Nhà hát Opera Sydney 50 tuổi: Cánh buồm nâng tầm văn hóa Australia

Sau 50 năm xây dựng và phát triển, nhà hát Opera Sydney không chỉ là địa điểm biểu diễn nghệ thuật thông thường, mà còn vươn tầm trở thành biểu tượng quốc tế và di sản văn hóa của xứ sở kangaroo.

Tọa lạc trên bán đảo Bennelong Point, nhà hát Opera Sydney là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất thế kỷ XX. (Nguồn: CNN)

Tọa lạc trên bán đảo Bennelong Point, nhà hát Opera Sydney là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất thế kỷ XX. (Nguồn: CNN)

Sau 50 năm kể từ khi chính thức khai trương ngày 20/10/1973, nhà hát Opera Sydney đã tổ chức hàng ngàn buổi biểu diễn nổi tiếng thế giới, tạo nên nhiều khoảnh khắc ấn tượng in đậm vào tâm thức khán giả đến tận ngày nay.

Nhà hát hình cánh buồm đã đón chào sự hiện diện của nhiều nhân vật nổi tiếng như Oprah Winfrey, Bob Dylan và nhóm nhạc One Direction. Đáng chú ý, Opera Sydney còn được ví von là biểu tượng chính trị của Australia, sau khi Giáo hoàng John Paul II, Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi Nelson Mandela và các Tổng thống Mỹ đều ghé thăm địa điểm đặc biệt này.

Có một thực tế là công trình này đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử và kiên cường vượt qua khó khăn trước khi đạt được tầm ảnh hưởng quốc tế như hiện nay. Hãy cùng Báo Thế giới & Việt Nam nhìn lại 50 năm đáng nhớ của nhà hát con sò.

Con đường đầy chông gai

Năm 1954, Thủ hiến bang New South Wales Joseph Cahill đã triệu tập hội nghị xây dựng nhà hát opera cho Sydney nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân địa phương.

Ông phát động cuộc thi thiết kế quốc tế vào ngày 13/9/1955 và nhận được 233 bài thi từ 32 quốc gia. Tiêu chí thiết kế bao gồm sảnh lớn 3.000 chỗ ngồi và một hội trường nhỏ có sức chứa 1.200 người. Nhà hát có thể được sử dụng để trình diễn opera, nhạc giao hưởng và hợp xướng, cũng như tổ chức họp quy mô lớn, biểu diễn múa ba lê. Cuộc thi kéo dài trong 2 năm và chiến thắng cuối cùng thuộc về kiến trúc sư Đan Mạch Jørn Utzon với bản thiết kế nhà hát hình con sò như hiện nay.

 Tổng diện tích xây dựng của nhà hát lên đến 1.8ha, trong đó chiều rộng là 120m và chiều cao là 183m. Công trình được xây dựng trên nền móng vững chắc với 500 tấn bê tông nằm sâu 25m dưới biển. (Nguồn: Getty Images)

Tổng diện tích xây dựng của nhà hát lên đến 1.8ha, trong đó chiều rộng là 120m và chiều cao là 183m. Công trình được xây dựng trên nền móng vững chắc với 500 tấn bê tông nằm sâu 25m dưới biển. (Nguồn: Getty Images)

Dự án Opera Sydney khởi công vào năm 1959, với sự tham gia của hơn 10.000 công nhân và 7 triệu AUD dự trù kinh phí. Nhà hát dự kiến khai trương vào ngày Quốc khánh Australia (ngày 26/1) năm 1963. Nhưng do các vấn đề như gia tăng chi phí, trục trặc kỹ thuật đã khiến cho tiến độ hoàn thành công trình bị chậm trễ. Thậm chí, những sự cố này là nguyên nhân tranh cãi giữa kiến trúc sư trưởng Jørn Utzon và quan chức sở tại, dẫn đến việc ông Utzon rời dự án vào năm 1966.

Sau 14 năm ròng rã vượt qua nhiều biến cố, nhà hát chính thức khánh thành vào ngày 20/10/1973. Buổi lễ có sự tham dự của Nữ hoàng Elizabeth II, Hoàng tử Philip và Thủ hiến bang New South Wales Robert Askin, cùng hàng triệu người dân Australia.

Nữ hoàng Elizabeth II hiện diện tại buổi khánh thành nhà hát Opera Sydney trước sự chào đón của người dân địa phương. (Nguồn: NFSA Film)

Nữ hoàng Elizabeth II hiện diện tại buổi khánh thành nhà hát Opera Sydney trước sự chào đón của người dân địa phương. (Nguồn: NFSA Film)

Đó là ngày đặc biệt với quần chúng xứ sở kangaroo, họ được thưởng thức màn bắn pháo hoa đặc sắc và hoạt động trình diễn của những vũ công bản địa Lardil đảo Mornington. Tất cả hòa chung nhịp đập trong bầu không khí hân hoan của sự kiện trọng đại, đánh dấu sự ra đời của kiệt tác kiến trúc - nhà hát Opera Sydney.

