Nhà sáng lập không nên đích thân làm mọi việc

Giữ vai trò người đứng đầu doanh nghiệp, mỗi nhà sáng lập nên tập trung hoạch định tầm nhìn, đường lối rồi giao nhiệm vụ cho cấp dưới, không nên tự thực hiện tất cả các hoạt động ở cấp độ vi mô.

Nhiều doanh nhân có niềm đam mê vô tận với công việc khởi nghiệp, đến mức họ thường cảm thấy cần phải tham gia vào mọi mặt trong hoạt động kinh doanh. Hệ quả là, họ tham gia nhiều đến mức không sẵn lòng chuyển giao công việc cho những nhân sự khác phụ trách. Cuối cùng, nhà sáng lập rơi vào nhiều “điểm mù” mà bản thân không nhận ra, dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng.

Tờ Entrepreneur nêu một ví dụ điển hình về sự thất bại khi nhà sáng lập muốn vươn tay tới mọi hoạt động của start-up, đó chính là Travis Kalanick của Uber. Việc không sẵn lòng trao quyền cho nhân sự phía dưới, thậm chí đứng trên cả ban giám đốc để phủ quyết bất cứ ý kiến nào đã khiến Kalanick cuối cùng đã bị loại khỏi chính công ty của mình.

Theo Entrepreneur, người sáng lập không nên lãng phí thời gian trong tất cả các hoạt động quản lý, đặc biệt ở cấp độ vi mô. Bởi rõ ràng, một nhà sáng lập có quá nhiều việc cần xử lý cùng một lúc, ví dụ tham dự các cuộc họp, trao đổi với nhà đầu tư, tìm kiếm khách hàng, xây dựng quan hệ đối tác… Nếu trực tiếp xử lý những công việc ở tuyến dưới, nhà sáng lập sẽ dễ dàng mắc phải sai sót.

Ông Chiranjiv Patel, đại diện Entrepreneur phụ trách khu vực Nam Á tin rằng, các quyết định của người sáng lập cần tập trung nhiều hơn vào chiến lược tổng thể, chứ không phải thiên về mặt quản lý hoạt động vi mô.

“Start-up chỉ hoạt động hiệu quả khi nhà sáng lập đưa ra các quyết định nhanh chóng. Nhưng nếu người đứng đầu đích thân làm mọi việc, thậm chí tự mình thực hiện tất cả các cuộc điện thoại, thì làm sao còn thời gian ra quyết định. Một trong những trọng điểm dẫn tới sự thành công của các start-up là quá trình hình thành các cấu trúc và quy định bản lề để hướng tới tăng trưởng bền vững. Đó mới là nơi nhà sáng lập cần đầu tư tối đa thời gian”, Chiranjiv Patel nhấn mạnh.

Quan trọng hơn, khi nhà sáng lập tiến hành kiểm soát toàn quyền, hiệu quả hoạt động của start-up sẽ đi xuống. Tờ Entrepreneur phân tích, nếu một nhà sáng lập luôn áp đặt ý tưởng và quyết định của mình lên đội nhóm phía dưới, thì chắc chắn sẽ gặp phải sự chống đối từ phía nhân viên.

Như trong trường hợp của nhà sáng lập Uber, ngày Kalanick bị ép “ngã ngựa”, một thực tế đáng buồn trong bộ máy ứng dụng gọi xe này đã bị phơi bày: Kalanick đứng một bên, những người khác đứng hết sang bên còn lại. Vài tuần sau khi Kalanick rời ghế CEO, chỉ có 1.000 trong số 14.000 nhân viên Uber ký vào lá đơn đề nghị nhà sáng lập này quay trở lại.

Srikanth Sundararajan, nhà quản lý tại Quỹ đầu tư Ventureast cho rằng, việc người đứng đầu cố gắng kiểm soát và tham dự mọi quyết định sẽ có xu hướng làm giảm tính hiệu quả, từ đó kìm hãm sự phát triển của start-up, “ngay cả khi những quyết định vị doanh nhân đó đưa ra có thể hoàn toàn đúng đắn”.

Trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường ngày càng khó khăn và dòng vốn đầu tư đang thắt chặt, theo giới chuyên gia, mỗi nhà sáng lập cần xây dựng một đội nhóm cốt lõi để cùng nhau triển khai các nhiệm vụ, trong đó lý tưởng nhất là tìm cho mình những người đồng sáng lập phù hợp. Kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của tất cả thành viên chủ chốt sẽ giúp nhà sáng lập ra quyết định nhanh chóng, chính xác hơn, thay vì bị kéo đi mọi hướng và cuối cùng nhận cái kết đáng buồn như Travis Kalanick.

Đức Thọ

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nha-sang-lap-khong-nen-dich-than-lam-moi-viec-d195956.html