Nhà soạn kịch Olivier Dhénin Hữu: 'Khi rời xa quê hương, việc mất đi ngôn ngữ là điều đau đớn'

Vở nhạc kịch 'Khung cảnh lãng quên' (Paysage dans l'oubli) của nhà soạn kịch Olivier Dhénin Hữu kết hợp cùng nhà soạn nhạc Benjamin Attahir đã ra mắt tại TP.HCM và Hà Nội. Nhân dịp này, nhà soạn kịch người Pháp gốc Việt Olivier Dhénin Hữu đã có những chia sẻ thú vị.

Nhà soạn kịch Olivier Dhénin Hữu

P.V: Xin ông hãy cho biết về sự ra đời của câu chuyện "Khung cảnh lãng quên"?

- Nhà soạn kịch Olivier Dhénin Hữu: Từ lâu, tôi đã có những bức ảnh của gia đình tại Sài Gòn. Chúng thật sự làm tôi mê đắm. Trong một triển lãm về tác phẩm viết lách của tôi tại Quỹ Les Treilles (Provence) - nơi tôi đã đoạt giải vào năm 2018, tôi đã tạo ra một sân khấu và sử dụng những bức ảnh này để dàn dựng. Điều này cũng thôi thúc tôi muốn khám phá quê hương của mẹ, tìm lại quá khứ gia đình mà chẳng ai từng nói về, mà tất cả đều chôn vùi trong ký ức của mình.

Tôi đã suy nghĩ rất lâu về vở kịch Khung cảnh lãng quên. Quá trình viết của tôi luôn rất chậm vì nó liên quan đến việc đọc sách, nghiên cứu "vũ trụ" mà tôi muốn miêu tả. Tôi thực sự không biết gì về Việt Nam ngoại trừ những cảnh đẹp mà tôi đã khám phá trong chuyến đi đầu tiên của mình vào năm 2019, cùng những tác phẩm nghệ thuật đã làm say đắm tôi trong các bảo tàng như tranh và sơn mài của Nguyễn Gia Trí. Tôi đã bắt đầu viết hồi 4 vào mùa xuân, lấy cảm hứng từ truyền thuyết của ngư dân Trương Chi, điều mà tôi đã suy nghĩ từ lâu và khám phá trong một cuốn sách của Phạm Duy Khiêm.

Tôi đã hoàn thành kịch bản ở Sài Gòn. Tác phẩm này xoay quanh nhiều mạch truyện và kết hợp giữa những nhân vật lịch sử, anh hùng huyền thoại và hình tượng vô danh. Antonin trẻ tuổi tìm kiếm câu chuyện về gia đình của mình và dù không thể tiếp cận được tất cả những bí mật bị chôn vùi hoặc mất mát, anh vẫn khám phá ra những câu chuyện khác giúp mình tìm lại quê hương của tổ tiên. Cuốn sách kết thúc bằng sự khôn ngoan nhận ra sự không hoàn thiện của cuộc tìm kiếm và cố gắng tôn vinh hành động viết lách: luôn có một phần thiếu sót sẽ khiến chúng ta tưởng tượng và mơ ước.

Qua vở opera này, chúng ta cuối cùng hiểu được rằng không nên quên đi nguồn gốc và câu chuyện gia đình của mình. Mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống đều được ghi nhận trong lịch sử vĩ đại của đất nước, đậm chất nhân vật lịch sử và huyền thoại.

Những nhân vật trong câu chuyện "Khung cảnh lãng quên"

Trong số các diễn viên của "Khung cảnh lãng quên" có một gương mặt nghệ sĩ cải lương là Tú Quyên. Ông đã đưa một nghệ sĩ cải lương vào một vở opera mang phong cách Tây phương. Liệu có một sự hòa trộn nào giữa opera và cải lương không, thưa ông?

- Các bản nhạc phương Tây và Đông phương được kết hợp trong vở diễn. Hồi thứ ba diễn ra tại triều đình An Nam, các quan chức Việt Nam được thể hiện bởi các ca sĩ cải lương. Điều này cho phép thể hiện cuộc gặp gỡ của hai nền văn hóa rất xa lạ. Tuy nhiên, Benjamin Attahir lại sử dụng các nhạc cụ truyền thống để đệm cho âm nhạc phương Tây của mình nhằm thể hiện sự liên kết, thống nhất.

