Nhà thơ Lê Thị Mây: Nét cười hồn hậu

Gặp lại Lê Thị Mây sau hơn 10 năm tại Hội nghị đại biểu các nhà văn lão thành Việt Nam ở Đồ Sơn (Hải Phòng) hôm 30/9, nếu không phải nụ cười hiền ấy, giọng nói như gió thoảng ấy tôi không thể nhận ra chị. Chị gầy đi nhiều. Tôi ghé tai chị, nếu ban tổ chức bố trí 2 người một phòng thì chị em mình đăng ký ở với nhau nhé. Chị Mây vui vẻ đồng ý.

Nhà thơ Lê Thị Mây.

Nhà thơ Lê Thị Mây.

1.Lên tới phòng, tôi tránh câu hỏi sợ gây tổn thương cho chị vì sự sa sút sức khỏe, nhưng trong lòng tôi cảm xúc yêu thương, xót xa cứ trào lên. Rồi chị tâm sự với tôi rằng, ba năm trở lại đây chị gặp biến cố lớn, chồng mất, bản thân mắc bệnh hiểm nghèo… “Chị đã mổ rồi, giờ đang điều trị thuốc nam, vẫn mệt lắm nhưng cố đi, chị muốn gặp mọi người, nếu chờ khỏe thì chẳng biết đến khi nào”. Câu chuyện cho tôi thấy một Lê Thị Mây lại một lần nữa gian truân trong thời gian vừa qua.

Nhớ lại ngày đầu biết chị, năm ấy, sau khi từ nước ngoài về tôi bước chân vào “làng báo” và quyết định theo đuổi mộng văn chương. Tôi viết thử mấy truyện ngắn ký tên người khác rồi gửi đi dự thi Tác phẩm tuổi xanh. Sau đó, có người ngầm báo cho biết truyện ngắn của tôi có thể được giải nên tôi phải nói thật tuổi và tên của mình. Cuối cùng dù không có giải nhưng tôi phấn chấn hẳn lên.

Chỉ trong một tháng tôi viết xong một truyện dài có tên “Lời cuối cho em”. Viết xong tôi chưa tự tin để đưa cho ai đọc thì gặp Lê Thị Mây ở một bữa tiệc tại Hà Nội. Rất nhiều tên tuổi trong văn giới được mời đến, tôi được mời có lẽ vì cái “mác” ở nước ngoài về, chứ lúc đó văn chương của tôi chưa có dấu ấn gì.

Lê Thị Mây giản dị nhất trong số khách mời, từ trang phục đến cách cư xử khiêm nhường và gần gũi. Điều này gây ngạc nhiên cho tôi bởi hầu hết các vị có tên tuổi đều tỏ ra rất… oách. Tôi hỏi chủ tiệc ông cho biết bản thân ông rất thích thơ Lê Thị Mây, và Lê Thị Mây sắp ra làm việc ở Ban tư tưởng Văn hóa Trung ương (sau này đổi thành Ban Tuyên giáo Trung ương).

Lê Thị Mây sống ở Huế, từng là thanh niên xung phong, sau làm (biên tập viên của Tạp chí Văn nghệ Bình Trị Thiên, Tạp chí Sông Hương và có thời gian là Tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt… Theo chủ tiệc thì thơ Lê Thị Mây là một trong 10 gương mặt thơ hay nhất Việt Nam lúc bấy giờ.

Tôi đang chờ dịp để tiếp cận chị thì chị đến bên hỏi tên tôi. Tôi ngượng ngùng nói về mình và kể luôn rằng đang có bản thảo như thế. Chị bảo, vậy mai em đến phòng số X, khách sạn 37 Hùng Vương, chị ở đó chờ một vài việc.

Phải nói tôi mừng như ngày có giấy báo ra nước ngoài hồi năm 1981. Đêm không ngủ được, tôi chỉ chờ đến sáng. Hôm sau y hẹn chị chờ tôi đúng giờ, không mảy may ra vẻ “anh chị” với tôi như nhiều người có danh trong văn chương thời đó. Tôi đưa bản thảo. Nó khá mỏng, chưa đầy 200 trang đánh máy. Chị bảo, để chị đọc, hai ngày sau quay lại, chị còn ở Hà Nội một tuần. Ngày đó chưa có điện thoại di động, máy bàn cũng phải đăng ký với lễ tân khách sạn mới gọi được.

