Nhà ở cho công nhân vẫn 'thả nổi'

Phần lớn các doanh nghiệp chỉ lo tuyển người sao cho đủ và đảm bảo chất lượng, còn nhà ở cho số công nhân được tuyển thì hoàn toàn thả nổi...

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Trong vòng 15 năm qua, bằng sự năng động của mình, các tỉnh miền Trung đã hình thành nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, thu hút hàng chục ngàn lao động tại chỗ, không phải khăn gói vào TPHCM và các tỉnh phía Nam để làm công nhân, vừa xa gia đình, vừa nhiêu khê trong việc đi lại, nhất là những dịp lễ, Tết hoặc có những sự cố nào đó, như dịch dã chẳng hạn.

Nhìn cảnh bồng bế “chạy dịch” của hàng vạn người, đi bằng đủ loại phương tiện trong những năm dịch Covid-19 hoành hành đủ thấy giá trị của những công việc ngay tại quê nhà.

Có lẽ địa phương phát triển các khu công nghiệp nhanh nhất ở miền Trung là Quảng Ngãi. Đã có 240 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại Khu Kinh tế Dung Quất, Khu VSIP và các khu công nghiệp khác, thu hút khoảng 70.000 lao động.

Phần lớn thanh niên trong tỉnh Quảng Ngãi hiện nay, nếu không học các trường đại học thì đều đi làm công nhân tại các khu công nghiệp này sau khi đã qua các lớp dạy nghề trong tỉnh. Ngay cả những người đã tốt nghiệp đại học ở các nơi cũng đã “hồi hương” về đầu quân cho các nhà máy, xí nghiệp tại quê nhà.

Tuy nhiên, có một điều đang bức xúc là nhà ở cho công nhân. Phần lớn các doanh nghiệp chỉ lo tuyển người sao cho đủ và đảm bảo chất lượng, còn nhà ở cho số công nhân được tuyển thì hoàn toàn thả nổi.

Nhìn cảnh mỗi sáng, dọc Quốc lộ 1 từ thành phố Quảng Ngãi ra Tịnh Phong - nơi có nhiều nhà máy đang hoạt động, dày đặc công nhân tất bật đi xe máy đến chỗ làm, đủ thấy sự cần thiết phải mở thêm những con đường mới dẫn về các khu công nghiệp, sớm xây nhà ở cho công nhân cạnh các khu công nghiệp để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho họ.

Số công nhân đi xe máy, phần lớn có nhà cách nhà máy hàng chục cây số. Họ phải đi xa như thế, dù rất vất vả và nguy hiểm nhưng vì không tìm được nhà trọ gần nhà máy hoặc không thể ở trong những căn phòng thuê mướn chật chội và cũ nát như hiện nay.

Được biết, giai đoạn từ 2015 - 2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chưa có dự án nhà ở xã hội nào được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước hoặc của doanh nghiệp.

Hiện tại, có 6 dự án nhà ở cho công nhân là do các doanh nghiệp có quy mô lớn tại Khu Kinh tế Dung Quất đầu tư, phục vụ cho chính công nhân của mình với số lượng 1.198 căn, đáp ứng cho 4.482 người.

Đó là các nhà máy Vinashin Dung Quất, Thép Hòa Phát, Doosan Vina, Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Vẫn còn 65 ngàn công nhân chưa có nhà ở, phải đi làm xa hoặc thuê mướn nhà rất tạm bợ.

Câu nói “ly nông chứ không ly hương”, tức không còn làm nông nghiệp nhưng cũng không phải bỏ quê đi làm ăn ở xứ người, được các tỉnh miền Trung cổ xúy lâu nay, giờ đã thành hiện thực. Tuy nhiên, việc phải đi làm với khoảng cách hàng chục cây số hoặc phải thuê nhà trọ quá ọp ẹp như hiện nay là điều rất nhức nhối.

Nên chăng, khi cấp giấy phép đầu tư cho các doanh nghiệp, chính quyền các địa phương cần phải có điều kiện với nhà đầu tư, đó là phải xây nhà ở cho công nhân. Phải xem đó như một điều kiện ràng buộc đối với nhà đầu tư, còn không thì ngân sách phải bỏ ra để xây nhà bán rẻ cho người lao động thì sự phát triển kinh tế mới bền lâu được.

Trần Đăng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nha-o-cho-cong-nhan-van-tha-noi-post684261.html