Nhà đầu tư ứng xử ra sao trong bối cảnh tiền chưa thực sự 'rẻ'?

Mặt bằng lãi suất thấp và chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán phục hồi thời gian tới. Tuy nhiên nhà đầu tư vẫn cần cẩn trọng với 'bẫy giảm giá' khi các chỉ số trên thị trường liên tục tăng trưởng kéo dài và dòng tiền đầu tư chưa thực sự rẻ.

Phía sau những phiên giao dịch tỉ đô

Phiên giao dịch ngày 18-3 ghi nhận giá trị giao dịch kỷ lục trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam với gần 48.000 tỉ đồng – tương đương 1,8 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 17.000 tỉ đồng so với phiên liền trước do nhà đầu tư “bắt đáy” ồ ạt. Những phiên sau đó, thị trường nhanh chóng hồi phục và phần lớn nhà đầu tư mua vào trong phiên 18-3 có lãi, nhưng ít nhà đầu tư bán ra trong bối cảnh thị giá của nhiều cổ phiếu trên thị trường liên tục tăng trưởng.Kết quả, VnIndex đã tăng khoảng 13% so với đầu năm.

Nhịp phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam được hỗ trợ vững chắc bởi xu hướng hồi phục tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp. Ảnh: LÊ VŨ

Đáng lưu ý, thị giá cổ phiếu và các chỉ số trên thị trường liên tục gia tăng trong bối cảnh hoạt động sản xuất – kinh doanh trong nước còn nhiều khó khăn, thị trường bất động sản chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc. Điều này, theo TS Trương Văn Phước – nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, xuất phát từ việc lãi suất tiết kiệm hiện ở mức rất thấp, thị trường cổ phiếu đã suy giảm trong một thời gian dài, nên khi triển vọng vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam bắt đầu sáng hơn thì việc phục hồi diễn ra.

Bên cạnh triển vọng vĩ mô, những yếu tố từng gây sóng gió cho thị trường chứng khoán như trái phiếu dần đi vào ổn định. Trong khi đó, vụ việc xảy tại SCB và Tân Hoàng Minh… đã được kiểm soát và đưa ra xét xử, qua đó lấy lại được niềm tin cho thị trường.

Ngoài ra, Fed và các ngân hàng Trung ương sẽ điều chỉnh giảm lãi suất trong thời gian tới vì tăng trưởng thế giới sẽ đi lên, lạm phát đạt đỉnh và bắt đầu đi xuống.

“Đô la Mỹ vẫn là một đồng tiền mạnh, kể cả trong cơ cấu dự trữ thế giới và vai trò trong thanh toán, đầu tư của thị trường tài chính quốc tế. Ba lần cắt giảm lãi suất sắp tới trong năm 2024 theo như nhận định của Fed sẽ có những tác động mạnh”, ông Phước nói và dự báo tỷ giá của đồng đô la so với các ngoại tệ mạnh có khả năng giảm xuống, hướng dòng vốn quay trở lại các thị trường mới nổi, gồm Việt Nam.

Cũng theo chuyên gia này, các nhà đầu tư vào tài sản tài chính như cổ phiếu sẽ nhìn vào triển vọng của tương lai, tức khi nhìn thấy viễn cảnh có nhiều điểm sáng thì họ sẽ sẵn sàng bỏ tiền.

Đồng quan điểm, đại diện một số công ty chứng khoán cũng cho rằng xu hướng phục hồi của TTCK Việt Nam nhờ niềm tin nhà đầu tư được củng cố. Ngoài ra, Chính phủ đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời, NHNN cũng liên tiếp hạ lãi suất điều hành giúp dòng tiền chảy vào chứng khoán mạnh hơn.

Bà Phạm Huyền Trang, Giám đốc phân tích SSI Research cho rằng, hiện chưa thể khẳng định kinh tế đã qua vùng đáy hay chưa.

“Vẫn còn quá sớm để nói về sự phục hồi, nhưng chứng khoán thường đi trước khi triển vọng tích cực hơn. Đây là kênh đầu tư của kỳ vọng và đang phản ánh tín hiệu tích cực”, bà Trang nói.

Theo số liệu của SSI Research, hầu hết lợi nhuận các ngành, doanh nghiệp có dấu hiệu tạo đáy và trên đà phục hồi tính đến quí 3-2023. Điều này giúp nhà đầu tư nhận thấy gam màu tươi sáng hơn khi quan sát triển vọng các ngành. Đây chính là động lực giúp chứng khoán khởi sắc.

Cùng quan điểm, ông Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc nghiên cứu và tư vấn đầu tư – Công ty chứng khoán DNSE cho biết, nhiều yếu tố để nhà đầu tư đặt niềm tin trở lại vào chứng khoán.

Chẳng hạn, chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ đều tăng lần lượt 6% và hơn 8%. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hai tháng đầu năm thêm hơn 38%. Xuất khẩu – động lực tăng trưởng của GDP – vượt 19% nếu loại trừ yếu tố mức nền thấp của cùng kỳ. “Điều này cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế ở mức rõ nét và phản ánh qua các con số vĩ mô”, ông Hòa đánh giá.

Còn ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược của Công ty chứng khoán VPBankS, cho biết sự phục hồi của thị trường cũng tới từ kỳ vọng vào khả năng nâng hạng thị trường vào 2025 và sự vận hành hệ thống giao dịch mới KRX. Thực tế ở nhiều quốc gia, chỉ số chứng khoán thường tăng 30-50% trong hai năm sau khi nâng hạng thị trường. Niềm tin nhà đầu tư quay trở lại tác động tích cực đến thị trường trong nước.