Trong hai ngày đó tôi không ăn không ngủ, chỉ mong quay lại. Một lần nữa, chị lại rất đúng giờ, chờ tôi. Chị nói luôn khi gặp: “Em viết tốt lắm. Chị sẽ in phơi tông trên Sông Hương nếu em đồng ý. Nhưng in trên Sông Hương thì lượng phát hành không nhiều, nhuận bút ít. Em đem đến bất cứ nhà xuất bản nào chị tin họ sẽ nhận luôn”.

Thời gian đó, nhờ “mở cửa” mà mấy cuốn: “Thân phận tình yêu” (Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Bến không chồng” của Dương Hướng được cấp giấy phép và các nhà xuất bản có cơ chế liên doanh với tư nhân để in ấn phát hành chứ không xuất bản bằng ngân sách nhà xuất bản được cấp. Người làm điều đó rất tốt là nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến. Lê Thị Mây bảo: “Hay nếu em quen thì đưa cho Luyến, không quen thì để chị giới thiệu”.

Có thể nói cái ơn với Lê Thị Mây và Đoàn Thị Lam Luyến tôi luôn nhớ trong tâm. Cuốn đó đã in gần một vạn bản, đưa tôi vào con đường văn học. Nếu không có họ không biết tôi sẽ làm gì, trở về sớm với hội họa hay tiếp tục làm một phóng viên. Thời gian trôi rất nhanh. Tôi cũng trưởng thành dần trong nghề, còn Lê Thị Mây ra Hà Nội, làm việc ở Trung ương. Nhưng với Lê Thị Mây thì quan trọng nhất đời chị là viết.

Chị vẫn viết đều, khi cảm xúc đến thì chị làm thơ, khi tâm đắc vấn đề gì trong cuộc sống chị viết ký… Chị không bao giờ tỏ ra là người có vị thế. Thơ của Lê Thị Mây chứa nỗi buồn thăm thẳm của người đàn bà cô đơn và nỗi yêu thương da diết của con gái với mẹ…

Hồi đi thanh niên xung phong chị hoạt động ở vùng miền Tây Quảng Bình sau khi học hết phổ thông (năm 17 tuổi). Nhật ký của chị có ghi: "Vừa rời nách mẹ mới 200 ngày đêm, bọn Mỹ đã bẻ gãy tuổi 17 của tôi bằng trận bom đầu tiên... Vết bom xuyên sâu vào mặt tôi, làm dị dạng gương mặt sắp đón nhận tuổi 20...". Người yêu đầu tiên là một bác sĩ quê ở xứ Quảng đã chia tay chị đi B. Sau 3 năm chị nhận tin anh hy sinh mà trái tim chị tan nát.

Ở thanh niên xung phong, chị đã làm những bài thơ đầu tiên, ghi lại trong cuốn sổ nhỏ. Rồi số phận giúp chị gặp được nhà thơ Xuân Hoàng bằng một lá thư giới thiệu của ông Cổ Kim Thành (Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình).

Cuốn sổ thơ trong túi của chị phần nào cho ông Xuân Hoàng (Hội Văn nghệ Quảng Bình) thấy một năng khiếu thơ, ông Hoàng bảo: “Nếu cô biết đánh máy tôi sẽ nhận. Về đây, có không khí sáng tác và nhiều người sáng tác giỏi, cô sẽ có điều kiện học hỏi thêm”. Thế là chị trở thành nhân viên của Hội Văn nghệ từ đấy. Sau đó, Hội Văn nghệ nhận thêm một người thơ nữa là Lâm Thị Mỹ Dạ. Một năm sau, chị và Mỹ Dạ được nhà thơ Xuân Hoàng cho đi học lớp bồi dưỡng viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội. Đi học về, chị đổi tên từ Phạm Thị Tuyết Bông thành Lê Thị Mây.

Nhà thơ Lê Thị Mây tên thật là Phạm Thị Tuyết Bông, sinh năm 1949, tại Quảng Trị, đã xuất bản 18 tập thơ, 4 trường ca và 12 tập truyện ngắn, bút ký. Bà được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2017.

