khác: Thạch Mã, Thạch Sơn) sinh năm 1943 ở xã Trung Chải, huyện Sa Pa (Lào Cai). Nhà văn dân tộc Mông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982.

Ông từng làm việc cho chương trình phát thanh tiếng Mông của Đài Tiếng nói Việt Nam tại Hoàng Liên Sơn; công tác tại Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Lào Cai từ 1991, Hội Văn học Nghệ thuật và tạp chí Văn nghệ Lào Cai từ năm 1996.

Cuộc đời sáng tác của Mã A Lềnh đã để lại 55 tác phẩm ở các thể loại. Nhà văn người Mông đoạt một số giải thưởng văn học như: Giải A cuộc thi Sáng tác văn học thiếu nhi do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức 1994-1995; hai giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Nhà văn Mã A Lềnh sáng tác bằng cả tiếng Mông và tiếng Việt. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ông từng cảnh báo về nguy cơ biến mất của chữ Mông trong tương lai. Con người ông, tác phẩm ông là một trong những mảnh đất còn lại cho tiếng Mông cư trú.

"Không có gì của thời hiện đại trộn được vào 'lãnh thổ Mông' trong tâm hồn ông. Ông là một trong những người bảo vệ những giá trị 'văn hóa Mông' trong tác phẩm và trong chính con người ông. Với tôi, ông chính là 'Thần hộ mệnh' của văn hóa Mông", Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam nhận xét.

Trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại, quan điểm văn chương của Mã A Lềnh được lưu lại như sau: “Văn học viết, đơn giản là cuộc đời, cuộc đời riêng và cuộc đời hòa nhập với cộng đồng. Đã là cuộc đời thì nhất định gắn liền với số phận, vận mệnh, vì thế có người thì nổi tiếng, khoáng danh, có người thì lặng im như hột thóc, ngọn cỏ. Nhưng văn học có cái chung là kỳ vọng, mộng tưởng, luôn hướng tới chân thiện mỹ, do đó văn học là tiếng nói đẹp, hay, là ngôn từ của trí tuệ.

Đỉnh cao văn học là đâu? Chẳng ai biết. Ta đi săn / Không cần nỏ / Không có súng / Ta đi săn / Chỉ có tình yêu chân thành / Tình yêu chân thành thì làm sao nhìn thấy / Nhưng ta vẫn đi săn / Miền ảo kia / Có thể…”.

Ánh Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/nha-van-ma-a-lenh-qua-doi-post1461315.html