Hơn 90% khán giả Việt Nam vẫn chưa quen với opera, vì nó có vẻ hàn lâm và đến từ vùng văn hóa khác. Ông nghĩ sao về điều này?

- Vở opera này khác biệt vì nó kể về một phần trong lịch sử Việt Nam. Hầu hết những nhân vật đều là người Việt, và một nửa số nghệ sĩ cũng là người Việt. Đây cũng là cơ hội độc đáo nhất để tôi khắc họa những huyền thoại này, lịch sử của gia đình tôi. Câu chuyện của tôi là câu chuyện của tất cả những người Việt Nam.

Antonie, người cháu ngoại trong câu chuyện hoài niệm ký ức, có phải là chính ông ngoài đời thực?

- Tác phẩm kể về hành trình tìm kiếm ký ức. Khung cảnh lãng quên kết nối hai đất nước, nơi tôi có nguồn gốc và buộc tôi phải suy nghĩ về mối quan hệ giữa cách viết và sân khấu để kể câu chuyện. Phần tiểu sử, phần hồi tưởng, là trung tâm của cách tiếp cận nghệ thuật này nhằm đào sâu cuộc sống trước đây của tôi từ sự lãng quên: cuộc sống của cha mẹ người Việt của tôi.

Mẹ tôi rời Sài Gòn vào năm 1958 khi bà mới 3 tuổi. Anh trai của mẹ tôi khi ấy 7 tuổi và bà ngoại tôi 25 tuổi. Đất nước phương Đông mà gia đình tôi xuất thân thường làm tôi suy nghĩ và nuôi dưỡng sự tò mò trong tôi về cội nguồn. Antonin giống như bản sao của tôi. Tôi thậm chí còn giữ nguyên họ của bà ngoại vì đó là tên tiếng Pháp được nhân viên xã hội đặt cho bà ở Sài Gòn khi bà 8 tuổi.

Ông là người gốc Việt nhưng không nói được tiếng Việt. Việc trân trọng giá trị Việt nhưng lại không nói được tiếng Việt có khiến ông phải trăn trở?

- Ngôn ngữ tiếng Việt bị thất truyền vì khi sang Pháp, bà tôi phải vào viện điều dưỡng. Mẹ tôi và các anh chị em của bà được ở riêng với các gia đình người Pháp vì ông ngoại tôi đã bỏ rơi họ. Sau khi rời xa quê hương, việc mất đi ngôn ngữ chắc chắn là điều đau đớn nhất. Đây là lý do tại sao một phần lịch sử và ký ức của họ đã biến mất. Khám phá và hòa mình vào văn hóa Việt Nam là điều quan trọng nhất trong dự án này.

Cảm xúc của ông khi đứng ở quê hương, cội nguồn của gia đình như thế nào, thưa ông?

- Thật khó để nói vì tôi đã sống ở nhiều thành phố lớn. Tất nhiên là Paris, nhưng cũng có New York (Mỹ) khoảng 15 năm trước, và Rome (Ý) khi tôi còn là sinh viên và sau đó ở Villa Medici. Trở lại Việt Nam sau chuyến đi đầu tiên năm 2019 giống như được trở về nhà vậy. Tôi biết tôi sẽ phải dành một thời gian dài ở đây. Sài Gòn quê mẹ tôi nay đã có chút gì đó giống thành phố quê hương tôi. Trở lại nơi đây là điều bình thường.

Kế hoạch kế tiếp của ông tại Việt Nam là gì?

- Có lẽ là một vở opera mới bằng tiếng Pháp từ các tiết mục, hoặc bộ phim ca nhạc của Jacques Demy và Michel Legrand The Umbrellas of Cherbourg mà tôi muốn đạo diễn. Một tác phẩm rất dễ tiếp cận được biết đến trên toàn thế giới và có thể làm hài lòng công chúng Việt Nam.

Một câu hỏi cuối cùng, cuộc sống của một nghệ sĩ như ông tại Pháp ra sao?

- Tôi may mắn được điều hành công ty của mình và làm việc với những cộng tác viên, nghệ sĩ tài năng trong 15 năm. Đó là một cơ hội thực sự để có thể tạo ra những tác phẩm khiến chúng ta cảm động.

Cảm ơn ông về buổi trò chuyện!

Tam Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nha-soan-kich-olivier-dhenin-huu-khi-roi-xa-que-huong-viec-mat-di-ngon-ngu-la-dieu-dau-don-210637.html