Nhà máy bột giấy bí đường xả thải

Nhà máy Bột giấy VNT-19 với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng hiện chưa biết xả thải đi đâu, vì vị trí đặt đường ống xả thải ra vịnh Việt Thanh vấp phải sự phản đối của người dân

Dự án Nhà máy Bột giấy VNT-19 được khởi công năm 2015 tại xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Qua 3 lần điều chỉnh, hiện dự án được nâng công suất giai đoạn 1 là 350.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, diện tích đất sử dụng (giai đoạn 1) là 117 ha, tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng.

Lo ngại ô nhiễm

Theo dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động quý IV/2024. Thế nhưng, dự án đang bí đường xả thải khi người dân ở các xã Bình Phước, Bình Trị, Bình Hải… không cho chủ đầu tư đặt ống xả thải ra vịnh Việt Thanh.

Theo người dân, vịnh Việt Thanh là thắng cảnh đẹp bật nhất Quảng Ngãi, hằng năm thu hút rất đông khách du lịch đến tham quan, tắm biển, cũng là vùng biển mưu sinh, khai thác hải sản của khoảng 300 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu suốt hàng trăm năm qua. Việc chủ đầu tư đặt đường ống xả thải ra vịnh Việt Thanh sẽ khiến rất nhiều gia đình bị ảnh hưởng do tình trạng ô nhiễm môi trường...

Sau nhiều năm triển khai xây dựng, đến nay dự án Nhà máy Bột giấy VNT-19 vẫn bí đường xả thải

Sau nhiều năm triển khai xây dựng, đến nay dự án Nhà máy Bột giấy VNT-19 vẫn bí đường xả thải

Bà Tiêu Thị Lộc (thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị) cho biết từ bao đời nay, người dân ở thôn Lệ Thủy sống nhờ vào sản xuất lúa và đánh bắt hải sản. Mấy năm trước, các dự án khác đầu tư trên địa bàn đã lấy đi nhiều diện tích đất ruộng, bây giờ nguồn thu nhập chính chỉ dựa vào đánh bắt hải sản ở vịnh Việt Thanh.

"Vị trí đặt đường ống xả thải đi ngang qua ruộng nhà tôi, xả trực tiếp xuống vịnh Việt Thanh. Trong khi gia đình tôi hằng ngày đánh bắt cá, mưu sinh ở vịnh này. Nếu nhà máy giấy xả thải xuống đó, cá tôm sẽ không còn, cuộc sống người dân chúng tôi biết làm sao? Không những gia đình tôi mà hàng trăm, hàng ngàn hộ dân ở các xã khác mưu sinh nhờ vịnh Việt Thanh này cũng đều phản đối" - bà Lộc nói.

Nếu đã tuyên truyền, vận động, giải thích mà người dân vẫn không chịu cho nhà máy đặt ống xả thải, cơ quan chức năng phải sử dụng biện pháp hành chính. Người dân hay doanh nghiệp đều phải tuân thủ pháp luật" - ông Đặng Văn Minh nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, bà Lê Thị Mình (thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị) nêu ý kiến việc xả thải nếu không bảo đảm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với nguồn nước và chất lượng của hải sản đánh bắt. "Chủ đầu tư khẳng định nguồn nước xả thải ra môi trường sẽ không gây độc hại nhưng làm gì có chuyện nước thải từ nhà máy bột giấy mà không độc hại?" - bà Mình quả quyết.

Theo ông Nguyễn Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trị, khu vực này hiện đã có vị trí xả thải của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Đây là công trình trọng điểm quốc gia nên trước đây người dân đã chấp thuận. Bây giờ người dân thôn Lệ Thủy không đồng tình vì cho rằng chưa đầy 1 km mà có đến 2 vị trí xả thải sẽ làm mất ngư trường khai thác.

Gây ô nhiễm, nhà máy phải đóng cửa

Nhằm tạo sự đồng thuận của người dân, tháng 6-2022, UBND huyện Bình Sơn tổ chức hội nghị tham vấn cộng đồng liên quan đến hoạt động xả nước thải ra vùng biển vịnh Việt Thanh của Nhà máy Bột giấy VNT-19. Buổi tham vấn không nhận được ý kiến đồng thuận từ người dân.

Trước việc này, chủ đầu tư Nhà máy Bột giấy VNT-19 đã gửi kiến nghị đến UBND tỉnh Quảng Ngãi, đề xuất cho phép thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng hạng mục tuyến thoát nước thải sau xử lý, cho phép thi công đoạn ống xả ngầm trên vịnh Việt Thanh.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng về mặt pháp luật thì người dân không được cản trở nhà máy đặt ống xả thải ra vịnh Việt Thanh.

"Chúng tôi hiểu về lo lắng của người dân nhưng bây giờ doanh nghiệp chưa làm thì dựa vào cơ sở nào để nói họ gây ô nhiễm môi trường, rồi cản trở, không cho người ta làm? Quan điểm của lãnh đạo tỉnh rất rõ ràng, nếu doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường, tỉnh dứt khoát yêu cầu đóng cửa nhà máy. Còn bây giờ phải để doanh nghiệp làm, vì họ đã đầu tư dự án gần 10.000 tỉ đồng, cản trở không cho họ đặt ống xả thải là không được" - ông Đặng Văn Minh giải thích.

Cũng theo ông Đặng Văn Minh, đối với dự án của Nhà máy Bột giấy VNT-19, việc đánh giá tác động môi trường thuộc chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, không thuộc chức năng của tỉnh Quảng Ngãi. Lãnh đạo tỉnh cũng nói rất nhiều lần với chủ đầu tư, nếu nhà máy gây ô nhiễm môi trường thì phải đóng cửa, hoạt động kinh doanh bị đình trệ thì tự chịu. "Doanh nghiệp cũng phải ý thức chuyện này, nếu mạo hiểm để ảnh hưởng đến môi trường thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp" - ông Đặng Văn Minh nói.

Ông Đặng Văn Minh cho biết đã giao huyện Bình Sơn, chính quyền địa phương tuyên truyền và vận động cho người dân hiểu, tạo đồng thuận để thi công vị trí xả thải nhà máy.

Bài và ảnh: Tử Trực

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/nha-may-bot-giay-bi-duong-xa-thai-2023082020532824.htm