Nhà văn Bàn Minh Đoàn: Trăn trở với di sản văn hóa dân tộc

Là người dân tộc Dao, sinh ra và lớn lên trong cái nôi văn hóa Dao -Tuyên Quang, nhưng nhà văn, nhà nghiên cứu Bàn Minh Đoàn cho rằng, bản thân ông cũng chưa có điều kiện khai thác được hết những cái hay, cái đẹp của văn hóa dân tộc mình. Vì vậy, có chút thời gian rảnh là ông lại tranh thủ đi đến các bản, làng gặp các nghệ nhân, các thầy Tào, thầy cúng để sưu tầm, tìm hiểu, ghi chép tư liệu phong tục tập quán, những làn điệu dân ca, dân vũ...

Nhà văn, nhà nghiên cứu Bàn Minh Đoàn. Ảnh: Ngọc Ánh

Nhà văn, nhà nghiên cứu Bàn Minh Đoàn. Ảnh: Ngọc Ánh

Đề cập đến di sản văn hóa của dân tộc Dao, nhà văn Bàn Minh Đoàn cho biết, cộng đồng người Dao có một kho tàng di sản văn hóa rất phong phú, đa dạng và đặc sắc. Từ những làn điệu dân ca, dân vũ, hát páo dung, hát giao duyên đến những lễ hội dân gian như lễ hội cầu mùa, cấp sắc, múa bắt ba ba... đều chứa đựng những giá trị tư tưởng nhân sinh, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Đặc biệt là nghi lễ cấp sắc và hát páo dung - hai di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của người Dao đã được công nhận là Di sản văn hóa cấp quốc gia năm 2013. Theo nhà nghiên cứu Bàn Minh Đoàn, những di sản này được coi là linh hồn văn hóa của người Dao, bởi lẽ qua nghi lễ cấp sắc, đàn ông dân tộc Dao mới chính thức được cộng đồng công nhận đã trưởng thành. Từ nghi lễ cấp sắc, người đàn ông Dao được đổi tên (đặt pháp danh - tên âm), được công nhận là con cháu Bàn Vương, được cấp âm binh, trao quyền làm thầy, được thờ cúng tổ tiên và được học những giáo lý về đạo đức làm người, về nhân sinh quan.

Còn đối với những làn điệu hát páo dung, giá trị nhân văn nằm trong nội dung những lời hát. Đó là sự định hướng giáo dục cho con người hiểu biết về cội nguồn dân tộc, là tình yêu quê hương, đồng loại, tình yêu lứa đôi, động viên nhau hăng say lao động, sản xuất để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. “Hát páo dung được chia thành nhiều loại hình như hát páo dung lễ nghi tín ngưỡng, phong tục được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống như lễ cấp sắc, lễ cưới, đám tang, cúng đầy tháng; hát páo dung sinh hoạt gồm các bài hát ru, hát vui chơi, hát giao duyên đối đáp nam nữ...” - nhà nghiên cứu Bàn Minh Đoàn giải thích.

Hiện nay, do ảnh hưởng từ quá trình giao lưu hội nhập văn hóa và mặt trái của nền kinh tế thị trường, nhiều di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Dao đang đứng trước nguy cơ mai một, nhất là tiếng nói và chữ viết, những câu chuyện cổ dân gian, những làn điệu dân ca, dân vũ, hát páo dung... Nhà văn, nhà nghiên cứu Bàn Minh Đoàn rất trăn trở trước thực trạng này.

Ông tâm sự, thời kỳ đảm nhiệm công việc phát thanh viên tiếng Dao ở Đài Phát thanh Hà Tuyên (tỉnh Tuyên Quang cũ), rồi làm phóng viên của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Tuyên Quang, ông đã có hàng ngàn chuyến đi tới các bản làng người Dao ở vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu, viết bài về bản sắc văn hóa dân tộc. Thời kỳ đó, văn hóa dân tộc Dao còn rất đậm đặc, đến bản làng nào cũng gặp được những thầy cúng am hiểu tường tận về phong tục, tập quán dân tộc mình, họ sẵn sàng dành cả ngày để chia sẻ cho ông những thông tin quý giá, bổ ích. Nhiều đợt xuống bản làng người Dao Thanh Y, Dao Đỏ, Dao Cóc Mùn ở các huyện Na Hang, Chiêm Hóa hoặc vùng người Dao Quần Chẹt ở các xã Trung Yên, Thượng Kế, huyện Sơn Dương, ông đã được xem những buổi hát páo dung vô cùng thú vị, độc đáo, do các ông, các bà hoặc các nhóm trai, gái Dao thể hiện.

Sau đó, nhà văn Bàn Minh Đoàn đã có hơn 10 năm công tác tại Thủ đô Hà Nội (2001-2012) để rồi khi quay trở về công tác tại Báo Tân Trào (thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang), ông không khỏi chạnh lòng khi gặp những em bé người Dao không biết nói tiếng mẹ đẻ. Đi dự đám cưới tại nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa, ông thấy vắng bóng các bá mè, quan lang, ông mối... Cô dâu, chú rể người Dao không mặc trang phục cưới rực rỡ sắc màu của dân tộc mình, thay vào đó là những bộ váy cưới tân thời...

Trăn trở trước nguy cơ bản sắc văn hóa dân tộc đang trên đà mai một ngày càng nhanh trước làn sóng giao lưu hội nhập quốc tế, nhà văn, nhà nghiên cứu Bàn Minh Đoàn đang tận dụng mọi thời gian đi đến từng bản làng tìm gặp các nghệ nhân, các thầy Tào, thầy cúng để sưu tầm, tìm hiểu, ghi chép tư liệu về phong tục, tập quán, những làn điệu dân ca, dân vũ..., qua đó, viết bài giới thiệu trên các tạp chí, ấn phẩm báo chí. Ông cũng đang dành thời gian đi sâu nghiên cứu di sản hát páo dung, học chữ Dao và học làm thầy cúng với mong muốn góp sức gìn giữ văn hóa dân tộc Dao.

Ngọc Ánh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nha-van-ban-minh-doan-tran-tro-voi-di-san-van-hoa-dan-toc-post459666.html