Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở đâu và tại sao nó lại quan trọng trong đạo Hồi?

Một cuộc đột kích của cảnh sát Israel vào nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem hôm thứ Tư đã gây ra phản ứng dữ dội từ người Palestine cũng như trong cộng đồng Hồi giáo toàn thế giới.

Nhà thờ Al-Aqsa ở đâu?

Al-Aqsa nằm ở trung tâm Thành Cổ của Jerusalem, trên một ngọn đồi được người Do Thái gọi là Har ha-Bayit (Núi Đền), và người Hồi giáo quốc tế gọi là al-Haram al-Sharif (Thánh địa Cao quý).

Người Hồi giáo coi địa điểm này là nơi linh thiêng thứ ba trong đạo Hồi, sau Mecca và Medina. Al-Aqsa là tên được đặt cho toàn bộ khu phức hợp và là nơi tọa lạc của hai thánh địa Hồi giáo: Mái vòm Đá và Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, còn được gọi là Nhà thờ Hồi giáo Qibli, được xây dựng vào thế kỷ thứ 8 sau Công nguyên.

Khu phức hợp nhìn ra Bức tường phía Tây, nơi cầu nguyện thiêng liêng của người Do Thái, những người coi Núi Đền là địa điểm linh thiêng nhất của họ. Người Do Thái tin rằng Vua Solomon trong Kinh thánh đã xây dựng ngôi đền đầu tiên ở đó 3.000 năm trước. Một ngôi đền thứ hai đã bị người La Mã san bằng vào năm 70 sau Công nguyên.

Israel đã chiếm được địa điểm này trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 và sáp nhập nó với phần còn lại của Đông Jerusalem và các phần liền kề của Bờ Tây, một động thái không được quốc tế công nhận.

Tại sao Al-Aqsa là điểm nóng giữa Israel - Palestine?

Khu phức hợp Al-Aqsa từ lâu đã trở thành điểm nóng của bạo lực chết người liên quan đến các vấn đề chủ quyền và tôn giáo ở Jerusalem.

Theo sự sắp xếp "hiện trạng" lâu đời của Israel, những người không theo đạo Hồi có thể đến thăm nhưng chỉ những người theo đạo Hồi mới được phép thờ cúng trong khuôn viên nhà thờ Hồi giáo.

Du khách Do Thái ngày nay đang công khai cầu nguyện tại địa điểm này, bất chấp các quy tắc và những hạn chế của Israel, dẫn đến các cuộc biểu tình và bạo lực bùng phát.

Các cuộc đụng độ tại địa điểm này vào năm 2021 đã góp phần gây ra cuộc chiến kéo dài 10 ngày giữa Israel và Gaza, dải đất nằm biệt lập ven biển Địa Trung Hải và đang do nhóm chiến binh Hồi giáo người Palestine là Hamas kiểm soát.

Năm 2000, chính trị gia người Israel Ariel Sharon, khi đó là lãnh đạo phe đối lập, đã dẫn đầu một nhóm các nhà lập pháp Israel đến thăm khu phức hợp al-Haram al-Sharif. Người Palestine đã phản đối, và các cuộc đụng độ bạo lực đã bùng nổ, đồng thời leo thang thành cuộc nổi dậy thứ hai của người Palestine, còn được gọi là Al-Aqsa Intifada.

Hoàng Tôn (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nha-tho-hoi-giao-al-aqsa-o-dau-va-tai-sao-no-lai-quan-trong-trong-dao-hoi-post242446.html