Với yếu tố dòng tiền, đại diện VPBankS cho rằng giai đoạn tiền rẻ – yếu tố từng kéo thị trường đi lên vào 2021 – chưa thực sự xuất hiện, dù lãi suất giảm.

“Lãi suất huy động đang ở mức thấp, đây là chính sách đúng để hạ chi phí vốn. Nhưng hiện chưa phải giai đoạn tiền rẻ, tín dụng tăng tốc khá nhanh trong nửa cuối 2023 chủ yếu mang nhiều tính kỹ thuật”, ông Sơn nói.

So với năm 2019, mặt bằng lãi suất điều hành đang thấp hơn, nhưng thực tế lãi cho vay cũ chưa giảm tương ứng với huy động. Khả năng tiếp cận vốn tín dụng giá rẻ chưa tích cực như “chu kỳ tiền rẻ” trước đây.

Ngoài ra, ông Sơn dự báo lãi suất điều hành cũng khó hạ thêm, do sẽ gây áp lực lên tỷ giá.

“Để khẳng định thị trường đã bước vào chu kỳ tiền rẻ hay chưa cần chờ những yếu tố bên ngoài, gồm việc Fed bao giờ hạ lãi suất, hạ bao nhiêu, thời gian thế nào?”, ông Sơn nói.

Cẩn trọng với “bẫy giảm giá”

Dự báo triển vọng kênh đầu tư chứng khoán, ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment cho rằng, TTCK đang ở giai đoạn tốt dù kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn. Điều này trái ngược với trong quá khứ.

“Thường thì khi nền kinh tế khó khăn các chính sách tài khóa, nới lỏng tiền tệ được đưa ra. Các chính sách hiện tại đang kích thích mạnh và là điều kiện tốt để chứng khoán phát triển, nhưng thị tường không phải năm nay mới tăng mà đã tăng từ năm ngoái”, ông Trung nói tại hội thảo “Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư 2024” mới đây.

Cũng theo vị này, chỉ số VnIndex đang được định giá ở mức trung bình thấp với P/E dưới 15 lần, trong khi P/E của Vn-Index thường ở mức hơn 20 lần trong giai đoạn 2018-2022. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất thấp hơn giai đoạn xảy ra dịch Covid-19 cũng là yếu tố tích cực với thị trường chứng khoán.

“VnIndex sẽ lên đến 1.500 và đầu năm sau sẽ lên vùng cao mới khi sở hữu nhiều yếu tố thiên thời cho chứng khoán tăng trưởng. Ngoài ra, thị trường chứng khoán thế giới phần lớn đã vượt đỉnh, năm nay cũng là năm rất tốt VN-Index vượt đỉnh”, ông Trung nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vị này cũng lưu ý là trong một chu kỳ tăng trưởng dài hạn, VnIndex sẽ có những nhịp chỉnh đan xen 5-7%. Cụ thể, trong xu hướng từ đáy lên đỉnh, sẽ có khoảng 4-6 nhịp điều chỉnh. Do đó, năm 2024 dự kiến có 1-2 nhịp chỉnh với giảm trên 10%, nhưng sau đó đi lên.

“VnIndex sẽ đạt 1.350 điểm sau đó sẽ có một nhịp chỉnh lớn khoảng 12-15%, giai đoạn này là cơ hội cho nhà đầu tư mua vào”, ông Trung dự báo.

Đồng quan điểm, ông Trần Hoàng Sơn khuyến nghị nhà đầu tư cần chú ý đến mức gần 1.300 điểm của hiện tại.

“Chúng ta trải qua sóng tăng khá dài, 4 tháng liên tiếp, trong khi thị trường toàn cầu đã có 8 tháng tăng điểm. Năm nay thị trường sẽ có 1-2 sóng điều chỉnh trước khi tiếp tục đi lên”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, nhịp điều chỉnh có thể khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường trong ngắn hạn, nên họ cần tính toán trước những điểm kháng cự như 1.326 điểm hay 1.350 điểm.

“Đây là mốc điểm nhà đầu tư cần tránh mua đuổi”, ông Sơn khuyến nghị.

Về lĩnh vực dẫn dắt tăng trưởng của TTCK, ông Lã Giang Trung nhấn mạnh vai trò của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Theo vị này, ngân hàng là ngành hưởng lợi lớn nhờ định giá hiện ở mức thấp và còn nhiều dư địa tăng trưởng. Ngoài ra, việc lãi suất huy động hạ xuống, tỷ suất lợi nhuận lãi thuần (NIM) của các ngân hàng tăng lên.

Bên cạnh NIM tăng, việc mặt bằng lãi suất thấp được duy trì từ nay đến cuối năm cũng giúp tín dụng dễ đưa vào nền kinh tế hơn.

“Tín dụng tăng giúp thu nhập của ngân hàng tăng. Nợ xấu giảm xuống bởi các hoạt động kinh doanh doanh nghiệp và thu nhập người dân tốt hơn. Đây là ba yếu tố lớn tác động tích cực, nhờ đó, hoạt động kinh doanh của ngân hàng tích cực”, ông Trung phân tích.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nha-dau-tu-ung-xu-ra-sao-trong-boi-canh-tien-chua-thuc-su-re/