Nhà máy Xe lửa Gia Lâm: Di sản công nghiệp được 'đánh thức' bằng nghệ thuật đương đại

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm được thành lập năm 1905 dưới thời thuộc Pháp. Từ một nhà máy cũ nằm trong diện di dời ra khỏi nội đô - Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và các ga tàu hỏa Hà Nội được cải tạo thành các tổ hợp sáng tạo, 'đánh thức' các di sản công nghiệp, tạo ra hệ giá trị mới phục vụ phát triển thành phố sáng tạo Hà Nội.

Tại Nhà máy có khoảng 10 không gian nghệ thuật, địa điểm tổ chức sự kiện trong những ngày diễn ra Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Ảnh: Hà Nội Mới

Tại Nhà máy có khoảng 10 không gian nghệ thuật, địa điểm tổ chức sự kiện trong những ngày diễn ra Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Ảnh: Hà Nội Mới

Từ 17- 26.11, tại Nhà kho của Phân xưởng Gia công nóng, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, sẽ diễn ra triển lãm Kiến trúc, nhà máy và vẽ (lại) giấc mơ hiện đại do KTS. Mai Hưng Trung, sáng lập Hà Nội Ad Hoc thực hiện.

Với nội dung trưng bày chia làm 5 khu vực, triển lãm đan xen giữa khai phá tài liệu lịch sử về những di sản công nghiệp hoạt động trên mảnh đất Hà Nội và khai phá tinh thần sáng tạo để thiết kế không gian đổi mới kiến tạo giá trị văn hóa.

Khu vực 1, không gian trưng bày nghiên cứu và hồ sơ lưu trữ của 12 nhà máy nổi bật ở Hà Nội, đặc biệt là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Mỗi nghiên cứu này tái hiện dòng lịch sử hình thành của từng địa điểm và trình chiếu những tư liệu liên quan đến Phối cảnh, Tổng mặt bằng và tư liệu ngắn.

Triển lãm “Kiến trúc, Nhà máy và vẽ (lại) Giấc mơ hiện đại” do KTS. Mai Hưng Trung thực hiện.

Triển lãm “Kiến trúc, Nhà máy và vẽ (lại) Giấc mơ hiện đại” do KTS. Mai Hưng Trung thực hiện.

Khu 2, sẽ trưng bày các tác phẩm nghệ thuật lấy chất liệu từ nhà máy xe lửa Gia Lâm và những đối chiếu từ góc nhìn của nghệ sĩ quốc tế.

Đến với khu vực 3, tại đây, người xem có thể tương tác trực tiếp với bản đồ của 170 nhà máy và khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, bao gồm thông tin cụ thể, vị trí của từng nhà máy.

Khu 4, trưng bày triển lãm Đánh thức di sản. Bằng các giải pháp không gian sáng tạo, sinh viên trường Đại học Xây dựng Hà nội đã đề xuất đánh thức không gian di sản, thổi sức sống mới vào các không gian xưa cũ, tái truyền tải các mã gene văn hóa vào thế hệ trẻ ngày nay. Cuối cùng, triển lãm Tiếp cận mới kiến trúc công nghiệp của Đại học Kiến trúc Hà Nội sẽ được trưng bày tại khu vực 5.

Bên cạnh đó, Không gian kiến trúc Pavillion tại Phân xưởng nóng do TOOB Studio thiết kế thực hiện được trưng bày tại Phân xưởng Gia công Nóng 1B. Không gian sẽ trưng bày những ghi chép về những hiện vật tồn tại trong phân xưởng, cũng như cung cấp chuỗi tư liệu hình ảnh của các cơ sở công nghiệp khác ở Việt Nam và thưởng thức các chương trình biểu diễn diễn nhằm góp phần hoàn thiện bức tranh trải nghiệm di sản của người xem.

