'Nhà nông công nghệ' phải tiếp cận được chính sách ưu đãi

Nhà nước đã có nhiều chính sách tốt để thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao. Điều quan trọng là những 'nhà nông công nghệ' cần sớm tiếp cận được các chính sách ưu việt này để tổ chức sản xuất tốt hơn.

Nhiều mô hình thành công

Ngày 19.7, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với báo Dân Việt tổ chức hội thảo “Khởi nghiệp đầu tư làm nghiệp nông nghiệp thông minh: Triển vọng và thách thức”.

Nông nghiệp công nghệ cao đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ

Nông nghiệp công nghệ cao đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ

Tại hội thảo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn và Đầu tư khởi nghiệp quốc gia (NSCI) Nguyễn Tiến Trung cho biết, hơn 10 năm qua đã chứng kiến sự thay đổi rõ rệt của ngành nông nghiệp. Trước đây, nông nghiệp gắn liền với điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa. Hiện tại, nhờ áp dụng khoa học, công nghệ, nhiều mô hình khởi nghiệp đã chứng minh nông nghiệp thông minh là lựa chọn đúng đắn.

Chủ trang trại Gen Xanh, xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) Nguyễn Đức Chinh cho biết, trang trại xuất bán 4 - 5 tấn rau hữu cơ cho khách hàng Hà Nội, dự kiến thu nhập bình quân đạt gần 1 tỷ đồng/ha/năm. Trong quá trình phát triển, trang trại tập trung vào 3 vấn đề là sản phẩm rau hữu cơ, rau bản địa, áp dụng khoa học công nghệ. Trong đó, khoa học công nghệ là yếu tố cốt lõi để giảm giá thành sản phẩm; ví dụ ứng dụng vi sinh vật để phân hủy chất hữu cơ làm phân bón cho cây trồng hay ứng dụng khoa học công nghệ để quản lý sâu bệnh hại.

Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Ngọc - chuyên trồng rau thủy canh cho biết, nếu làm truyền thống 1.000m2 chỉ có thể thu hoạch 40 - 50kg rau/ngày và cần 3 - 4 nhân lực, nhưng áp dụng công nghệ cao có thể đem lại 120 - 150kg rau/ngày và chỉ cần 1 nhân lực. Và nhờ công nghệ quản lý từ xa, Hợp tác xã phát triển thêm 1 trang trại ở Ninh Thuận 4.000m2, năng suất 150kg rau/1.000m2.

Cùng chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp, ông Trần Văn Tân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp an toàn và hữu cơ tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ 2018 đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, thông minh, canh tác hữu cơ với sản phẩm rau má. Đến nay, vùng nguyên liệu trồng rau má, tía tô, diếp cá của Công ty đạt hơn 200ha. Các sản phẩm đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Doanh nghiệp cũng chú trọng liên kết với nông dân, hợp tác xã, giúp bà con có công ăn việc làm ổn định. Hiện giá thu mua rau má tươi dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg; người dân có thu nhập bình quân 12 - 15 triệu đồng/tháng, có những hộ thu nhập cao nhất 40 - 60 triệu đồng/tháng.

Doanh nghiệp mong được tháo gỡ về vốn

Tuy đã ổn định về vùng nguyên liệu nhưng ông Tân đang gặp khó khi chưa tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ông cho biết, cơ chế, chính sách, nguồn vốn hỗ trợ cho nông nghiệp công nghệ cao rất nhiều nhưng doanh nghiệp tiếp cận gần như bằng 0. Nhiều nước áp dụng hỗ trợ vốn vay 0% lãi suất, hỗ trợ giá cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao (hạn ngạch thương mại) trong khi ở nước ta nhiều hợp tác xã, trang trại ứng dụng công nghệ cao phải vay vốn với lãi suất lên tới 9,5%; vay thương mại lên tới 12 - 13%. Do đó, sản phẩm bị giảm sức sức cạnh tranh.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã đều cho rằng, nếu được hỗ trợ vay vốn, những nhà nông công nghệ cao sẽ sản xuất thuận lợi hơn nhiều, sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Tiến, nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương, Nhà nước đã có nhiều chính sách tốt để thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có chính sách về vốn. Những “nhà nông công nghệ” cần sớm tiếp cận được các chính sách ưu việt này để tổ chức sản xuất tốt hơn. Chỉ có áp dụng công nghệ cao mới giúp các sản phẩm nông sản của ta vượt qua được các rào cản kỹ thuật ngày càng cao và khắt khe của thị trường xuất khẩu, ông Tiến nhấn mạnh.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/nha-nong-cong-nghe-phai-tiep-can-duoc-chinh-sach-uu-dai-i336720/