Nhà giáo, Phó Giáo sư Phan Văn Các từ trần

Nhà giáo, Phó Giáo sư Phan Văn Các, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đã từ trần vào hồi 11 giờ 22 phút ngày 06/10/2020, hưởng thọ 87 tuổi.

Theo thông tin từ gia đình Nhà giáo, Phó Giáo sư Phan Văn Các, do tuổi cao sức yếu, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được các thầy thuốc và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa nhưng ông không qua khỏi, đã từ trần vào hồi 11 giờ 22 phút ngày 06/10/2020 tại Hà Nội, hưởng thọ 87 tuổi.

Nhà giáo, Phó Giáo sư Phan Văn Các (bút danh Phác Can) sinh ngày 21/6/1934 tại xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình có truyền thống Nho học. Thân phụ ông là thày đồ dạy chữ Hán, là hương sư dạy chữ quốc ngữ, đồng thời là lương y bắt mạch bốc thuốc chữa bệnh cứu người.

Thuở nhỏ, ông sống với gia đình ở quê và được giáo dưỡng rất nghiêm, lớn lên được cho đi học, rồi tham gia công tác. Do tố chất thông minh lanh lợi, lại siêng năng cần mẫn, nên ở cương vị nào ông cũng đạt được kết quả tốt, được anh em bè bạn kính nể, tôn vinh.

Trước Cách mạng tháng Tám, ông được gia đình cho đi học ở thành phố Huế. Năm 1946, ông tốt nghiệp Tiểu học, nhận bằng Sơ học yếu lược. Năm 1947, ông về quê nhà học ở Trường Trung học Phan Đình Phùng tại thị trấn Đức Thọ. Tháng 3/1951, ông được kết nạp vào Đoàn thanh niên Cứu quốc.

Năm 1952, sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông trở về quê tại thôn Lạc Đình, xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tham gia công tác đoàn thể, tích cực tham gia công tác Bình dân học vụ, đem cái chữ đến cho người dân. Với tinh thần làm việc hăng say, ông được bạn bè tin tưởng bầu làm Bí thư Chi đoàn Thanh niên Cứu quốc thôn Lạc Đình, xã Đức Lạc.

Năm 1954, ông được Đảng và Nhà nước cho đi tu học ở Khoa Sư phạm Trung văn tại khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc. Năm 1956, sau khi tốt nghiệp Khoa Sư phạm, ông được cử về dạy Trung văn tại Đại học Nông Lâm. Tài năng dạy học của ông đong đầy chữ nghĩa cho bao lớp kỹ sư Nông nghiệp thời đó.

Năm 1962, do có năng lực sư phạm nổi trội, ông được mời về giảng dạy tại khoa Trung văn Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Năm 1976, ông được nhà trường Sư phạm cho đi tiến tu tại trường Đại học Nam Kinh trong thời gian 2 năm.

Trong một số bài viết của mình, ông cho biết bản thân đã có thời gian dài hơn 20 năm đứng lớp và đóng góp một phần công sức đào tạo nhiều nhà giáo có đức, có tài.

Năm 1984, ông được điều về làm công tác nghiên cứu tại Viện Hồ Chí Minh thuộc Viện Mác - Lênin (Nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Do có nhiều đóng góp cho công tác giảng dạy và nghiên cứu, ông được Hội đồng chức danh Nhà nước phong Học hàm Giáo sư I (nay là Phó Giáo sư). Tại đây, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và tham gia Hội Nhà văn Việt Nam.

Năm 1990, ông được điều động về đảm nhận chức vụ Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Mười năm công tác tại Viện, ông đã lãnh đạo Viện làm việc có hiệu quả, như: Xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, chỉ đạo và tham gia đào tạo 17 Thạc sĩ Hán Nôm, 13 Phó Tiến sĩ Hán Nôm; tổ chức nghiên cứu khai thác có hiệu quả, cho in ấn giới thiệu nhiều ấn phẩm quan trọng: Thơ đi sứ, Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các đời, Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam…

Hơn sáu mươi năm giảng dạy và nghiên cứu, ông đã đóng góp cho xã hội hàng trăm công trình khảo cứu có giá trị, được giới học giả trong nước và ngoài nước đón nhận, như: Về giáo trình giảng dạy đại học và sau đại học, có: Sách học tiếng Trung Quốc, Giáo trình Hán Nôm cao đẳng sư phạm, Ngữ văn Hán Nôm. Về sách công cụ tra cứu, có: Từ điển Trung Việt, Từ thường dùng trong Hán ngữ cổ, Từ điển Hán Việt, Sổ tay từ Hán Việt. Về dịch tiếng Trung Quốc, có: Thơ Quách Mạt Nhược, Lịch sử văn hóa Trung Quốc. Về dịch Hán Nôm, có: Thơ văn Nguyễn Cao, Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh ngoài Ngục trung nhật ký. Về sách chuyên khảo, có: Đạo đức Hồ Chí Minh; Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 11; Tổng tập Văn khắc Việt Nam, tập 1… Các công trình khoa học của ông được các học giả trong nước và ngoài nước đánh giá cao, được đồng nghiệp và bao lớp học trò tiếp thu, sử dụng. Nhờ những kết quả lao động này, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen…

Lễ viếng Nhà giáo, Phó Giáo sư Phan Văn Các diễn ra từ 8 giờ đến 10 giờ ngày 10/10/2020 tại Nhà tang lễ Cầu Giấy, phố Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 10 giờ cùng ngày. Hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội.

Thành Tâm

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/nha-giao-pho-giao-su-phan-van-cac-tu-tran-565113.html