Nhà văn hóa Hữu Ngọc bàn về một hiện tượng xã hội học: Chúa trời và bóng đá

Đam mê bóng đá, cũng như mọi đam mê khác, đều dẫn đến một tâm trạng phi lý tính, xuất phát từ cảm tính và một thứ logic lý tính.

Người Đức uống bia mọi lúc mọi nơi, bia với bóng đá lại càng gắn bó mật thiết hơn.

Có lần tôi gặp một nhà nghiên cứu Pháp công tác tại trường Viễn Đông Bác cổ, tôi chúc mừng anh nhân dịp đội bóng Pháp chiếm giải quán quân thế giới. Tôi chờ đợi anh vui mừng rạng rỡ. Nào ngờ anh nhún vai, đáp lại một cách bình tĩnh: “Ồ, tôi không chú ý đến bóng đá!”.

Tôi cũng thấy mình được an ủi phần nào, vì tôi cứ cho là mình lạc hậu, không mê bóng đá như mọi người xung quanh, thậm chí cả bà vợ lúc đó đã gần 70 tuổi. Thôi thì người ta có quyền mê gì chả được, miễn là không có hại gì. Mê bóng đá cũng như mê thuốc lá, mê tổ tôm, mê gái, mê bóng bàn, mê đàn, mê điện ảnh, mê sách, mê chơi tem...

Cuộc tranh luận giữa phe thích và phe ghét bóng đá đã diễn ra trên phạm vi thế giới sau khi môn thể nào này ra đời ở Anh vào giữa thế kỷ XIX và đặc biệt từ khi có giải World Cup bốn năm một lần (bắt đầu từ 1930).

Có một thời, phe chống bóng đá do các nhà trí thức “thượng lưu” cầm trịch, lớn tiếng át giọng trên diễn đàn tranh luận. Họ cho rằng bóng đá, nói cho cùng, là một thứ “thuốc phiện” để ru ngủ quần chúng. Những trận bóng đá không khác gì những trò đấu người, đấu với hổ báo trong đấu trường cổ đại La Mã để thỏa thú tính bạo lực của người xem – những người đi cổ động (supporter).

Đam mê bóng đá, cũng như mọi đam mê khác, đều dẫn đến một tâm trạng phi lý tính, xuất phát từ cảm tính và một thứ logic lý tính. Nhất là khi khán giả tụ tập hàng nghìn hàng vạn, thì sự suy nghĩ cân nhắc cá nhân, đạo lý mất hết. Theo phân tích của nhà xã hội học G. Le Bon, lúc đó tâm lý cá nhân chìm vào tâm hồn tập thể, hành động thụ động, cảm tính, bắt chước nhau cười, khóc, hoan hô, hò hét, có thể dẫn đến mọi thứ thái quá (tác phẩm Tâm lý các đám đông, 1895).

Vì vậy, bóng đá đã gây ra bao nhiêu hằn thù dân tộc, tai họa do ẩu đả hoặc chen chúc nhau như: trận đấu tháng 5/1964 ở Peru giữa Peru và Argentina (chết 320 người, bị thương 1.000 người), trận đấu tháng 9/1976 ở Thổ Nhĩ Kỳ (40 người chết, trong đó có 24 người bị dao đâm chém, 600 bị thương), trận đấu tháng 2/1971 ở Anh (66 người chết, 108 người bị thương), trận đấu tháng 10/1982 ở Liên Xô (340 người chết), trận đấu tháng 4/1989 ở Anh (95 người chết, 200 bị thương)...

Ở Việt Nam, chưa có tai họa lớn nhưng phong trào rộng rãi cũng có mặt tiêu cực: trẻ con biếng học, người lớn trốn việc xem bóng đá, cá cược, ẩu đả, có nơi mải xem gây hỏa hoạn, phá hoại giấc ngủ người khác bằng cách reo hò, tụ tập tắc nghẽn giao thông.

Ngày nay, trên phạm vi thế giới, các nhà nghiên cứu nghiêm túc nhất cũng không thể coi thường môn thể thao này, cho là “thuốc phiện ru ngủ nhân dân” nữa. Nhiều nhà triết học và xã hội học, nhiều cuộc hội thảo khoa học đã mổ xẻ hiện tượng xã hội học này. Vấn đề đặt ra là: “Bóng đá phản ánh sự biến diễn, tích cực hay tiêu cực, của các xã hội. Phải chăng sân bóng là nơi lý tưởng để quan sát một dân tộc trong tính đa dạng của nó?”

Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến thuật (IRIS), thường nghiên cứu vũ khí nguyên tử, đã xuất bản sách về bóng đá (Địa lý – chính trị môn bóng đá). “Đây là một hiện tượng thế giới, không thể chối cãi tầm quan trọng của nó, đó là vấn đề chiến lược”.

Theo Boniface, “chắc chắn đây là hiện tượng phổ quát nhất ngày nay, phổ biến hơn cả dân chủ hay nền kinh tế thị trường”. Liên hợp quốc có số thành viên kém Liên đoàn Bóng đá quốc tế. Theo Bromberger, “không thể coi những người ham bóng đá là những kẻ ngốc về văn hóa”. Ông cho bóng đá là một “thứ phù phiếm đầy ý nghĩa”. Ông lấy thí dụ: trận đấu Iran - Mỹ có giá trị tượng trưng. Có thể bóng đá giúp việc tìm hiểu bản sắc dân tộc, đề cao tinh thần tập thể, làm hiểu rõ dân tộc khác, hòa hợp chủng tộc trong một đội bóng quốc gia.

Từ khoảng mấy thập niên nay, đã hình thành ở các nước phương Tây một nền “văn hóa bóng đá”, gồm hàng triệu thanh niên với phong cách sinh hoạt (ngôn ngữ, trang phục, tập quán...) riêng. Chúng ta nên khuyến khích cái hay và hạn chế cái dở của muôn thể thao này trong khuynh hướng toàn cầu hóa.

Hữu Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-van-hoa-huu-ngoc-ban-ve-mot-hien-tuong-xa-hoi-hoc-chua-troi-va-bong-da-103618.html