Nhà đầu tư mong thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng

Sau khi hệ thống giao dịch chứng khoán được nâng cấp thành công, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài rất mong mỏi thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phát triển lên một tầm cao mới và tham gia vào các chuẩn quốc tế, nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Phần lớn yêu cầu đã được giải quyết

Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, 6 tháng đầu năm 2021 trên thị trường cổ phiếu, chỉ số liên tiếp lập đỉnh cao mới, đưa thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trở thành thị trường tăng mạnh thứ 2 trên thế giới. Tính đến ngày 30/6/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.408,55 điểm, tăng 27,6% so với cuối năm 2020. Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tiếp tục bùng nổ, cán mốc trên 1 tỷ USD/phiên nhờ dòng tiền của các nhà đầu tư trong nước dẫn dắt thị trường. Số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới đạt mức cao kỷ lục. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới đã tăng 58% so với cả năm 2020.

Ông Vũ Hữu Điền - Giám đốc đầu tư Dragon Capital, cho rằng sau khi hệ thống giao dịch chứng khoán được nâng cấp thành công, các nhà đầu tư nước ngoài rất mong mỏi TTCK Việt Nam sẽ phát triển lên một tầm cao mới và tham gia vào các chuẩn quốc tế, nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Theo ông Điền, việc hợp nhất hai sở cần được đẩy nhanh, khi hệ thống giao dịch của FPT được đưa vào hoạt động với quy mô lệnh lên tới 3 - 5 triệu lệnh/ngày (gấp 3 - 5 lần hiện tại), chúng ta có thể kỳ vọng áp dụng sản phẩm T+0 (giao dịch trong ngày), nếu được thanh khoản thị trường có thể tăng 50%, bên cạnh đó có sản phẩm bán khống hay cho vay cổ phiếu. Các nền tảng giao dịch mới có thể đáp ứng để đưa ra các sản phẩm mới.

Bên cạnh đó, thời gian tới thị trường chứng khoán tiếp tục đặt mục tiêu nâng hạng để vào MSCI. Theo ông Điền, phần lớn các yêu cầu đã được giải quyết xong, các vấn đề lớn như room ngoại có thể giải quyết bằng mở room hay chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR). "Chúng ta cũng cần giải quyết hệ thống thanh toán bù trừ độc lập để đáp ứng tiêu chí vào MSCI. Tôi mong các công ty chứng khoán nâng cao năng lực xây dựng các nền tảng kết nối để đáp ứng nhu cầu giao dịch của các nhà đầu tư cũng như các sản phẩm mới để tăng mức độ hấp dẫn cho thị trường"- ông Điền chia sẻ.

Ngoài ra, Giám đốc đầu tư Dragon Capital kỳ vọng UBCKNN và Sở Giao dịch chứng khoán sẽ kiểm soát chặt chẽ tình trạng thao túng thị trường và các hoạt động chứng khoán phái sinh…

Bên cạnh đó xu hướng đầu tư hiện nay là ESG (Environmental, Social and corporate Governance) chỉ nhóm các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị công ty. Các nhà đầu tư tổ chức và các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài, đặc biệt ở châu Âu họ quan tâm đến ESG. Trong đó, với thị trường Việt Nam phần quản trị công ty, chúng ta đã có nghị định hướng dẫn và có báo cáo 6 tháng về quản trị công ty nên có nhiều thông tin để các nhà đầu tư tham khảo.

Trong khi đó, các thông tin về môi trường và xã hội chúng ta chưa có chuẩn, do đó nên yêu cầu ban hành báo cáo ESG để các công ty niêm yết, đặc biệt các công ty lớn tích hợp vào báo cáo thường niên. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài có thêm thông tin để đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Cần cải thiện khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài

Theo ông Trần Trương Mạnh Hiếu – Trưởng nhóm Phân tích chiến lược của Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, nhà đầu tư đang mong đợi vào việc nâng hạng thị trường. Tuy nhiên, trong ngắn hạn thị trường Việt Nam vẫn chưa thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi và chúng ta cần phải làm rất nhiều để thị trường được nâng hạng.

Theo ông Hiếu, đầu tiên, cần cải thiện khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy các doanh nghiệp niêm yết đang phải công bố thông tin về hoạt động kinh doanh theo quy định. Nhưng những thông tin này không được công bố bằng tiếng Anh, đặc biệt là báo cáo tài chính. Do đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, cần tạo ra nhiều sản phẩm và công cụ tài chính hơn nữa trên thị trường như cho phép bán khống và các sản phẩm phái sinh khác. Việc không có đủ công cụ tài chính cần thiết để phòng ngừa rủi ro có thể làm những chiến lược đầu tư trở nên hạn chế rất nhiều. Qua đó làm khả năng tiếp cận thị trường suy giảm và có thể ảnh hưởng đến việc nâng hạng thị trường.

Ngoài ra, cần cải thiện quy định giao dịch. Chu kỳ thanh toán T+2 và việc trừ tiền trước khi nhận cổ phiếu có thể là những yếu tố cản trở sự giao dịch của nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam. Do đó, cần có có những điều chỉnh hoặc công cụ cải thiện vấn đề này.

Theo đại diện của UBCKNN, thời gian qua, TTCK Việt Nam có những bước phát triển lớn, phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cần nhiều nỗ lực để chúng ta đạt được những mục tiêu phát triển TTCK tới đây. Việc nâng hạng TTCK không phải là câu chuyện và nỗ lực của riêng ngành chứng khoán hay cơ quan quản lý TTCK.

Động lực nâng hạng thị trường, chính là các doanh nghiệp đại chúng. Chỉ khi doanh nghiệp minh bạch, tuân thủ kỷ luật công bố thông tin; quen và thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), phát triển bền vững, sẽ là hạt nhân để phát triển nội lực thị trường chứng khoán, là cái gốc của nâng hạng./.

Hồng Quyên

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2021-07-15/nha-dau-tu-mong-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-som-duoc-nang-hang-107426.aspx