2.Con đường nghệ thuật không nhiều chông gai nhưng đường tình duyên của chị lại quá nhiều trắc trở. Có lẽ gương mặt thời thiếu nữ xinh đẹp và tính nết dịu dàng của chị không thắng được chiều cao bẩm sinh hơn mét sáu, và sự thật thà chất phác ngây thơ hồn nhiên, thứ mà chỉ những người đàn ông tinh ý mới nhận biết được.

Ngày ấy đàn bà nước mình chỉ cao đến mét rưỡi, đàn ông cũng ít người mét bảy nên một nửa của chị rất khó có. Mười năm, hai mươi năm, qua thời con gái, “người ta” cứ đến rồi đi: “Vậy là em phải mang theo những câu chuyện tình đã tắt/ Như mang theo tro, như mang theo than...”.

Hay như: "Ban mai em nhớ anh/ Một ngày mong vời vợi/ Trời xanh như có lỗi/ Giờ anh đâu ở đâu?". Hoặc như: “Thư anh tin ngày về/ Cho vầng trăng hẹn mọc/ Trong ngần cau hoa thơm/ Mây chớm màu tha thiết/ Trăng non nghiêng qua rồi/ Bom rung vầng trăng khuyết/ Xô thuyền trong xa xôi/ Giữa gập ghềnh núi biếc/ Anh khoác ba lô về/ Ðất trời dồn chật lại/ Em tái nhợt niềm vui/ Như trăng mọc ban ngày…” (Những mùa trăng mong chờ).

Mãi đến năm 1999 chị mới kết hôn. Chồng chị cũng là một người yêu thơ, một nhà báo. Anh chị yêu thương nhau, nói đúng hơn thì chị yêu thương anh hết lòng. Nhưng số phận cũng chỉ cho chị hưởng hạnh phúc lứa đôi có 20 năm. Trong đó số ngày anh đau ốm chị chăm sóc anh tận tình. Trong chị luôn đầy ắp sự bao dung chan chứa: "Lỗi lầm cầm cả lên tay/ Mình em chèo chống tháng ngày nhạt duyên/ Tóc thề nửa mái còn riêng/ Trong tim bao nỗi hồn nhiên héo rồi"...

3.Hội nghị ở Đồ Sơn kết thúc. Đi cùng chị về nhà, chị ở tầng 6 một chung cư khu Mỹ Đình, Hà Nội. Mới đến chân cầu thang, chị đã nhanh miệng gọi luôn một thanh niên đang định vào thang máy để nhờ xách đồ. Cậu ấy quay lại bê hết các túi đựng đầy sách khá nặng của chị đưa đến tận cửa. Thở dốc vì mệt một hồi rồi chị bảo, chị sống một mình nên chị phải nhờ tất cả mọi người xung quanh. Ai cũng đỡ đần, yêu thương quý mến chị. Tôi đoán chị cũng đã và đang rất yêu thương họ, biết cách gần gũi và để họ yêu mến.

Trong căn hộ chừng 80m2, 3 phòng ngủ. Phòng của người chồng quá cố cũng chất đầy sách như phòng khách. Chị bảo, các em gái cũng thay phiên nhau từ Quảng Bình, Quảng Trị ra chăm sóc chị. Nhưng chỉ cần khỏe lên một chút, đi lại được là chị lại tự thân lo tất cả. Chị thương các em cũng như thương tất cả bạn bè, chị không muốn làm phiền nhiều. Đau ốm cũng không cho bạn bè biết. Nhưng ngược lại, chị sẵn lòng bỏ qua những món người ta nợ chị.

Trên bàn làm việc sách báo rất nhiều, cứ ngồi dậy được, nghĩ được là chị lại muốn viết. Tôi hơi ngạc nhiên, khác hẳn với khi ở chỗ đông người chị chỉ nghe mà không mấy khi nói, chỉ cười một nụ cười hiền hậu. Nhưng khi có hai chị em, nhận xét của chị về cuộc đời, về các vấn đề xã hội vẫn đầy sắc bén. Cái tinh tế, sâu sắc của một người từng viết ký rất hay vẫn còn nguyên trong chị.

TRẦN THỊ TRƯỜNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nha-tho-le-thi-may-net-cuoi-hon-hau-5741205.html