Nha Trang: Tìm hướng hỗ trợ các hộ không có khả năng thoát nghèo

Trong danh sách hộ nghèo của TP. Nha Trang hiện có một nhóm hộ được xếp vào diện không có khả năng thoát nghèo. Để thực hiện mục tiêu đến hết năm 2024 không còn hộ nghèo, thành phố đang tích cực xây dựng phương án hỗ trợ các hộ này.

73 hộ không có khả năng thoát nghèo

Đến cuối năm 2022, TP. Nha Trang còn 546 hộ nghèo, giảm 273 hộ so với đầu năm. Thành phố phấn đấu đến cuối năm 2024 không còn hộ nghèo. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND thành phố xây dựng phương án thoát nghèo với nhiều giải pháp, như: Cho vay vốn sản xuất kinh doanh; tạo việc làm; đào tạo nghề; hỗ trợ học phí và dịch vụ xã hội cơ bản; chế độ an sinh... Tuy nhiên, trong 546 hộ nghèo, có 73 hộ không có khả năng thoát nghèo. Đây là các hộ chỉ có 1 người/hộ và là người cao tuổi neo đơn, không người chăm sóc, đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; hoặc chỉ gồm những người cao tuổi, bị bệnh tật kéo dài, khuyết tật, bị HIV/AIDS, trẻ em đang đi học, các thành viên không có khả năng lao động; hộ đơn thân nuôi nhiều con nhỏ đi học, không bằng cấp, chứng chỉ, không công việc ổn định, thu nhập thấp; chỉ có 1 lao động chính, nhiều nhân khẩu ăn theo không có khả năng lao động...

Ở gần khu chợ nhộn nhịp thuộc tổ 3 Trường Sơn (phường Vĩnh Trường), đi qua đường hẻm chật hẹp là tới nơi bà Nguyễn Thị Im (92 tuổi) và người con trai đang ở nhờ. Tài sản của họ chỉ có chiếc bàn nhựa và giường sắt, còn lại là đồ gửi nhờ. Cứ 5 ngày, bà Im lại đi nhận thuốc chữa bệnh. Con trai bà, trước kia chạy thận nửa năm/lần, giờ tháng nào cũng phải đi; chân tay tự dưng nổi u cục cũng không dám khám. “Tôi bán bắp luộc dạo, có người trả tiền mua rồi không lấy tiền thối lại; có người nói mua nhưng trả tiền để ủng hộ, không nhận bắp. Mẹ con tôi lần hồi sống như thế”, bà Im kể. Ở tổ 4 Trường Sơn, hộ bà Trương Thị Lan (73 tuổi) bị bệnh tim lại nuôi con tâm thần. Hộ chị em bà Trần Thị Được, Trần Thị Rồi (ngoài 70 tuổi, ở tổ 3 Bình Tân) cũng bệnh nặng, một người khuyết tật đặc biệt nặng…

Cán bộ phường và tổ dân phố khảo sát đối tượng hộ nghèo tại nhà bà Nguyễn Thị Im.

Cán bộ phường và tổ dân phố khảo sát đối tượng hộ nghèo tại nhà bà Nguyễn Thị Im.

Đầu năm 2022, phường Vĩnh Trường có 231 hộ nghèo, đến cuối năm giảm còn 111 hộ nghèo; dự kiến hết năm nay giảm tiếp 34 hộ, còn 77 hộ nghèo nhưng trong đó 11 hộ không có khả năng thoát nghèo. Ông Hoàng Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trường cho biết, phường có tới 80% là dân biển hoặc làm nghề liên quan đến biển, trình độ dân trí hạn chế, thu nhập không cao. Một số nghề được hỗ trợ đào tạo, như: Trồng trọt, chăn nuôi, làm hầm đá bảo quản thủy sản… chưa phù hợp với hoàn cảnh của các hộ. Số doanh nghiệp đóng trên địa bàn lại rất ít nên việc vận động xã hội hóa bị hạn chế. Hiện tại, 11 hộ nghèo không có khả năng lao động nên khó hỗ trợ việc làm, vốn vay. Phường đã khảo sát từng hộ nghèo, cập nhật thông tin, đề xuất giải pháp hỗ trợ cho từng đối tượng. Phường cũng kiến nghị thành phố cho chuyển một số đối tượng hộ nghèo đủ điều kiện sang hưởng chế độ bảo trợ xã hội; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho đối tượng thuộc hộ vừa thoát nghèo…

Phân loại, có giải pháp cụ thể cho từng đối tượng

Bà Đinh Thị Nam - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, phòng đã chủ trì, phân công thành viên tổ công tác về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thẩm tra kết quả rà soát của các xã, phường đối với hộ không có khả năng thoát nghèo, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổng hợp các giải pháp đề xuất hỗ trợ nhóm đối tượng này; tham mưu xây dựng phương án hỗ trợ, lộ trình giảm nghèo; chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn… Ngày 4-8, phòng đã có văn bản đề xuất thành phố hướng giải quyết đối với nhóm đối tượng này trên cơ sở phân loại từng đối tượng có giải pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh thực tế, nguyện vọng của người dân và đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, đối với hộ là người cao tuổi neo đơn không có người thân chăm sóc, vận động mạnh thường quân tại địa phương hỗ trợ một phần kinh phí, nhu yếu phẩm. Đối với hộ sống một mình, còn người thân thích, vận động người thân đưa về nhà chăm sóc hoặc giúp đỡ các điều kiện để ổn định cuộc sống. Đối với người đã đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, địa phương hỗ trợ làm hồ sơ để được hưởng chính sách. Những hộ còn thành viên có khả năng lao động nhưng công việc chưa ổn định thì phân công các hội, đoàn thể quan tâm hỗ trợ kết nối việc làm hoặc vay vốn giải quyết việc làm. Người cao tuổi neo đơn, không thể sống tại cộng đồng sẽ vận động vào các cơ sở bảo trợ xã hội tại địa phương. Hộ chăm sóc nhiều người khuyết tật, không đủ khả năng, sức khỏe để tiếp tục chăm sóc sẽ được hướng dẫn làm hồ sơ đề nghị xem xét tiếp nhận người khuyết tật vào các cơ sở trợ giúp xã hội. Các hộ có con nhỏ đang đi học, sẽ vận động các hội đoàn thể xem xét hỗ trợ học bổng, đồ dùng học tập. Địa phương sẽ hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho hộ dân từ Quỹ Vì người nghèo; vận động hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế khi hộ dân thoát nghèo.

Theo báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát, phân loại số liệu hộ nghèo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội: Năm 2023, thành phố phấn đấu có 407 hộ thoát nghèo, trong đó có 24 hộ thuộc diện không có khả năng thoát nghèo. Năm 2024, phấn đấu 134 hộ thoát nghèo, trong đó có 44 hộ thuộc diện không có khả năng thoát nghèo; còn lại 5 hộ không có khả năng thoát nghèo thuộc 2 phường Xương Huân và Ngọc Hiệp địa phương chưa đưa ra được giải pháp hỗ trợ thoát nghèo.

TIỂU MAI

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chuong-trinh-mtqg-giam-ngheo-ben-vung/202308/nha-trangtim-huong-ho-tro-cac-ho-khong-co-kha-nang-thoat-ngheo-44a0165/