Nhà văn của những câu chuyện cổ tích

Tác phẩm của Kenji xóa nhòa ranh giới huyễn tưởng và thực tế, mang đến hương vị đồng thoại ngọt ngào dành cho trẻ thơ.

Sách "Tuyển tập truyện ngắn của Miyazawa Kenji". Ảnh: Hiểu Yên.

Truyện cổ tích, truyện dân gian hay những bài đồng dao từ lâu đã là chất liệu quý giá cho các nhà văn sáng tác. Andersen, anh em nhà Grimm là những người khơi nguồn cho dòng chảy ấy và Miyazawa Kenji (1896-1933) là một tác giả nổi tiếng, người đã góp phần vào sự thành công của thể loại truyện ngắn mang âm hưởng đồng thoại viết cho thiếu nhi.

Nhà văn giàu lòng nhân ái

Các sáng tác của ông khoác lên mình màu sắc tươi vui hấp dẫn những độc giả nhí, nhưng không quên gửi những tư tưởng triết lý sâu xa. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông có thể kể đến Chuyến tàu đêm trên dải ngân hà, một truyện ngắn thuộc hàng kinh điển của văn học Nhật Bản, đã vượt qua khuôn khổ văn chương trong nước để trở nên quen thuộc với độc giả thế giới.

Kenji sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có, ở tỉnh Iwate - một vùng quê nghèo khó, người dân chẳng mấy khi no đủ. Ngay từ nhỏ, chứng kiến những cảnh lầm than cũng như được thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, Kenji luôn dành sự cảm thông sâu sắc đến những kiếp đời nhọc nhằn. Ông từng có một thời gian làm giáo viên nhưng sau đó đã nghỉ dạy về mở văn phòng cố vấn cho dân nghèo. Năm 1933, ông qua đời vì bệnh lao khi mới 37 tuổi, để lại nhiều tiếc thương về một nhà văn, nhà thơ giàu lòng vị tha.

Tượng nhà văn Miyazawa Kenji. Ảnh: Nippon.

Thế giới nhiệm màu

Tuyển tập truyện ngắn của Miyazawa Kenji bao gồm 20 truyện ngắn, được tuyển chọn trong bộ Miyazawa Kenji toàn tập xuất bản năm 1983, trong đó có nhiều truyện ngắn được đưa vào chương trình giảng dạy tiểu học môn Quốc ngữ và trong giáo trình của Đại học Meio, Okinawa.

Kenji đã vẽ ra một thế giới nhiệm màu huyền hoặc, pha trộn giữa ánh sáng kỳ ảo và âm thanh du dương mang đậm nét Phật giáo Nichiren - Nhật Liên, khi động vật hay đồ vật đều có suy nghĩ, cùng con người chung sống hòa bình với nhau và chia sẻ niềm hạnh phúc. Một thế giới không tưởng không thể nào hiện hữu ở thực tại nhưng được Kenji khéo léo vẽ ra trong những trang sách của ông.

Độc giả có thể bắt gặp hình ảnh động vật được nhân cách hóa ngay từ những truyện đầu tiên. Mở màn là câu chuyện Người chơi đàn cello, kể về chàng trai trẻ Goshu đảm nhiệm vị trí chơi cello trong dàn nhạc. Thế nhưng sát ngày diễn mà chàng vẫn chưa thể thuần thục kĩ năng của mình. Bực bội xen lẫn lo lắng, Goshu nhốt mình tập luyện ở nhà nhưng thường xuyên bị phá bĩnh bởi những con thú như Mèo Tam Thể, Chim Cu, Lửng Chó. Bầy động vật gây ra sự xáo trộn trong căn phòng mà vô hình trung lại thành bài luyện tập cho Goshu. Buổi diễn kết thúc tốt đẹp, khiến Goshu cảm động nghĩ đến những con vật đã giúp đỡ mình và thầm biết ơn sâu sắc.

Cũng trong thế giới ấy, tính cách xấu xí của con người được tác giả ướm vào những loài vật, dùng chính những con vật để cảnh tỉnh con người.

Trong truyện Ngọn lửa của sò, ban đầu Homoi là một chú thỏ can đảm, đã cứu giúp gia đình Chim Sơn Ca. Để tỏ lòng biết ơn, Chim Sơn Ca đã tặng một viên ngọc đỏ lộng lẫy rạng ngời. Viên ngọc càng sáng rực rỡ thì càng chứng tỏ tấm lòng thiện lương của Homoi. Thế nhưng, cậu thỏ đã không thể kháng cự được cám dỗ hư danh mà trở nên kiêu căng hiếu thắng. Viên ngọc mặc dù được Homoi chăm chút kĩ lưỡng vẫn không thể trở lại vẻ lung linh ban đầu, cho đến khi cậu nhận được sự trừng phạt đích đáng.

Những câu chuyện trong Tuyển tập Miyazawa Kenji ngắn gọn, dễ hiểu được xây dựng từ cảm xúc tinh tế và nhạy bén của Kenji về thế giới nhân sinh. Lời văn của Kenji nhẹ nhàng vỗ về độc giả, đưa ra lời răn thiện ác.

Con người cũng như động vật, cây cối chỉ là một phần của vũ trụ bao la. Bàn tay thuần thục của một Phật tử hướng thiện, một giáo viên mẫu mực đã hòa trộn thế giới con người và động vật, xóa nhòa ranh giới huyễn tưởng và thực tế, mang đến hương vị đồng thoại ngọt ngào không chỉ dành cho trẻ thơ mà còn cho những ai vẫn hoài niệm về một phần tuổi thơ bên câu chuyện cổ tích bà kể hằng đêm.

Hiểu Yên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nha-van-cua-nhung-cau-chuyen-co-tich-post1366586.html