Trong thời đại công nghệ, các cơ sở sản xuất đời đầu nhường lối cho sự cải tiến và khi đó, những giá trị công nghiệp ngủ yên giữa dòng chảy hiện đại. Chúng ta sẽ cùng ngược dòng thời gian để khơi dậy “tuyến tàu di sản” - khôi phục ghi chép lịch sử về sức sống mãnh liệt của một trong những phân xưởng công nghiệp đầu tiên tại Hà Nội.

Chuyến đi bắt đầu từ Tháp nước Hàng Đậu, kết nối giữa hai đầu ga Long Biên, ga Gia Lâm bắt qua cây cầu Long Biên - minh chứng lịch sử và cuối cùng, dừng chân tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm - di sản công nghiệp thiết yếu trong tiến trình phát triển của Thủ đô.

Không gian Kiến trúc Pavillion tại Phân xưởng nóng do TOOB Studio thiết kế thực hiện.

Không gian Kiến trúc Pavillion tại Phân xưởng nóng do TOOB Studio thiết kế thực hiện.

Lấy cảm hứng từ tác phẩm Tính tương đối của nghệ sĩ thị giác M. C. Escher, đơn vị thiết kế mong muốn đem lại cảm giác vô tận khi khám phá không gian bằng cách di chuyển trên những cốt sàn có cao độ khác nhau. Qua từng nấc thang, không gian sẽ khơi gợi cảm xúc ở từng góc nhìn. Những tia sáng tự nhiên len lỏi qua lớp mái làm nổi bật bề mặt thời gian của những cỗ máy đồ sộ và không gian rộng lớn này đã từng là chốn neo đậu của những cấu trúc vận hành hàng đầu cả nước.

Sự hồi tưởng về quá khứ và phản chiếu giữa đời sống hữu hạn của đời sống con người và sự linh thiêng của thực thể vật chất. Khi quan sát với sự khiêm nhường và tôn trọng, người xem sẽ soi chiếu giá trị tinh thần tiềm ẩn trong đời sống kiến trúc và nhận thấy sự cần thiết để bảo tồn và nuôi dưỡng phần di sản đang dần quên lãng của nhà máy.

Đồng thời, tại phân xưởng 5B trưng bày triển lãm cá nhân sắp đặt nghệ thuật Thủy phủ của họa sĩ Trịnh Minh Tiến. Họa sĩ chia sẻ: “Tôi muốn dấu vết những gì huy hoàng bị chôn vùi và những gì tồn tại đều được chữa lành và hàn gắn bởi nước thông qua các tác phẩm của mình”.

Tác phẩm sắp đặt nghệ thuật “Thủy phủ” của Trịnh Minh Tiến.

Tác phẩm sắp đặt nghệ thuật “Thủy phủ” của Trịnh Minh Tiến.

Không gian triển lãm được chia 3 phần chính: Không gian hiện thực trưng bày những tác phẩm được tác giả thể hiện trên nắp capo ô tô; Không gian siêu thực trưng bày sắp đặt ô tô; Không gian biến ảo thực tại trưng bày điêu khắc Ý niệm được tạo hình bằng vỏ ô tô.

Triển lãm sử dụng chất liệu chính là vỏ ô tô và nước, ô tô là biểu tượng cho phát triển của thời đại cũng như mang ý nghĩa của sự dịch chuyển cả về không gian và thời gian theo dòng chảy lịch sử. Mặt khác, nước tượng trưng cho sự uyển chuyển, tính biến đổi vô thường và ý nghĩa của nó là xoa dịu, hàn gắn vết thương đổ vỡ, cũng như gột rửa sự tiêu cực, từ đó khởi nguồn cho sự chữa lành và sáng tạo những điều mới.

Lấy hai hình tượng một mạnh mẽ, một dịu hòa, họa sĩ Trịnh Minh Tiến mang đến thông điệp: “Đời sống phát triển càng nhanh, cành mạnh, chúng ta càng mong manh và dễ tổn thương hơn, nên triển lãm là sự kết nối hàn gắn vết thương, cũng như mong muốn chúng ta trân quý hơn các giá trị ở hiện tại”.

Nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo

Đến với Lễ hội Thiết kế Sáng tạo năm nay, công chúng không chỉ được thưởng lãm nghệ thuật mà còn được tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động hấp dẫn.

Điển hình như, người tham gia có thể tham gia vẽ tranh 3D, du lịch giả lập, trải nghiệm thực tế ảo và thực tế tăng cường tại Random Techhub. Với mong muốn đưa công nghệ ứng dụng vào nghệ thuật, giải trí nhằm giúp mọi người tiếp cận dễ dàng hơn, đơn vị tổ chức mang đến cho người tham gia không gian trải nghiệm tích hợp các công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường sống động.

Công chúng trải nghiệm thực tế ảo tại Random Techhub.

Công chúng trải nghiệm thực tế ảo tại Random Techhub.

Các hoạt động chính của Random Techhub bao gồm: vẽ tranh 3 chiều, dạy vẽ tranh 3 chiều, du lịch giả lập, đấu trường âm nhạc và các game tương tác 3D khác. Tại đây, các bạn trẻ có cơ hội khám phá tiềm năng vô hạn của bản thân thông qua các hình thức nghệ thuật và giải trí dựa trên công nghệ VR (thực tế ảo).

Không gian trải nghiệm này được đặt tại tầng 2 Nhà chức năng của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, từ ngày 17-26.11. Đây hứa hẹn sẽ là không gian sôi động thuộc chuỗi hoạt động cộng đồng của Tuần lễ Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023.

Ngoài ra, người tham gia có thể trải nghiệm, tương tác với không gian thực tế ảo (virtual reality) và các hoạt động sáng tạo khác của Complex 01 thực hiện. Là không gian hướng tới cộng đồng chung, là “giao điểm” để các cộng đồng riêng có thể gặp gỡ, kết nối, Complex 01 đem lại những giá trị hiện đại, cổ vũ sự trao đổi đa chiều giữa mọi người trong thành phố của Complex 01 tại khu vực Xưởng 3B2 Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.

Đồng thời, công chúng có thể tham gia hoạt động trải nghiệm trò chơi sáng tạo Thả Ga Zone được thực hiện bởi Tòhe Play, Think Playgrounds.

Cụ thể, tại không gian vui chơi của Think Playgrounds, người tham gia sẽ được trải nghiệm các thiết bị vui chơi được thiết kế độc đáo từ vật liệu là lốp xe ô tô cũ, tấm nhựa tái chế,… hứa hẹn sẽ mang đến môi trường phát triển tuyệt vời nhất cho trẻ em, truyền cảm hứng cho các sáng kiến cải tạo không gian công cộng tại các thành phố ở Việt Nam.

Các trải nghiệm tương tác trò chơi sáng tạo tại ‘Thả Ga Zone’.

Các trải nghiệm tương tác trò chơi sáng tạo tại ‘Thả Ga Zone’.

Bên cạnh đó, nhóm sáng tạo Tòhe Play biến hội trường hơn 200m2 cũ kỹ thành một khu vực sáng tạo năng động tại Hội trường nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Không gian này lấy ý tưởng từ sơ đồ mạng lưới đường sắt thế giới, mang nét sáng tạo thú vị nhưng không làm mất đi vẻ đẹp cũ cùng nét kí ức về một di sản công nghiệp - niềm tự hào của Thủ đô một thời. Cùng với đó, hoạt động Dòng chữ xuất phát từ trò chơi nối từ đem lại cho người tham gia trải nghiệm tương tác sáng tạo độc đáo.

Khác với Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022, với trung tâm là khu vực bờ Hồ - quận Hoàn Kiếm, thì tại Lễ hội năm nay, trọng tâm được chuyển sang bên kia sông Hồng, tại một không gian mang khuynh hướng di sản công nghiệp, vốn là một xu hướng không gian nghệ thuật đương đại trên thế giới.

Bài và ảnh: Mộc Trà

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nha-may-xe-lua-gia-lam-di-san-cong-nghiep-duoc-danh-thuc-bang-nghe-thuat-duong-dai-41766.html