Nhà đầu tư hồi hộp chờ dữ liệu lạm phát, chứng khoán Mỹ trái chiều

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giao dịch ngược chiều trong phiên đầu tuần khi các nhà giao dịch thận trọng chờ báo cáo lạm phát tháng 10.

Chứng khoán Mỹ trái chiều trong phiên đầu tuần. Ảnh: Reuters

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 13/11, chỉ số S&P 500 sụt 0,08% xuống 4.411,55 điểm. Nasdaq Composite cũng mất 0,22% về mức 13.767,74 điểm. Tuy nhiên, chỉ số Dow Jones tăng 54,77 điểm, tương đương 0,16%, lên mức 34.337,87 điểm.

Thị trường Phố Wall giao dịch ảm đạm trong phiên đầu tuần trong bối cảnh nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng trước khi đón nhận dữ liệu kinh tế quan trọng có thể ảnh hưởng đến quyết định về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố trong ngày 14/11. CPI toàn phần được dự báo tăng 3,3% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,1% so với tháng trước, theo kết quả khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s hôm 10/11 đã hạ triển vọng tín nhiệm của Mỹ xuống mức “tiêu cực” do thâm hụt ngân sách khổng lồ và sự chia rẽ sâu sắc giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong vấn đề ngân sách.

Tuy nhiên, Moody’s khẳng định rằng xếp hạng tín nhiệm của Mỹ vẫn ở mức cao nhất là AAA.

Trước đó 3 tháng, Fitch đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+ với lý do thâm hụt ngân sách, gánh nặng nợ nần và bất đồng về các vấn đề tài khóa ngày càng leo thang.

Mặc dù vậy, thị trường dường như không có phản ứng đáng kể sau tuyên bố của Moody’s. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm gần như đi ngang và chốt phiên giao dịch ở mức 4,638%.

Giám đốc điều hành (CEO) Greg Bassuk của công ty AXS Investments nhận định với hãng tin CNBC: “Chúng tôi chứng kiến phản ứng của nhà đầu tư sau khi Moody’s hạ triển vọng của Mỹ, nhưng cũng nhận thấy những lo ngại xung quanh một số sự kiện lớn sắp diễn ra trong tuần này”.

Vị CEO cho rằng tâm điểm của giới đầu tư Phố Wall trong tuần này là dữ liệu lạm phát tháng 10 và ảnh hưởng của dữ liệu đó đến đường đi chính sách của Fed.

Chuyên gia Bassuk dự đoán thị trường sẽ tiếp tục biến động đến cuối năm nay, đặc biệt là trong bối cảnh các cuộc xung đột đang diễn ra tại châu Âu và Trung Đông và dữ liệu kinh tế xen lẫn cả tích cực và tiêu cực.

Dự báo về số liệu lạm phát tháng 10, nhà phân tích thị trường Jamie Duta tại Vantage đánh giá: “Xác suất Fed tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 12 tới là chưa đến 10%. Vì vậy, khó có khả năng một dữ liệu kinh tế sẽ làm thay đổi nhận định của thị trường”.

Vị chuyên gia lưu ý rằng giá cả trong tháng 10 sẽ tăng khiêm tốn so với tháng trước và giảm tốc về 3% so với cùng kỳ năm trước. Nhà phân tích dự báo lạm phát trong năm 2024 sẽ hạ xuống gần mục tiêu của Fed khi người tiêu dùng bắt đầu cảm thấy áp lực khi các điều kiện tài chính và tín dụng thắt chặt hơn.

Trong khi đó, ngân hàng Morgan Stanley dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc và Fed có thể bắt đầu thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ trong năm tới.

Morgan Stanley dự đoán Fed sẽ giữ lãi suất ổn định ở mức 5,375% cho đến tháng 6/2024 và sẽ có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên.

Nguyễn Thu

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nha-dau-tu-hoi-hop-cho-du-lieu-lam-phat-chung-khoan-my-trai-chieu.html