Nhà tù Sơn La và sự hiểm ác của thực dân Pháp đối với chiến sĩ cộng sản Việt Nam

Thực dân Pháp đã xây dựng Nhà tù Sơn La với mưu đồ hiểm ác là giết dần, giết mòn các chiến sĩ cộng sản thông qua khí hậu khắc nghiệt, bệnh tật và chế độ lao động khổ sai mà không cần tra tấn hoặc dùng đến vũ khí thông thường.

Cận cảnh lớp tường rào thép gai ở lối vào khu di tích Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng trong thế kỷ 20 để giam cầm các chiến sĩ cộng sản Việt Nam đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, trong đó có những nhà cách mạng như Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng…

Hành lang dẫn vào trong Nhà tù Sơn La - địa ngục trần gian một thời nhưng đồng thời lại trở thành “trường học cách mạng” của những người yêu nước. Tường nhà tù xây khá kiên cố bằng gạch và đá, dày 30-60cm, cao 3,9m.

Chòi canh tại một góc của Nhà tù Sơn La. Nhà tù này có 3 chòi canh ở các góc và 1 chòi canh trung tâm, giám sát chặt chẽ các tù nhân bên trong.

Bên trái là chòi canh trung tâm, ở giữa xa là trại giam lớn và lầu nhà bếp. Nhà tù bị hư hại nhiều do trận ném bom của thực dân Pháp vào năm 1952 với mục đích xóa dấu vết tội ác của mình.

Khách tham quan khu vực nền một phòng giam của Nhà tù Sơn La. Sàn phòng giam làm bằng đá láng xi măng, tạo hiệu ứng “nóng như thiêu đốt vào mùa hè và lạnh thấu xương thịt vào mùa đông”.

Cận cảnh cầu tiêu nổi do thực dân Pháp xây bên trong phòng giam, cạnh sàn nằm của tù nhân. Thời thực dân, các cầu tiêu này không có nước giội rửa, không được vệ sinh thường xuyên, nên không khí tại đây ô nhiễm, ngột ngạt và hôi thối, khiến bệnh tật lây lan rất nhanh trong tù nhân.

Khoang đựng phân của cầu tiêu nổi trong nhà tù thực dân trên ngọn đồi Khau Cả, gần suối Nậm La.

Hố vệ sinh ngay tại phòng giam buộc tù nhân phải sống trong mùi xú uế nồng nặc.

Đây là di tích của phòng giam dành cho những tù nhân bị ốm nặng khó qua khỏi. Các tù chính trị Sơn La gọi đây là nhà xác của nhà tù vì những ai bị dồn vào đây sẽ mau chóng ra đi mãi mãi.

Nhà tù Sơn La gắn liền với tên tuổi của đồng chí Tô Hiệu - một cán bộ trung kiên và tài năng của Đảng Cộng sản Việt Nam, bị kẻ địch tù đày với mức án 5 năm khổ sai.

Ban đầu thực dân Pháp giam đồng chí Tô Hiệu tại xà lim hình tam giác này (với diện tích chưa đầy 4m2) nhằm cô lập ông với các đồng chí của mình.

Trước sự phản kháng của các tù chính trị, Pháp buộc phải đưa nhà cách mạng Tô Hiệu lúc bệnh nặng tới buồng giam mới rộng rãi hơn và ít bị cô lập hơn, đó là khu kho xép đựng dụng cụ lao động nhà bếp. Tô Hiệu về sau đã hy sinh tại đây.

Lối lên xuống khu xà lim ngầm của Nhà tù Sơn La.

Dãy xà lim ngầm. Đây là những buồng giam rất nhỏ hẹp và tối tăm.

Khách tham quan rọi đèn vào bên trong một xà lim như vậy.

Có 5 xà lim cá nhân và 2 xà lim tập thể ở độ sâu 3,5m dưới nền Nhà tù Sơn La. Thực dân Pháp sử dụng các xà lim này để trị những tù nhân mà chúng coi là “cứng đầu cứng cổ”.

Miệng một bể ngầm chứa nước ở khu sân trung tâm của Nhà tù Sơn La. Hàng ngày tù nhân phải đi xuống suối Nậm La cách nhà tù chừng 1km lấy nước đổ vào bể ngầm này. Nhưng ngay cả khi nước đầy bể, định mức nước của mỗi tù nhân cho một lần tắm duy nhất trong tuần cũng rất hạn chế.

Trung Hiếu/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/nha-tu-son-la-va-su-hiem-ac-cua-thuc-dan-phap-doi-voi-chien-si-cong-san-viet-nam-post1088476.vov