Nhà đầu tư Trung Quốc đổ xô rót tiền vào chứng khoán Mỹ, Nhật Bản

Thất vọng với cơn suy sụp kéo dài của thị trường cổ phiếu trong nước, nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc đang lên cơn sốt đầu tư chứng khoán nước ngoài, đặc biệt là cổ phiếu ở Nhật Bản và Mỹ. Lo lắng trước tình trạng này, giới chức trách đã tìm cách hạn chế họ tiếp cận các quỹ đầu tư cổ phiếu nước ngoài.

Nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc đầu tư chứng khoán nước ngoài thông qua các quỹ quản lý tài sản nằm trong Chương trình nhà đầu tư tổ chức trong nước đủ tiêu chuẩn (QDII). Ảnh: Yicai Global

Trong tuần này, nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc đã mua chứng chỉ của các quỹ cung cấp khả năng tiếp cận cổ phiếu Nhật Bản với mức giá cao hơn 20% so với giá trị tài sản ròng của chúng.

Cụ thể, chứng chỉ của một quỹ hoán đổi danh mục (ETF). do Công ty China Asset Management Co.(China AMC) phát hành, giao dịch ở mức cao hơn 14-20% so với giá trị tài sản ròng trong ba ngày đầu tuần. Quỹ ETF này thu hút nhà đầu tư đến mức China AMC tạm dừng giao dịch trong một giờ vào hôm 25-1. Công ty đã lưu ý nhà đầu tư về sự chênh lệch lớn giữa giá chứng chỉ quỹ so với giá trị ròng, đồng thời cảnh báo, họ có thể chịu tổn thất nặng nề nếu đầu tư một cách mù quáng.

“Cơn sốt chứng khoán Mỹ và Nhật Bản hiện nay không khác gì cơn sốt mua bất động sản, bitcoin và vàng của các bà dì Trung Quốc cách đây nhiều năm”, Qi Wang, giám đốc đầu tư của bộ phận quản lý tài sản của Công ty môi giới UOB Kay Hian, nói khi ám chỉ đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ, những người có ảnh hưởng rất lớn đến giá cổ phiếu.

Việc nhà đầu tư Trung Quốc sốt sắng mua chứng chỉ của các quỹ ETF theo dõi cổ phhiếu của Nhật Bản và Mỹ là dấu hiệu cho thấy các cơ quan chức năng sẽ gặp khó khăn như thế nào trong việc thay đổi tâm lý nhà đầu tư giữa lúc thị trường chứng khoán trong nước chìm trong cơn suy sụp kéo dài nhiều năm.

Chỉ số bluechip CSI 300 của Trung Quốc mất 11,4% giá trị vào năm ngoái, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp sụt giảm. Chính điều đó thúc đẩy nhà đầu tư Trung Quốc rót tiền vào cổ phiếu nước ngoài, bao gồm cả Nhật Bản và Mỹ, nơi chứng khoán bùng nổ vào năm 2023.

Theo Wind, nhà cung cấp dữ liệu tài chính, bốn quỹ ETF theo dõi chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản, niêm yết tại Trung Quốc, ghi nhận khối lượng giao dịch khoảng 3,3 tỉ đô la Mỹ trong tuần này tính đến hôm 25-1. Đó là khối lượng giao dịch hàng tuần lớn nhất từ trước đến nay đối với bốn quỹ này.

Nhà đầu tư Trung Quốc T cũng đổ xô vào các quỹ ETF theo dõi thị trường chứng khoán Mỹ. Theo Wind, chứng chỉ của một quỹ ETF của China AMC, theo dõi chỉ số S&P 500 của Mỹ, đóng cửa hôm 24-1 với mức giá cao hơn 18% so với giá trị tài sản ròng. Mức chênh lệch này đã giảm xuống 5,8% vào hôm 25-1 sau khi nhà quản lý quỹ tạm dừng giao dịch trong một giờ.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã rút khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc vào năm ngoái do hoài nghi về triển vọng phục hồi kinh tế của đất nước. Giờ đây, đến lượt nhà đầu tư cá nhân trong nước tháo chạy.

