Nhà đầu tư nước ngoài tích cực săn tài sản bị 'ngộp' ở Trung Quốc

Giới đầu tư Singapore và các nước phương Tây đang tìm cách mua lại các bất động sản như cao ốc, nhà xưởng của các công ty đang gặp khó khăn của Trung Quốc, vốn đang cần phải bán để có nguồn tài chính cho tái hoạt động trở lại. Giá của những bất động sản này đang được định giá là 'hấp dẫn' với bên mua.

Các thương vụ mua bán bất động sản bị “ngộp” tại Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục trong quí 4- 2022. Ảnh: Reuters

Các thương vụ mua bán bất động sản bị “ngộp” tại Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục trong quí 4- 2022. Ảnh: Reuters

Theo hãng tài chính MSCI, doanh số bán bất động sản bị phát mãi của Trung Quốc, gồm cả các tòa nhà văn phòng và nhà máy, đạt kỷ lục hàng quí là 1,93 tỉ đô la Mỹ trong quí 4-2022, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 73% so với năm 2019 – năm đầu tiên Trung Quốc bắt đầu ghi nhận dữ liệu như vậy. Morgan Stanley Capital International (MSCI), công ty tài chính có trụ sở chính tại New York, Mỹ, là nhà cung cấp toàn cầu về vốn chủ sở hữu, thu nhập cố định, chỉ số bất động sản, các công cụ phân tích danh mục đầu tư đa tài sản…

Benjamin Chow, trưởng bộ phận nghiên cứu bất động sản châu Á tại MSCI, cho rằng các thương vụ mua của nhà đầu tư nước ngoài diễn ra rõ rệt hơn trong thời kỳ suy thoái bất động sản này so với những lần trước đây ở Trung Quốc.

Quỹ CapitaLand Investment do chính phủ Singapore hậu thuẫn là một ví dụ rõ nhất về sự quan tâm của nước ngoài đối với các dự án bất động sản Trung Quốc đang gặp khó khăn. Hồi tháng 2-2023, quỹ này đã huy động được 1,1 tỉ đô la Singapore (820 triệu đô la Mỹ) để săn lùng các thương vụ béo bở trên thị trường Trung Quốc.

“Những bất ổn trên thị trường trong hai năm qua đã mang lại nhiều cơ hội, đặc biệt là trong những tình huống đặc biệt, khi các nhà phát triển bất động sản tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng tín dụng”, Simon Treacy, giám đốc điều hành mảng bất động sản CapitaLand, đề cập trong một thư điện tử trả lời hãng tin Nikkei Asia, Nhật Bản.

Một trong những thương vụ mua lại tài sản “ngộp” với tiêu chí giá thấp cũng phải bán để có tiền tại Trung Quốc diễn ra hồi tháng 10 năm ngoái. Đó là, tập đoàn bất động sản Yongjia Group có trụ sở tại thành phố Đại Liên, Liêu Ninh bị vỡ nợ, và buộc phải đem đấu giá một tòa nhà văn phòng ở Bắc Kinh. CapitaLand đồng ý trả 2,04 tỉ nhân dân tệ (290 triệu đô la Mỹ), mức giá này thấp hơn 30% so với lần định định giá vào năm 2021.

Tháng 1-2023, một công ty cổ phần tư nhân có trụ sở tại Singapore đã ký thỏa thuận với một nhà sản xuất Đài Loan để mua một cơ sở hậu cần đã phá sản ở Trung Quốc. Giám đốc điều hành giấu tên của bên mua cho biết, họ tìm kiếm những doanh nghiệp đang bị chôn vốn và gặp khó khăn về tài chính tại đại lục để mua lại. “Chúng tôi tìm kiếm các phân khúc bất động sản đang gặp khó khăn, các nhà xưởng không được sử dụng hoặc đã phá sản để thương lượng mua lại những cơ sở này”, vị này nói.

Thị trường bất động sản của Trung Quốc không chỉ hấp dẫn với các công ty từ Singapore mà cả những công ty phương tây. Một trong số đó phải kể đến là Brookfield Asset Management (Canada) và Pictet Wealth Management (Thụy Sĩ), cũng quan tâm đến các giao dịch như vậy. Phát biểu tại một sự kiện ở Hồng Kông hồi tháng 5, CEO Alexandre Tavazzi của Pictet Wealth Management cho rằng, các dự án bị đóng băng ở Trung Quốc đã trở nên khá hấp dẫn với bên mua. Còn Ronald Thompson, CEO của hãng Alvarez & Marsal (Mỹ) có trụ sở tại Hồng Kông, cho rằng sẽ có cơ hội tốt để mua tài sản với mức định giá tốt trong vòng 5 năm tới.

Tuy nhiên, theo Benjamin Chow của MSCI, không phải nhà đầu tư nào cũng muốn mua lại các tài sản “ngộp” tại Trung Quốc vì lo ngại về lợi nhuận dài hạn, đặc biệt là khi Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản để thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Theo Nikkei

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nha-dau-tu-nuoc-ngoai-tich-cuc-san-tai-san-bi-ngop-o-trung-quoc/