Chứng nhân lịch sử

Nhờ những cống hiến to lớn đối với nhân dân Nam Phi, ông Nelson Mandela được trao tặng giải thưởng Nobel vì Hòa bình vào tháng 12/1993. (Nguồn: Sydney Opera House)

Nhờ những cống hiến to lớn đối với nhân dân Nam Phi, ông Nelson Mandela được trao tặng giải thưởng Nobel vì Hòa bình vào tháng 12/1993. (Nguồn: Sydney Opera House)

Tháng 10/1990, lãnh tụ vĩ đại của Nam Phi Nelson Mandela đã đến nhà hát Opera Sydney để thực hiện bài phát biểu đầu tiên sau 27 năm ở đảo Robben. Ông đứng trước 40.000 người Australia và gửi lời cảm ơn tới Sydney vì đã lên tiếng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Ông Mandela tỏ ra nghẹn ngào khi bài hát giải phóng toàn châu Phi Nkosi Sikelel 'iAfrika (Lord Bless Africa) cất lên. Chính bài hát đó sau này trở thành một phần của quốc ca Nam Phi khi nước này giành độc lập.

Olympic Sydney 2000 được xem là một trong những thế vận hội có quy mô hoành tráng nhất lịch sử thể thao thế giới. (Nguồn: AP)

Olympic Sydney 2000 được xem là một trong những thế vận hội có quy mô hoành tráng nhất lịch sử thể thao thế giới. (Nguồn: AP)

Trong bối cảnh Australia đăng cai Thế vận hội Olympic 2000, chính quyền Sydney đã chọn nhà hát con sò làm địa điểm khai mạc Lễ hội nghệ thuật Olympic. Người dân địa phương và khán giả quốc tế có cơ hội thưởng thức màn biểu diễn đậm đà bản sắc văn hóa của xứ sở kangaroo, với âm thanh đặc trưng của nhạc cụ truyền thống didgeridoos và clapsticks.

Sự kiện còn chào đón sự hiện diện của tài tử người Italy Andrea Bocelli, với tên tuổi gắn liền những nhạc phẩm nổi tiếng như Besame Mucho, Time To Say Goodbye, Vivo Per Lay. Bên cạnh đó, nghệ sĩ múa bale Sylvie Guillem, các ngôi sao của Opera Australia và The Australian Ballet cũng góp mặt và mang lại trải nghiệm khó quên cho khán giả.

Dòng chữ đỏ trên mái nhà hát Opera Sydney năm 2003 đã trở thành thông điệp chính trị thu hút dư luận quốc tế. (Nguồn: Reuters)

Dòng chữ đỏ trên mái nhà hát Opera Sydney năm 2003 đã trở thành thông điệp chính trị thu hút dư luận quốc tế. (Nguồn: Reuters)

Tháng 3/2003, đất nước Australia chứng kiến một sự kiện bất ngờ, khi hai nhà hoạt động vì hòa bình Dave Burgess và Will Saunders leo lên mái nhà hát Opera Sydney để phản đối chiến tranh Iraq. Họ dùng sơn đỏ để viết dòng chữ “Không chiến tranh” trên mái nhà.

Hai người sau đó bị kết tội cố ý gây thiệt hại, 9 tháng ngồi tù và phải thanh toán hóa đơn dọn dẹp trị giá 151.000 AUD của nhà hát. Sau này, những vật dụng của hai người, gồm đôi giày thể thao Dunlop Volley và con lăn sơn, được trưng bày tại Bảo tàng chiến tranh Australia như một phần của triển lãm chiến tranh Iraq.

Ngày 28/6/2007, nhà hát Opera Sydney được Tổ chức Khoa học, giáo dục và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới. UNESCO nhìn nhận nhà hát Opera Sydney là một “công trình táo bạo, một thử nghiệm có tầm nhìn rộng lớn và ảnh hưởng tới nghệ thuật kiến trúc cuối thế kỷ XX”.

Đây là công trình trẻ tuổi nhất trong danh sách các di sản thế giới và với nhiều người, Opera Sydney luôn là biểu tượng văn hóa Australia, tương tự như đền thờ Taj Mahal ở Ấn Độ, tháp Eiffel của Pháp hay kim tự tháp ở Ai Cập.

Như vậy, nhờ tầm nhìn của Thủ hiến bang New South Wales và đôi tay tài hoa của kiến trúc sư Đan Mạch, nhà hát Opera Sydney đã kiên trì vượt qua sóng gió và được Nữ hoàng Anh Elizabeth II cắt băng khánh thành cách đây tròn nửa thế kỷ. Kể từ dấu mốc trọng đại đó, nhà hát hình cánh buồm đã đi qua nhiều sự kiện lịch sử đặc biệt và từng bước trở thành một trong những trung tâm văn hóa-nghệ thuật quốc tế.

(theo ABC News)

Xuân Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-hat-opera-sydney-50-tuoi-canh-buom-nang-tam-van-hoa-australia-247150.html