Hàng trăm triệu nhà đầu tư cá nhân của Trung Quốc tạo ra khối lượng giao dịch lớn nhất trên thị trường chứng khoán của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Năm ngoái, họ đã chuyển tiền từ cổ phiếu sang các tài sản an toàn hơn, bao gồm cả các quỹ thị trường tiền tệ, sau khi không còn hy vọng thị trường chứng khoán sẽ quay đầu.

Các biện pháp soát dòng vốn chặt chẽ của Trung Quốc hạn chế số lượng cá nhân và tổ chức trong nước có thể đầu tư ra nước ngoài. Đó là một lý do khiến các quỹ ETF niêm yết ở Trung Quốc cho phép nhà đầu tư tiếp cận thị trường nước ngoài rất được ưa chuộng, khiến giá chứng chỉ quỹ đôi khi tăng vọt. Vì các quỹ này chỉ có thể đầu tư một lượng tiền đã được phê duyệt trước vào cổ phiếu nước ngoài nên không thể dễ dàng mua thêm để đáp ứng nhu cầu.

Trong một diễn biến khác, tờ Financial Times hôm 25-1 đưa tin, Trung Quốc đang thắt chặt các giới hạn về dòng vốn chảy ra nước ngoài bằng cách hạn chế khả năng tiếp cận chứng khoán nước ngoài của các quỹ trong nước.

Khoảng 1/3 trong số các quỹ của Trung Quốc đầu tư vào chứng khoán nằm trong chương trình miễn áp dụng các biến pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt đã thông báo đình chỉ hoặc giới hạn doanh số bán hàng cho các nhà đầu tư bán lẻ “để duy trì hoạt động ổn định và bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư”.

Nhà quản lý của một quỹ tập trung vào chứng khoán Mỹ , có trụ sở tại Bắc Kinh, cho hay, quỹ này đã nhận được chỉ thị không chính thức từ Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải, yêu cầu giảm doanh số bán các sản phẩm nhắm vào thị trường nước ngoài sau khi nhu cầu “tăng vọt”.

Sự quan tâm ngày càng gia tăng của nhà đầu tư nhỏ lẻ đối với đối với các quỹ đầu tư chứng khoán nước ngoài làm dấy lên mối lo ngại của giới chức trách về tình trạng dòng vốn chảy ra bên ngoài Trung Quốc.

Chương trình nhà đầu tư tổ chức trong nước đủ tiêu chuẩn (QDII) của chính phủ Trung Quốc cho phép các ngân hàng, công ty môi giới và nhà quản lý tài sản được miễn áp dụng sự kiểm soát vốn nghiêm ngặt để mua chứng khoán nước ngoài. Mua vào chứng chỉ của các quỹ nằm trong chương trình QDII là cách hợp pháp duy nhất để các nhà đầu tư nhỏ lẻ Trung Quốc đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu nước ngoài.

Nhu cầu của nhà đầu tư gia tăng khiến một số quỹ đạt đến hạn ngạch được cấp, trong khi các quỹ khác nhận được chỉ đạo từ các cơ quan quản lý để bán chậm lại hoặc trong một số trường hợp ngừng bán chứng chỉ quỹ.

Các bản công bố thông tin cho thấy 79 quỹ QDII của Trung Quốc đã đình chỉ hoạt động bán hàng cho các nhà đầu tư bán lẻ và 53 quỹ đã giới hạn bán. Những quỹ này chiếm 30% tổng số quỹ QDII nhắm vào các thị trường nước ngoài. Bắc Kinh đã cấp tổng hạn ngạch 166 tỉ đô la Mỹ cho 186 tổ chức trong chương trình QDII tính đến cuối năm 2023.

Theo WSJ, Financial Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nha-dau-tu-trung-quoc-do-xo-rot-tien-vao-chung-khoan-my-nhat-ban/