Nhà làm phim ngắn của Việt Nam rất thiệt thòi

Nhà làm phim ngắn ở Việt Nam cần môi trường cũng như chính sách hỗ trợ nhiều hơn để phát triển. Đó là thông tin được đưa ra tại Tọa đàm 'Sức mạnh của phim ngắn trong thúc đẩy biến đổi, phát triển xã hội tại TP.HCM' diễn ra ngày 28/10. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim ngắn TP.HCM lần thứ nhất.

Theo đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, với phim ngắn, tiền rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Thành công của phim đó là thuyết phục được người khác cùng chơi với mình bằng niềm tin, tình yêu với bộ phim, khả năng kể chuyện thuyết phục người khác. Đó chính là phẩm chất mà nhà làm phim trẻ phải có, cũng là phẩm chất mà nhà đầu tư rất muốn nhìn thấy.

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ liên hoan phim ngắn TP.HCM lần thứ 1

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ liên hoan phim ngắn TP.HCM lần thứ 1

Hiện nay, nhiều quốc gia có nền điện ảnh mạnh đều thể hiện sự quan tâm và hỗ trợ mạnh mẽ cho nhà làm phim trẻ thông qua các hoạt động hỗ trợ làm phim ngắn. Nhiều tổ chức phi chính phủ tài trợ cho các hoạt động làm phim ngắn. Các liên hoan phim lớn nhất trên thế giới đều có hạng mục giải thưởng dành cho phim ngắn. Tiền thưởng cho phim ngắn đoạt giải có khi còn lớn hơn cả phim dài đoạt giải.

Phim ngắn là nơi để thể nghiệm câu nói: "Cái khó ló cái khôn", thế nên đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho rằng, nhiều bộ phim ngắn có cách thực hiện rất sáng tạo, hiệu quả mà không tốn quá nhiều tiền; là cuộc chơi vừa sức cho những người mới bắt đầu sự nghiệp.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói: "Sau khi đi làm khá nhiều phim, kể cả phim ngắn, phim tài liệu, phim truyền hình sau đó thì mới đi học và con đường như vậy thì tôi nhận thấy rằng là phim ngắn chính là những bài học mà thực sự mang lại giá trị rất lớn đối với một người làm phim".

Trao đổi tại tọa đàm, nhà làm phim trẻ Lưu Ly cho biết, khi đưa phim ngắn của Việt Nam ra nước ngoài để kêu gọi đầu tư phát triển, nhà đầu tư quan tâm đầu tiên là hành trình của bộ phim đã đi qua những quỹ đầu tư nào, giải thưởng ra sao. Và quan trọng hơn, họ quan tâm và đánh giá cao những bộ phim nhận được sự đầu tư từ chính những quỹ làm phim trong nước. Đây là điểm thiệt thòi đối với nhà làm phim ngắn của Việt Nam.

Chị Lưu Ly, cựu sinh viên Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM chia sẻ tại tọa đàm

Chị Lưu Ly, cựu sinh viên Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM chia sẻ tại tọa đàm

Chia sẻ thêm về việc đưa phim ngắn ra nước ngoài, Lưu Ly cho hay, các nước Đông Nam Á, gần nhất là Singapore rất quan tâm, khuyến khích và bỏ tiền ra đầu tư những bộ phim kể được những câu chuyện về lịch sử, văn hóa và con người bản địa. Đây có lẽ là điều tạo được sự hứng thú đối với người làm phim ngắn:

Nhà làm phim Lưu Ly nói: “Em cũng mong là chúng ta sẽ ở trong một một hệ sinh thái, mọi người cũng hỗ trợ nhau trong việc làm phim Việt Nam, nó hài hòa hơn để tất cả mọi người đều có thể có đầu ra với phim ở Việt Nam và phim quốc tế”.

Vũ Hường - Thảo Quỳnh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/san-khau-dien-anh/nha-lam-phim-ngan-cua-viet-nam-rat-thiet-thoi-post1055607.vov