Nhà thơ Hồng Thanh Quang: 'Thơ trên báo Tết- Món của Xuân đậm đà cảm xúc!'

'Ngang vai tóc thả mượt mà/Mắt nhìn ai mắt thoảng qua tia cười/Dịu dàng khẽ mím bờ môi/Chắc em không biết có người hôn em…' - Hồng Thanh Quang đọc lại 4 dòng thơ đó trong niềm bồi hồi xúc động.

Sắc thơ mùa Tết...

Trước nay trên các ấn phẩm báo Xuân, ngoài những bài viết đặc sắc, thì thơ được cho là một đặc sản, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng của “mâm cỗ” báo Tết. Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện đầu Xuân với một số cây bút thường góp mặt nhiều trên các trang thơ báo Tết để hiểu hơn phần nào những câu chuyện hậu trường của chuyện làm thơ… Tết.

Cái xúc cảm thuở mới lớn nhẹ nhàng, thanh cao nhưng đâu đó phảng phất sự dang dở, chạnh lòng đã làm nhà thơ Hồng Thanh Quang vương vấn mãi không quên… 4 câu thơ đó, anh ngẫu hứng viết khi nhặt được tấm ảnh thẻ của một cô bạn học cùng trường cấp 3 mà anh đã phải lòng, những dòng thơ này sau đó, đã được in trên trang báo Tết…

“Thơ được in trên báo Tết, sung sướng lắm!”

Mỗi khi tiết trời sang xuân, hoa lá đua nở, thêm những ngày mưa phùn phảng phất, khác với những tin tức được trượt qua như một thói quen trên các thiết bị thông minh, những nội dung thông tin hối hả nhạt nhòa trên các nền tảng mạng xã hội, tại các tòa soạn báo, không khí tấp nập chuẩn bị những trang báo Tết đầy màu sắc, đầy hương vị của cuộc sống đang được biên soạn, trở thành một món quà Xuân gửi đến độc giả. Có nhiều người nói rằng, làm báo cả năm, giờ là lúc “chơi báo”, “món quà tinh thần” thơm mùi mực ấy vẫn được rất nhiều độc giả chờ đợi, lật từng trang, ngắm nghía, chiêm ngưỡng và lắng đọng. Nhắc đến món quà tinh thần là nhắc tới cảm xúc, mà cảm xúc trong nghệ thuật sáng tác có lẽ không loại hình nào vượt được thơ ca.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang.

Là nhà thơ có rất nhiều bài thơ được đăng trên nhiều số báo Tết của nhiều tòa soạn báo, Hồng Thanh Quang là nhà thơ miệt mài yêu và miệt mài viết. Anh từng có những câu thơ sửng sốt về tình yêu: “Nếu hạnh phúc trao nhau/luật trời ta cũng sửa”. Hồng Thanh Quang cho rằng: “Cảm xúc là thế mạnh của nhà thơ, hướng tới thiên lương, gợi ý cho nhà thơ làm được những điều tốt lành”. Còn quan niệm về thơ và công việc của nhà thơ của Hồng Thanh Quang cũng rất lạ: “Việc của nhà thơ là phải viết những câu thơ. Viết xong là xong. Và phải để nó tự sống. Mặc dù vậy, tôi luôn đau đớn cho những câu thơ và nghĩ: Viết nói chung và làm thơ nói riêng, cũng như là nhu cầu thở để mà sống vậy!”

“Sinh ra để làm thơ

Sống như không thể chết

Để ngắm các loài hoa

Hôn những gì thanh khiết…!

Hồng Thanh Quang nhớ lại những năm 90, một trong những tác giả có nhiều bài thơ đăng trên số báo Tết nhất thời đó, là nhà thơ Trần Hữu Nghiễm, khiến anh vô cùng ngưỡng mộ. Hồng Thanh Quang kể, ngay cả đến nhà thơ lớn như Xuân Diệu, những năm thơ ông được đăng nhiều trên các số báo Tết, là ông vui mừng, phấn khởi, hãnh diện khoe với bạn bè, đồng nghiệp “thơ phải hay như thế nào mới được chọn đăng trên báo Tết chứ”.

Theo Hồng Thanh Quang, tất cả người làm thơ đều chọn lọc những bài thơ hay nhất để gửi đến tòa soạn báo với mong muốn được đăng trên số Tết, còn những người làm báo sẽ lựa chọn những nhà thơ khả kính, những người có tên tuổi để làm nên những trang thơ Tết khả dĩ nhất, hay nhất ở một tầm nghệ thuật cao xếp vào hai trang giữa tờ báo. “Bất kỳ nhà thơ nào cũng muốn đứa con tinh thần của mình được in trên các giai phẩm Tết, sung sướng lắm…” - Hồng Thanh Quang bày tỏ.

Hồng Thanh Quang chia sẻ thêm rằng, ở Việt Nam ngay cả từ khi chưa có nền báo chí theo khái niệm hiện đại thì thơ đã luôn là món quà Tết. Người Việt từ xa xưa dùng thơ trong tất cả các hoạt động đời sống sinh hoạt của mình, khi cần bộc lộ một cảm xúc nào đó, khi cố gắng để đi đến trái tim của nhau thì sẽ sử dụng thơ, đặc biệt trong lễ tết, những bài vịnh thơ, những bài tả cảnh, biểu đạt tâm hồn sẽ là những món quà vô vùng ý nghĩa. Trong sinh hoạt dân gian, thơ cũng là yếu tố không thể thiếu được trong các loại hình sân khấu như chèo, hát tuồng, dân ca quan họ…

“Từ những năm 30 khi bắt đầu manh nha nền báo chí Việt Nam thì những vần thơ đã được in đặc biệt trên các giai phẩm báo Tết như những món quà Xuân - đó không phải điều gì mới, đó được coi là truyền thống. Rất mừng là trong thời đại số, các cơ quan báo chí khi cho ra đời những giai phẩm xuân vẫn rất quan tâm đến những nhà thơ” - Hồng Thanh Quang chia sẻ.

Thơ Tết - đó là truyền thống

Thơ Xuân là một trong những nội dung không thể thiếu của báo Tết hàng năm tựa hoa đào, hoa mai khoe sắc. Báo nào cũng có góc thơ, trang thơ được trình bày trang nhã. Cùng với các bậc “tiên chỉ” của làng thi ca là sự xuất hiện của nhiều cây bút trẻ, nhiều giọng thơ mới lạ, có sức lan tỏa lớn. Với Hồng Thanh Quang - anh không có tham vọng cách tân trong nghệ thuật. Thơ anh là tiếng lòng, tự nhiên như hơi thở. Từ buổi đầu sáng tác cách đây khoảng 40 năm, Hồng Thanh Quang luôn giữ giọng thơ du dương, với những câu thơ có trường độ, nhịp chậm. Anh hay sử dụng điệp ngữ như một cách tạo thêm nhạc điệu kết hợp với sự dụng vần chân một cách nhuần nhuyễn khiến bài thơ du dương và gần với lời hát. Có lẽ đây là một lợi thế để nhiều nhạc sĩ, trong đó có cả nhạc sĩ lớn như Phú Quang thích thú chọn phổ nhạc cho những bài thơ của anh.

Trong các tác phẩm của mình, Hồng Thanh Quang luôn duy trì mạch trữ tình tươi mới và quyến rũ. Đó là một điều không dễ dàng với một thi nhân trên cả hành trình sáng tạo với biết bao bão táp của kiếp người. Anh không kể lể, không lạm bàn thế sự, giữ cho thơ luôn mang vẻ đẹp của tâm hồn và rung động của trái tim.

“Bao lâu nữa ta cũng thành mây trắng

Trong chuyến bay không hẹn được chung về?

Bao lâu nữa? Thôi đừng tự hỏi!

Ôi cuộc đời, chớp mắt cơn mê…”

Hồng Thanh Quang không nói đến cái ngắn ngủi của kiếp người để tuyệt vọng hay bi lụy. Anh luôn giữ được sự lạc quan và cái nhìn trong trẻo, giữ được tâm hồn tràn đầy khát vọng. Đó chính là những gì đã làm cho thơ Hồng Thanh Quang luôn thanh thoát, ấm áp và mơ mộng.

Trong tiết trời xuân, ở sân vườn tại tệ xá của nhà thơ Hồng Thanh Quang, anh với mái tóc chải mượt, đôi mắt sáng, hằn nét mộng mơ và không giấu được nét đa tình thiên bẩm. Dáng người cân đối. Phong cách lịch lãm và thân thiện kể cho tôi nghe những câu chuyện về thời tuổi trẻ sục sôi, về những năm tháng cống hiến cho nghiệp báo. Hồng Thanh Quang từng làm báo quân đội, báo công an và Tổng biên tập Báo Đại Đoàn Kết, nhưng cương vị đó chỉ là một nét phụ trong bức chân dung về Hồng Thanh Quang. Anh phóng túng, đa đoan, nhạy cảm và khao khát trong từng khoảnh khắc. Anh thấu hiểu lẽ đời, sắc bén trong việc phân tích những vấn đề xã hội. Nhưng, điều day dứt trong anh lại là một chữ tình…

Với Hồng Thanh Quang, những trang báo Tết, những bài thơ Tết là truyền thống, nó vốn là sự hoài niệm, và đặc biệt trong thời đại công nghiệp, sự hoài niệm đó vô cùng cần thiết trong đời sống. Đó là gốc gác, là văn hóa. “Người ta có thể tạo ra các trí tuệ nhân tạo nhưng không thể tạo ra trái tim cho nó. Sự anh minh lớn nhất là của nhân loại chính là cảm xúc, và cảm xúc có trí tuệ cao nhất. Đối với tôi, trí tuệ của cảm xúc luôn cao hơn là cảm xúc của trí tuệ. Thơ chính là tiếng nói của cảm xúc… khi nào còn con người thì khi đó còn có thơ ca…”- Hồng Thanh Quang xúc động chia sẻ.

Hòa Giang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nha-tho-hong-thanh-quang-tho-tren-bao-tet-mon-cua-xuan-dam-da-cam-xuc-post282370.html